Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để ngày Xuân mất vui vì rượu, bia

10:01, 26/01/2022

Ngày Xuân mọi người thường mời nhau ly rượu, bia và rất khó để từ chối. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu, bia không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn dễ gây mất an ninh trật tự.

Ngày Xuân mọi người thường mời nhau ly rượu, bia và rất khó để từ chối. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu, bia không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn dễ gây mất an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp lái xe máy vi phạm nồng độ cồn trên đường Đặng Văn Trơn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Võ Nguyên
Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp lái xe máy vi phạm nồng độ cồn trên đường Đặng Văn Trơn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Võ Nguyên

* Hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, liên tiếp xảy ra một số trường hợp uống rượu, bia bị ngộ độc. Gần nhất, trong tháng 10-2021, trên địa bàn H.Nhơn Trạch xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu tại bữa tiệc của một hộ dân và tại một doanh nghiệp, dẫn tới việc 17 người bị ngộ độc phải đi cấp cứu và có 3 người tử vong. Kết quả xét nghiệm ban đầu của lực lượng chức năng cho thấy, mẫu rượu được sử dụng trong 2 vụ ngộ độc là rượu có chứa methanol.

Trước đó, vào ngày 4-8-2021, tại tỉnh Khánh Hòa xảy ra vụ ngộ độc rượu hy hữu do 2 thanh niên mua cồn pha với nước thành rượu để uống. Hậu quả, cả hai nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo Sở Y tế, methanol là một loại chất cồn được dùng trong sản xuất rượu. Hàm lượng methanol có trong rượu uống về nguyên tắc phải thấp hơn 0,1%. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên một số loại rượu bán trôi nổi trên thị trường có hàm lượng methanol rất cao, dễ gây ngộ độc và tử vong. Do vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi lựa chọn loại đồ uống có cồn, lựa chọn loại đồ uống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu sau khi uống rượu có các triệu chứng bất thường như: đau đầu, khó thở cần nhập viện ngay để được thăm khám và điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Khoản 1, Điều 34 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức; không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành.

Việc lạm dụng rượu, bia không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất an ninh trật tự như: ẩu đả, cố ý gây thương tích, thậm chí tử vong. Đau lòng hơn, chỉ vì không kiểm soát được hành vi sau khi nhậu say, có trường hợp chính người thân trong gia đình đánh nhau dẫn đến kẻ tử, người tù.

Như trường hợp 2 anh em Nguyễn Văn Bính (47 tuổi) và Nguyễn Văn Phước (44 tuổi), cùng ngụ P.Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) uống rượu với nhau tại nhà vào ngày 18-7-2021, thời gian TP.Biên Hòa giãn cách xã hội. Trong lúc ăn nhậu, 2 anh em xảy ra mâu thuẫn, anh Phước bực tức lấy dao đâm liên tục vào người anh Bính đang nằm dưới nền nhà. Bị đâm, anh Bính liền chạy ra phía sau bếp lấy con dao đâm lại anh Phước làm nạn nhân bất tỉnh.

Sau đó, anh Bính bỏ chạy ra trước cửa nhà khoảng 2m thì gục ngã. Người nhà phát hiện đưa anh Bính và anh Phước đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhưng do thương tích nặng nên cả hai đã tử vong tại bệnh viện.

Theo các cơ quan tố tụng tỉnh, nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua có liên quan đến việc người phạm tội có sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác. Trong khi đó, việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác rồi có hành vi phạm tội được coi là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội danh được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định.

* Chú ý phòng tránh hành vi vi phạm pháp luật

Ngày Xuân, việc mọi người mời nhau ly rượu, bia là khá phổ biến, do pháp luật không cấm việc sử dụng rượu, bia mà chỉ hạn chế đối với những đối tượng, trường hợp cụ thể. Do đó, khi sử dụng rượu, bia, người dân cần lưu ý “đã uống rượu bia thì không lái xe” hoặc không ép người khác uống rượu, bia, không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi…

Để giúp người dân hiểu, chấp hành, tránh vi phạm, luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) chỉ rõ, tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30-12-2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 2-5 triệu đồng. Điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 6-8 triệu đồng. Điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt từ 10-12 triệu đồng.

“Còn đối với hành vi ép người khác uống rượu bia, cung cấp rượu bia cho người dưới 18 tuổi thì sẽ bị chế tài theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” - luật sư Cao Sơn Hà nói.

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 0,5-1 triệu đồng đối hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia hoặc bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi (Điều 30, Điều 31). Bên cạnh đó, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) còn có thêm quy định phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng rượu, bia gây mất trật tự công cộng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Tổng kho Bia Nga giá rẻMua vang chén thánh nhập khẩu cao cấp