Báo Đồng Nai điện tử
En

Công khai mua bán dữ liệu cá nhân trên mạng

10:11, 08/11/2021

Hiện nay, trên mạng xã hội (MXH) có một số nhóm chuyên mua, bán công khai cả bản gốc lẫn file hình ảnh chụp các dữ liệu cá nhân như: chứng minh nhân dân (CMND), bằng lái xe… với số lượng lớn.

Hiện nay, trên mạng xã hội (MXH) có một số nhóm chuyên mua, bán công khai cả bản gốc lẫn file hình ảnh chụp các dữ liệu cá nhân như: chứng minh nhân dân (CMND), bằng lái xe… với số lượng lớn.

Nhiều người công khai mua, bán các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, bằng lái xe  trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Nhiều người công khai mua, bán các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, bằng lái xe trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Theo cơ quan chức năng, có khả năng các đối tượng dùng những dữ liệu cá nhân này để mạo danh người khác vay vốn tín chấp, lập các hồ sơ giả mạo hoặc lừa đảo chính nạn nhân bị lọt, lộ giấy tờ trên.

* Mua file dữ liệu cá nhân

Với từ khóa “mua CMND” hoặc “cần mua bằng lái xe” là dễ dàng tìm được những nhóm chuyên mua, bán các loại giấy tờ tùy thân trên MXH. Người bán hoặc người mua chỉ cần đưa ra yêu cầu như: chủng loại giấy tờ, số lượng hoặc địa phương nơi đăng ký là sẽ nhanh chóng có người nhắn tin đưa ra giá.

Theo một thành viên của nhóm “mua bán cmnd_blx_cavet xe” có hơn 3,3 ngàn thành viên, các giấy tờ được mua, bán trên nhóm đều là hàng thật, có nguồn gốc từ các nơi cầm đồ, giấy tờ bị thế chấp để vay rồi “xù” nợ. Giá mỗi loại giấy tờ dao động trong vài trăm ngàn đồng; do giá trị nhỏ nên việc nhận tiền, lấy hàng có thể tiến hành trực tiếp hoặc chuyển phát nhanh đều được. Thậm chí, nếu cần số lượng lớn, người mua chỉ cần báo trước vài ngày, chuyển khoản đặt cọc vài trăm ngàn đồng rồi chờ nhận hàng, thanh toán.

Việc mua bán các loại giấy tờ tùy thân không mới nhưng thời gian gần đây, lại xuất hiện loại hình mới là mua bán các file dữ liệu gồm hình ảnh cá nhân (dạng hình thẻ), hình chụp 2 mặt giấy tờ tùy thân (chủ yếu là CMND, bằng lái xe)… Quá trình mua bán các file này diễn ra thậm chí còn đơn giản hơn, giá cả lại rẻ hơn khi mua giấy tờ gốc, nhưng người mua có thể dùng các file nhiều lần, thanh toán có thể bằng nhiều hình thức mà không sợ lộ.

Anh N.H.T.H. (nhân viên một công ty cung cấp dịch vụ an ninh mạng tại TP.HCM) cho hay, bên bán có thể “nhá” hàng trước bằng cách chụp màn hình các file để bên mua kiểm tra. Sau khi đạt được thỏa thuận mua bán, hai bên tiến hành gửi, nhận file thông qua các bên cung cấp dịch vụ nước ngoài, thanh toán có thể bằng hình thức chuyển khoản đơn giản hoặc bằng các loại tiền ảo đang “rộ”.

* Rủi ro pháp lý cao

Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh nhận định, vì mặt hàng mua, bán chủ yếu là dữ liệu hình ảnh nên việc thu thập đơn giản hơn so giấy tờ gốc. Hiện nay, rất nhiều giao dịch đòi hỏi người có nhu cầu phải cung cấp giấy tờ tùy thân như: vay tín chấp, đăng ký các khóa học, thậm chí là nộp hồ sơ xin việc làm… Ngoài ra, hiện có nhiều người chủ quan khi gửi hình thẻ, hình 2 mặt CMND, căn cước công dân qua các ứng dụng nhắn tin để nhờ người quen in ấn, nộp các loại hồ sơ giùm… cũng khiến những thông tin này dễ bị “tuồn” ra ngoài.

Để hạn chế tình trạng ảnh giấy tờ tùy thân bị rao bán công khai, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) cảnh báo người dân không đăng ảnh các giấy tờ tùy thân lên mạng xã hội. Nên có email, số điện thoại riêng (không phải email, số điện thoại dùng chính) để đăng ký các dịch vụ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Không cung cấp mã số các loại giấy tờ tùy thân với những dịch vụ lạ, dịch vụ không thiết yếu; tuyệt đối không cho mượn các giấy tờ tùy thân.

Trước tình trạng trên, Bộ Công an đã cảnh báo một số nguy cơ hiện hữu khi thông tin, hình ảnh các loại giấy tờ tùy thân bị lộ lọt như: mạo danh vay tiền tín chấp (đủ hình ảnh, hình chụp CMND); đối tượng xấu mạo danh lực lượng chức năng tìm cách liên hệ người bị lộ thông tin để đe dọa lừa đảo (nhất là khi đối tượng xấu đọc rõ tên tuổi, địa chỉ và các thông tin cá nhân khác). Hoặc có thể bị đăng các hình ảnh này lên MXH kèm thông tin bịa đặt, giật gân như: đánh ghen, tai nạn… để “câu like”. Thậm chí, một số tổ chức còn có thể lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để lập giả bảng lương, đăng ký SIM, đăng ký pháp nhân cho cơ sở kinh doanh “ma”… gây ảnh hưởng không nhỏ đến người bị lọt, lộ dữ liệu cá nhân.

Hiện nay, theo Khoản 5, Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông thì tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt 50-70 triệu đồng (cá nhân chịu mức phạt bằng 50% của tổ chức). Trường hợp thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác (sử dụng dịch vụ viễn thông) mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo Điểm e, Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, ngoài Nghị định 15/2020/NĐ-CP, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định việc mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đông Hồ

Tin xem nhiều
Nơi thuê ip tĩnh giá tốt Giải pháp backup dữ liệu server​ tốt nhất hiện nay