Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự kiến chuyển dịch bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B: Cần thiết và phù hợp với thực tế

10:03, 21/03/2022

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch bệnh để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm).

Để phòng, chống dịch Covid-19 một cách linh hoạt trên nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch bệnh để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (nguy hiểm).

Giám đốc Sở Y tế TS-BS Phan Huy Anh Vũ
Giám đốc Sở Y tế TS-BS Phan Huy Anh Vũ

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế, TS-BS PHAN HUY ANH VŨ cho là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.

* Hiện Chính phủ đang yêu cầu Bộ Y tế xem xét chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Căn cứ các quy định trên, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Hiện các chuyên gia dịch tễ đã có những nghiên cứu về khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine); tỷ lệ chuyển nặng và tử vong; khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt là vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội... và lấy đó làm căn cứ để trình Chính phủ cho chuyển dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong).

Tôi đồng thuận với chủ trương sớm đưa dịch bệnh Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A. Việc này phù hợp với tình hình thực tế và tạo điều kiện ổn định đời sống xã hội, cũng như phát triển kinh tế. Bởi hiện nay, dù số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhưng mức độ nguy hiểm đã giảm rất nhiều so với trước đây. Điều này được chứng minh là số ca Covid-19 chuyển nặng và tử vong giảm rất nhiều.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh như: bệnh bại liệt, bệnh cúm A-H5N1, bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg, bệnh sốt Tây sông Nin, bệnh sốt vàng, bệnh tả, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus. Bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh như: bệnh do virus Zika, virus Adeno, HIV/AIDS, bạch hầu, cúm, ho gà, bệnh dại, lao phổi, liên cầu khuẩn lợn, lỵ Amibe, lỵ trực trùng, quai bị, sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, bệnh than, thủy đậu, thương hàn, uốn ván, viêm gan virus, viêm màng não mô cầu...

* Theo ông, nếu đưa bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B thì công tác phòng, chống dịch có gì khác hay không?

- Nếu dịch bệnh Covid-19 được đưa về bệnh nhiễm nhóm B thì chúng ta sẽ đối phó với dịch bệnh này tương tự các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B như: sốt xuất huyết, tay chân miệng… Chúng ta biết đối tượng nào thuộc nguy cơ để có thể ngăn chặn hoặc tập trung điều trị sớm. Chủ trương đưa bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B là một chuyển biến tốt, đây cũng là xu hướng hiện nay của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, cần hiểu đúng rằng, việc chuyển dịch bệnh Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và vẫn có thể gây chết người, nhưng nó không còn là đặc biệt nguy hiểm nữa.

* Vậy theo ông, chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B cũng sẽ thay đổi các biện pháp chống dịch. Theo ông, những thay đổi này là gì?

- Ngày 17-3, trong một cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch”, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch, chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính cho phòng, chống dịch, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Theo đó, nếu việc chuyển mức độ này được thực hiện, một số biện pháp phòng, chống dịch cũng sẽ thay đổi. Chẳng hạn, sẽ không còn hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch, hay buộc đóng cửa, không được tổ chức những hoạt động tập trung đông người như: rạp chiếu phim, vũ trường cũng như các hoạt động lễ hội ngoài trời... do chúng ta đang thích nghi linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, bởi tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt rất cao. Ngoài ra, việc chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng, chống dịch, giảm áp lực cho các địa phương, đỡ gánh nặng cho ngành Y tế cũng như hạn chế phiền hà cho người dân khi buộc phải cách ly.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong tỉnh
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong tỉnh

* Sự điều chỉnh này nếu được triển khai, sẽ có thay đổi về điều hành y tế lẫn đời sống người dân như thế nào, thưa ông?

- Nếu dịch bệnh Covid-19 được chuyển từ nhóm A sang nhóm B, những quy định hiện hành, những biện pháp hạn chế tập trung đông người, các quy định về bảo hộ phòng dịch cũng như cách ly sẽ có sự thay đổi theo. Chẳng hạn, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A thuộc diện được điều trị miễn phí do được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả phí (đối với người tham gia BHYT) và được ngân sách chi trả (đối với người không tham gia BHYT). Khi áp dụng biện pháp phòng, chống dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm B thì khả năng những người nhiễm Covid-19 sẽ không điều trị miễn phí. Lúc đó, chỉ người tham gia BHYT mới được Quỹ BHYT trả phí, người không tham gia BHYT sẽ phải chi tiền túi để điều trị.

Riêng các biện pháp phòng, chống dịch khác như: đảm bảo cách ly y tế, khử khuẩn... đều được quy định cho các bệnh truyền nhiễm thuộc cả nhóm A, B, C nên vẫn phải thực hiện, tuy nhiên tần suất, quy mô thực hiện các biện pháp này phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh.

Việc chuyển Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B cũng làm giảm áp lực cũng như vất vả, căng thẳng cho nhân viên y tế. Việc đầu tiên thay đổi là nhân viên y tế không phải mặc đồ bảo hộ trùm kín cả người trong quá trình lấy mẫu, tiêm vaccine hay trong các hoạt động y tế thông thường... mà chỉ cần đeo găng tay, khẩu trang N95, kính chống giọt bắn là đủ an toàn trong quá trình làm việc... Như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua đồ bảo hộ phòng dịch mặc 1 lần, giúp nhân viên y tế giảm căng thẳng, mệt mỏi khi phải mặc đồ kín cả người trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Việc đó cũng giúp thuận lợi hơn trong việc chăm sóc cho người bệnh mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch.

* Bệnh Covid-19 nếu được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì vẫn là một loại bệnh nguy hiểm và lây lan nhanh. Theo ông, người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống dịch như thế nào?

- Nếu chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, bệnh Covid-19 vẫn là một loại bệnh truyền nhiễm nên chúng ta vẫn cần tiếp tục có những biện pháp bảo vệ, phòng chống dịch. Trước hết, người dân vẫn cần phải đeo khẩu trang; rửa tay thường xuyên; người cao tuổi, có bệnh nền mà chưa được tiêm chủng nên hạn chế tiếp xúc với người khác. Có khả năng người nhiễm cũng không cần thiết phải cách ly tại cộng đồng, nhưng khi F0 đến bệnh viện vẫn cần phân loại vào khoa truyền nhiễm để tránh lây nhiễm cho các bệnh nhân thông thường.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều