Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ngoại viện

07:04, 29/04/2022

Trong thời gian qua, một số trường hợp do không có kiến thức về sơ cấp cứu nhưng lại quá nhiệt tình cứu người nên vô tình làm tình trạng thương tích của các nạn nhân thêm trầm trọng, để lại di chứng nặng nề…

Trong thời gian qua, một số trường hợp do không có kiến thức về sơ cấp cứu nhưng lại quá nhiệt tình cứu người nên vô tình làm tình trạng thương tích của các nạn nhân thêm trầm trọng, để lại di chứng nặng nề…

BS Tạ Quang Thịnh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ hướng dẫn học sinh Trường THCS Lê Lợi (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) thực hành hô hấp nhân tạo đối với trường hợp đuối nước. Ảnh: Phương Liễu
BS Tạ Quang Thịnh, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ hướng dẫn học sinh Trường THCS Lê Lợi (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) thực hành hô hấp nhân tạo đối với trường hợp đuối nước. Ảnh: Phương Liễu

Để cứu người bị nạn tại hiện trường trước khi nhân viên y tế đến, người dân cần có những kỹ năng, kiến thức sơ cấp cứu để giúp người bị nạn giảm thiểu rủi ro. Thế nhưng, công tác tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ngoại viện cho người dân hiện chưa được quan tâm...

* Sự nhiệt tình nguy hiểm

Bà Nguyễn Thị Ngọc (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) bùi ngùi nhớ lại chuyện con trai bà tử vong do đuối nước nhưng không được cấp cứu đúng cách.

Bà Ngọc kể, mùa hè năm 2019, con trai 19 tuổi của bà xin gia đình cho về nhà một người bạn ở tỉnh Tiền Giang chơi. Nhưng chỉ ngày hôm sau, bà điếng người khi nghe tin con mất vì đuối nước. Tức tốc đáp xe xuống Tiền Giang ngay trong đêm, ôm xác con mà ông bà càng đau đớn hơn khi thấy mặt mũi, thân thể con bị xây xước, phồng giộp do bị... bỏng. Hỏi ra mới biết, chiều hôm ấy, con bà bị đuối nước và được cứu lên bờ. Thay vì tiến hành hô hấp nhân tạo để nạn nhân thở trở lại, những người dân ở đây lại thay phiên nhau vác em trên vai chạy 9 vòng, một số người khác lo đốt lửa hơ nóng cái lu sành, sau đó cho con bà vào lu và lăn đi lăn lại để làm nóng người... Cấp cứu sai cách, con bà đã không qua khỏi.

BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, cách vác thốc nạn nhân hoặc làm nóng nạn nhân đuối nước bằng cho vào lu nóng lăn đi là những kiểu cấp cứu dân dã mà khoa học hiện đại đã chứng minh là sai lầm. Việc dốc ngược một người bị đuối nước không làm nước trong phổi chảy ra ngoài, mà còn làm dịch trong dạ dày trào ra, tăng nguy cơ hít sặc. Đặc biệt, hành động này làm trì hoãn việc cấp cứu ngưng tim ngưng thở, rút ngắn thời gian vàng cung cấp oxy cho não, tăng tỷ lệ tử vong và di chứng tổn thương não thiếu oxy không hồi phục. Cho nên, cấp cứu người đuối nước cần nhất là nhanh chóng hồi sinh tim phổi bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

Không ít lần đi đường, chúng tôi chứng kiến người bị tai nạn giao thông được người dân “bốc” đưa đi bệnh viện mà không biết rằng sự nhiệt tình, thương người đó có thể khiến nạn nhân gặp nguy hiểm.

Ông Trần Quang Trường (ngụ Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, Tết Nguyên đán 2022, trước cửa nhà ông xảy ra vụ xe máy va chạm với xe tải. Người điều khiển xe máy bị “quăng” mạnh, lưng đập mạnh vào cái gờ vỉa hè. Thấy người bị nạn, người dân ở hai bên đường xúm lại đưa nạn nhân đi bệnh viện. Một thanh niên lực lưỡng đã bế thốc người bị nạn lên, ngồi sau xe máy cho một thanh niên khác chở.

“Dù không có chuyên môn y tế nhưng tôi đã được tập huấn sơ cấp cứu người bị nạn nên biết nạn nhân bị quăng đập mạnh phần lưng vào gờ đường có khả năng bị tổn thương cột sống nặng. Việc cấp cứu phải do người có chuyên môn. Nếu cứ thế bế xốc nạn nhân đưa đi cấp cứu sẽ làm tổn thương cột sống của nạn nhân thêm nặng nề” - ông Trường nói.

* Kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng: Lỗ hổng lớn

Trong hầu hết vụ tai nạn, người có mặt đầu tiên tại hiện trường thường không phải là nhân viên y tế mà chủ yếu là người dân. Nếu những người này chưa được tập huấn về kỹ năng sơ cứu, chỉ có sự nhiệt tình nhưng không có kiến thức về sơ cứu, không có đủ bình tĩnh, tự tin để sơ cứu một cách nhanh gọn, chính xác sẽ dễ tạo ra những sai sót đáng tiếc, có khi là gián tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân hoặc để lại những di chứng nặng nề.

BS Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đồng Nai 2, chuyên gia nổi tiếng với những ca phẫu thuật trong tình trạng thập tử nhất sinh chia sẻ, trong quá trình hành nghề, nhiều lúc ông phải “bó tay” nhìn bệnh nhân ra đi do sơ cấp cứu không đúng cách của những người có mặt tại hiện trường tai nạn.

“Cách đây hơn 20 năm, một bệnh nhân bị đâm trúng tim được đưa đến bệnh viện trong tình trạng máu chảy phun thành dòng lênh láng. Người thân cho biết, nạn nhân bị đâm bằng một con dao, nhưng người nhà đã tự rút con dao ra để băng vết thương lại. Hành động rút con dao đã vô tình làm đứt động mạch và nạn nhân đã chết trên đường đi cấp cứu do mất máu quá nhiều. Nếu để nguyên con dao trong vết thương thì chúng tôi có thể đã cứu được nạn nhân” - BS Đễ kể.

Cấp cứu nội viện là việc của nhân viên y tế. Thế nhưng, cấp cứu ngoại viện là chuyện của cộng đồng, của người dân. Song thực tế hiện nay, phần lớn người dân không được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu thuần thục, đúng cách trong những trường hợp có tai nạn khẩn cấp. Lỗ hổng này đã và đang khiến việc cấp cứu ngoại viện trở nên kém an toàn, tính mạng của nạn nhân bị đe dọa, thậm chí bị tước bỏ.

Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao. Những kỹ năng sơ cứu cơ bản như: cầm máu, nẹp chân, hô hấp nhân tạo, thậm chí vài cái ấn tay vào lồng ngực có thể góp phần cứu sống được một mạng người chỉ trong ít giây. Song nhiều người dân không có kỹ năng này và cho rằng, chuyện cấp cứu nạn nhân là công việc của nhân viên y tế.

Có một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân bị tai nạn - nhất là tai nạn giao thông - tử vong do không được sơ cấp cứu đúng cách trước khi đưa đến các cơ sở y tế. Thực ra, kiến thức sơ cứu không khó, nhưng khó nhất là xác định đây là phần việc nghiêm túc, kỹ năng phải có để cứu mình, cứu người thân và hỗ trợ cộng đồng. Do đó, trong khi hoạt động tập huấn, hướng dẫn sơ cấp cứu cộng đồng còn chưa phổ biến rộng thì mỗi người nên tự trang bị, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu để có thể áp dụng khi cần thiết, nhằm tránh trường hợp đáng tiếc khi cấp cứu ngoại viện.

Theo hướng dẫn của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nếu có người bị tai nạn: Hãy gọi cấp cứu 115; kiểm tra tri giác nạn nhân để biết nạn nhân tỉnh hay mê; kiểm tra đường thở, nếu thấy có vật chèn ép thì nên lấy ra để làm thông thoáng đường thở hoặc hô hấp nhân tạo; băng bó vết thương để cầm máu cho nạn nhân; hạn chế di chuyển nạn nhân, trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển thì nên nhẹ nhàng đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, tránh các tác động làm xoắn - vặn - gập người; không chuyển nạn nhân bằng xe máy, xe đạp, bế thốc hoặc cõng trên lưng. Đặc biệt là không cố lấy những vật nhọn đã găm sâu vào cơ thể nạn nhân, nhất là ở vùng bụng, ngực và đầu.

Phương Liễu

Tin xem nhiều