Báo Đồng Nai điện tử
En

Phẫn nộ trước các vụ việc bạo hành trẻ em

08:01, 23/01/2022

Các vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại một số tỉnh, thành trong thời gian gần đây khiến dư luận cả nước bức xúc, phẫn nộ.

Các vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại một số tỉnh, thành trong thời gian gần đây khiến dư luận cả nước bức xúc, phẫn nộ.

Hình ảnh bé trai 5 tuổi (ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị cha dượng đánh đập dã man được người dân ghi lại. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh bé trai 5 tuổi (ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị cha dượng đánh đập dã man được người dân ghi lại. Ảnh cắt từ clip

Nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vụ việc nêu trên để răn đe làm gương, đồng thời mỗi người cần có trách nhiệm, tiếng nói để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn nêu trên.

* Bức xúc trước vấn nạn bạo hành

Chị Phạm Thị Nguyệt (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ, dư luận chưa thôi xót xa trước vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị “dì ghẻ” đánh đập, hành hạ dẫn đến tử vong thì mới đây lại xảy ra vụ  bé Đ.T.N.A. (3 tuổi, ngụ H.Thạch Thất, TP.Hà Nội) bị người tình của mẹ khai đóng 9 chiếc đinh dài khoảng 2,1cm vào xung quanh đỉnh đầu. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đưa ra xét xử vụ cháu bé 6 tuổi (ở Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) bị chính cha ruột dùng cây đánh đập dẫn đến bị nhiều thương tích và tử vong trên đường đến bệnh viện; vụ bé trai 5 tuổi (ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị cha dượng đánh đập dã man; vụ bé gái 12 tuổi (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) bị cha dượng xâm hại, mẹ bạo hành… 

“Theo dõi các thông tin liên quan đến vụ việc trên tôi thật sự rất sốc. Không thể tin được những người lớn với vai trò làm cha, làm mẹ lại có hành vi tàn độc như vậy đối các cháu nhỏ. Mong rằng vụ án này cần được sự trừng phạt nghiêm khắc từ pháp luật, không chỉ đem sự công bằng cho bé mà là bài học, thức tỉnh những con người ích kỷ, nhẫn tâm, thích sử dụng bạo lực trong xử sự” - chị Nguyệt kiến nghị.

Cùng quan điểm, nhiều người cho biết cảm thấy rất đau lòng khi xem các thông tin liên quan đến các vụ việc bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng công bố các tình tiết điều tra về các vụ việc càng khiến mọi người phẫn nộ nhiều hơn.

“Tôi đã không cầm được nước mắt khi cơ quan điều tra thông tin về video về 4 tiếng cuối cuộc đời của cô bé 8 tuổi bị dì ghẻ “tra tấn”. Càng đau lòng hơn trước lời khai của bị can Nguyễn Trung Huyên (người đóng đinh vào đầu bé Đ.T.N.A.) về việc thường đánh đập, hành hạ cháu, khiến cháu nhiều lần phải nhập viện như: pha thuốc diệt cỏ bỏ vào nước ngọt, bỏ đinh ốc vào miệng rồi đổ nước ép cháu bé uống, dùng 1 quả tạ loại 2kg đóng 9 chiếc đinh dài khoảng 2,1cm vào xung quanh đỉnh đầu cháu bé… Hành vi mất hết nhân tính như thế không thể chấp nhận được, cần phải xử phạt ở mức cao nhất để răn đe” - chị Nguyễn Thị Mỹ Liên (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) bức xúc.

* Cần có giải pháp ngăn chặn

Từ những vụ việc trên cho thấy do các em thiếu sự quan tâm của người lớn nên mới trở thành nạn nhân của hành vi bạo hành. Nạn nhân trong các vụ bạo hành nêu hầu hết đều có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, phải sống chung với tình nhân của cha hoặc mẹ.

“Chính sự vô tâm của những người lớn gồm: cha, mẹ, người thân, hàng xóm… đã vô tình dung túng, tiếp tay cho kẻ ác hành hạ các em. Tiếng la mắng, khóc ré của trẻ khi bị hành hạ lẽ nào không ai nghe thấy. Dù không ở cùng con, nhưng khi đến thăm chẳng lẽ cha, mẹ ruột không nhìn thấy những vết tích của đòn roi, các biểu hiện bất thường về tâm lý và thể chất của trẻ... Nếu có sự quan tâm thì người lớn có thể nhận ra, có giải pháp cứu trẻ khỏi kẻ thủ ác” - ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) nêu ý kiến.

Theo ông Liêm, ngoài xử lý nghiêm đối với thủ phạm, cơ quan chức năng cần truy cứu, xử lý hành vi vô trách nhiệm của những người lớn có liên đới trong các vụ việc trẻ bị bạo hành. Song song đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định pháp luật liên quan như: mức xử phạt về hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em, bạo hành gia đình; mức phạt đối với hành vi “ngó lơ” không tố cáo khi biết trẻ bị xâm hại, bạo hành... để mọi người biết bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn của cả cộng đồng. Song song đó, cũng cần dạy trẻ cách bảo vệ bản thân, mở lòng chia sẻ nếu các gặp vấn đề liên quan, nhất là gặp phải sự bạo hành, xâm hại...

Để những vụ việc bạo hành đau lòng trên không còn xảy ra, theo nhiều ý kiến của bạn đọc, toàn xã hội cần vào cuộc với những hành động cụ thể. “Khi các ngành, đoàn thể liên quan cùng người dân chung tay hành động thì vấn nạn bạo hành mới có thể được ngăn chặn. Phải vận hành thật tốt hệ thống bảo vệ trẻ từ trung ương tới địa phương với những quy định, phương án, trách nhiệm cụ thể mới có thể bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất trước nạn bạo hành” - ông Phạm Minh Toàn (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đề xuất.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích