Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra trước và trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai là hồi chuông cảnh báo nguy cơ đuối nước luôn rình rập, nhất là đối với học sinh khi mùa hè đang đến gần.
Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra trước và trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai là hồi chuông cảnh báo nguy cơ đuối nước luôn rình rập, nhất là đối với học sinh khi mùa hè đang đến gần.
Khu vực xảy ra vụ đuối nước tại xã Giang Điền (H.Trảng Bom). Ảnh: CTV |
Trong 2 ngày 1 và 2-5, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm khiến 3 trẻ em tử vong và mất tích do bị trượt chân té xuống kênh nước và ao trữ nước tưới thanh long khi đang chơi đùa gần đó. Cũng vào trưa 1-5, 4 học sinh lớp 11 Trường cấp 2-3 Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) bị nước cuốn và nhấn chìm khi đang tắm tại bãi cạn sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn xã Đồng Nai (H.Bù Đăng). Trước đó, tại Đồng Nai, vào ngày 29-4, cũng xảy ra vụ đuối nước khiến 2 nữ sinh học THCS tử vong do trượt chân rơi xuống hồ đá (hình thành từ mỏ đá sau khi khai thác) ở xã Giang Điền (H.Trảng Bom).
Thời gian qua, dù công tác tuyên truyền về phòng ngừa đuối nước đã được cơ quan báo chí, ngành chức năng đẩy mạnh. Nhiều vụ việc cụ thể, giải pháp phòng ngừa, kỹ năng tránh đuối nước đã được nêu ra để người dân nắm bắt và cảnh giác nhưng tình trạng đuối nước vẫn xảy ra. Qua những vụ đuối nước gần đây cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do nạn nhân không biết bơi; thiếu kỹ năng thoát hiểm (khi rơi vào vùng nước xoáy, sóng dữ); không lường trước những nguy hiểm khi vui chơi ở khu vực sông, suối, hồ nước; khu vực bị đuối nước thường ở vùng sâu, vùng xa, ít người qua lại nên công tác cứu hộ, cứu nạn không kịp thời...
Trước thực tế đó, cần đặt ra những giải pháp cấp bách để ngăn ngừa tình trạng đuối nước. Ngoài giải pháp tăng cường công tác truyền thông, để phòng tránh đuối nước cần quan tâm hơn đến việc phổ cập kỹ năng bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp vùng nước xoáy hoặc sóng dữ cho trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng sông nước.
Theo tôi biết, Đồng Nai đã xây dựng dự thảo đề án Xóa mù bơi cho học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021 nhưng đến nay vẫn không triển khai được do nguồn kinh phí xây dựng hồ bơi không hề nhỏ. Trước tình hình đó, trong thời gian chờ các ngành tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án nêu trên, thiết nghĩ nên kêu gọi xã hội hóa việc xây dựng hồ bơi và liên kết với trường học để dạy bơi cho học sinh trên địa bàn cũng là một cách hay để xóa mù bơi cho học sinh. Vì thực tế, đa phần trẻ em được học bơi là những trường hợp ở khu vực đô thị do cha mẹ chủ động cho đi học bơi, còn vùng nông thôn, vùng sông nước lại ít được học bơi bài bản nên trẻ thường không biết xử trí khi bị tai nạn đuối nước bất ngờ.
Mặt khác, gia đình và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở học sinh tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm, nhất là không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những hố nước sau khi khai thác đất, đá hoặc các hố trữ nước tưới hoa màu… Trẻ em khi tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi.
Bảo Ngọc (H.Long Thành)