Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em

10:11, 05/11/2021

Dù đã đăng ký danh sách cho con tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng nhiều phụ huynh vẫn có chút đắn đo trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ...

Dù đã đăng ký danh sách cho con tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhưng nhiều phụ huynh vẫn có chút đắn đo trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Nguyễn Hữu Tài, cho biết:

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài

Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng 2 vaccine tiêm phòng cho trẻ là Pfizer và Moderna. Hai vaccine này có thành phần mRNA của virus nhưng khi vào cơ thể hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, vì thế không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen, hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khỏe của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng ngừa Covid-19.

* Thưa ông, nhiều phụ huynh muốn biết tới đây Đồng Nai sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng nào cho trẻ em?

- Theo Bộ Y tế, loại vaccine hiện tại được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, tương tự loại cho người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3ml/liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa hai mũi từ 3-4 tuần (21-28 ngày).

Dự kiến Đồng Nai sẽ triển khai tiêm mũi 1 trong tháng 11-2021 và sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 trong tháng 12-2021.

* Có thông tin trước khi tiêm cha mẹ hoặc người giám hộ phải ký phiếu đồng ý trước khi cho con tiêm, vì sao phải thực hiện thủ tục này?

- Theo quyết định về việc hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ em do Bộ Y tế ban hành, trên bảng kiểm trước tiêm chủng đối với trẻ em, ngoài họ tên, ngày sinh, giới tính, chứng minh nhân dân (nếu có), số điện thoại, địa chỉ liên hệ của trẻ, còn có thông tin, số điện thoại của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ.

Trước đây, người lớn tham gia tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng đều phải ký phiếu đồng ý trước khi tiêm, trẻ em dưới 18 tuổi thì phải do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

* Tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ lúc này, thưa ông?

- Vaccine ngừa Covid-19 không chỉ có hiệu quả trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh, nhập viện và tử vong mà còn giúp trẻ em sớm được trở lại với các hoạt động bình thường cùng cha mẹ. Nếu mắc Covid-19, trẻ em cũng phải chịu các tác động đến sức khỏe, tâm lý có khả năng kéo dài với mức độ tương tự như người lớn.

Từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 12,3 ngàn trường hợp dưới 17 tuổi mắc bệnh Covid-19. Hiện nay, trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đang trong trạng thái “bình thường mới” nên việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em là một trong những giải pháp chủ chốt tạo miễn dịch cộng đồng cũng như bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc bệnh và tử vong, để tiến tới mở cửa trường học; cũng như để trẻ có thể tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

* Trước các tin đồn liên quan đến tác dụng phụ của vaccine ngừa Covid-19 đối với trẻ em, ông có thể giải thích thêm để phụ huynh yên tâm hơn?

- Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine ngừa Covid-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và đều được giải quyết trong vòng vài ngày.

Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các loại vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới đều phải nghiên cứu để đảm bảo tính an toàn và hiệu lực, cũng như trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt trước khi tiêm rộng rãi trong cộng đồng. Sau khi tiêm vaccine, người được tiêm chủng có thể gặp một số phản ứng sau tiêm, điều này là hoàn toàn bình thường và nằm trong dự liệu. Các dấu hiệu phản ứng xảy ra chứng tỏ vaccine đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch.

Vaccine Pfizer được sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Vaccine Pfizer được sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi

Một số trường hợp sau tiêm có thể gặp các phản ứng như: tại vị trí tiêm có thể đau, ửng đỏ, sưng tấy. Cơ thể có thể xuất hiện triệu chứng ớn lạnh, tiêu chảy, sốt hoặc cảm thấy vã mồ hôi, đau đầu, đau cơ, buồn nôn… Tất cả phản ứng trên sẽ xuất hiện trong vòng một vài ngày.

Để giảm bớt triệu chứng, phụ huynh có thể dùng thuốc hạ sốt để uống khi sốt/giảm đau, theo dõi kỹ trong 3 ngày đầu, để ý với những phản ứng nguy hiểm xảy ra sau tiêm với trẻ. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn uống đầy đủ các nhóm chất đạm, trái cây, uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh quá mức, không tập luyện nặng...

Ngoài ra, có thể xuất hiện tình trạng mặc dù là không phổ biến như: nổi mề đay, sưng hạch cổ họng/miệng, khó thở, lơ mơ, ngủ gà ngủ gật, sốt cao trên 40OC, co giật hoặc tê bì tay chân. Khi có những phản ứng này cần báo ngay với đơn vị tiêm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý.

Điều các phụ huynh lo lắng nhất hiện nay là đã có báo cáo của một số nước về bệnh viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim có thể xảy ra sau khi trẻ tiêm vaccine Pfizer, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy biến chứng này rất hiếm xảy ra và hầu hết các bệnh nhân viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đều đáp ứng tốt với điều trị, sau đó được nghỉ ngơi đã nhanh chóng cảm thấy khỏe hơn.

Biến chứng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tiêm thường xuất hiện trong vòng 1 tuần sau tiêm vaccine, thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn nữ và ở lần tiêm thứ hai, phụ huynh cần theo dõi trẻ, nếu xuất hiện một trong 3 dấu hiệu: đau ngực, hụt hơi, cảm giác có nhịp tim nhanh, không đều hoặc đập thình thịch thì phải đưa trẻ đến cơ sở điều trị khám ngay.

* Trẻ cần phải đảm bảo các điều kiện gì về sức khỏe để được tiêm ngừa?

- Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng cho trẻ em, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ, nhân viên y tế và những người có liên quan để triển khai buổi tiêm an toàn, hiệu quả.

Khi trẻ đến khám sàng lọc sẽ được bác sĩ khám sàng lọc trước khi tiêm, nếu trẻ thuộc diện cẩn trọng khi tiêm thì sẽ bố trí tiêm tại bệnh viện hoặc thuộc diện chống chỉ định tiêm thì sẽ được bác sĩ tư vấn cho người nhà.

Cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nước đủ trước và sau tiêm, chú ý uống nhiều nước khi trẻ có sốt cao sau tiêm, nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh quá mức, không tập luyện nặng...

Trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, nhất là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều