Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất không mở đường đi xuyên qua rừng

08:05, 02/05/2022

Bài viết Xây cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối Đồng Nai - Bình Phước: Nghiên cứu kỹ để tìm phương án khả thi, hiệu quả đăng trên Báo Đồng Nai ra ngày 25-4 đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Chia sẻ với Báo Đồng Nai, bạn đọc bày tỏ sự lo ngại về việc này

Bài viết Xây cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối Đồng Nai - Bình Phước: Nghiên cứu kỹ để tìm phương án khả thi, hiệu quả đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 25-4 đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc (BĐ).

Khu vực đất rừng mà tỉnh Bình Phước kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà để nối với tỉnh Đồng Nai. Ảnh: C.T.V
Khu vực đất rừng mà tỉnh Bình Phước kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà để nối với tỉnh Đồng Nai. Ảnh: C.T.V

Chia sẻ với Báo, BĐ bày tỏ sự lo ngại việc xây dựng cầu Mã Đà và quốc lộ 13C nối 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Hầu hết các ý kiến đều không tán thành việc mở đường đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai bởi việc này sẽ gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng…

* Giữ màu xanh cho sự phát triển

BĐ Trần Quang Đăng (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) bộc bạch, khi biết tin UBND tỉnh Bình Phước đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xây dựng cầu Mã Đà và làm đường kết nối với tỉnh Đồng Nai đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để kết nối quốc lộ 1 (đoạn qua H.Trảng Bom) tôi thấy rất lo. “Mở đường thì việc đi lại giao thương của người dân của các tỉnh trong khu vực sẽ thuận lợi hơn, kinh tế phát triển…, nhưng đổi lại chúng ta lại làm mất đi diện tích rừng, mà rừng lại là tài sản vô cùng quý giá. Tác động đến rừng là tác động đến khí hậu, môi trường sống nên cần phải cân nhắc thận trọng” - ông Đăng nói.

Đây cũng là lo lắng chung của nhiều BĐ. Ông Võ Bảo Quốc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ nhiều năm nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được xác định là tài sản vô giá của Đồng Nai, khu vực miền Đông Nam bộ và của cả nước, vì vậy cần phải gìn giữ bảo tồn.

“Được biết, Ban TVTU Đồng Nai gửi văn bản đến Ban Cán sự Đảng Chính phủ kiến nghị xem xét thống nhất chủ trương không hình thành tuyến đường giao thông đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận. Tôi thấy nội dung văn bản đã thể hiện được tâm tư, nguyên vọng của người dân Đồng Nai, rất mong được cơ quan chức năng chấp thuận” - ông Quốc kiến nghị.

Câu chuyện liên quan đến đề xuất phương án xây cầu và làm đường kết nối với Đồng Nai của tỉnh Bình Phước luôn là chủ đề “nóng” được người dân trong tỉnh quan tâm suốt cả tháng qua. Tại các diễn đàn, các ý kiến của các chuyên gia đều khẳng định, việc làm tuyến đường đi qua Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ gây ảnh hưởng làm mất cân bằng căn bản của hệ sinh thái, tác động rất mạnh đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành kinh tế của khu vực Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Bên cạnh đó, tại khu vực dự kiến xây dựng tuyến đường là nơi có 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia nên việc xây dựng cũng sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng… Từ những tác động trên, nhiều ý kiến không tán thành việc mở đường đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

* Không làm đường đi qua rừng

BĐ Nguyễn Vũ Ngọc Phan (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) lo lắng: nếu mở đường xuyên khu bảo tồn được thực hiện sẽ làm ảnh hưởng rất xấu đến quy luật, tập tính tự nhiên và môi trường sống của các loài động vật tại đây; đồng thời, lưu lượng người qua lại tăng sẽ tạo nguy cơ rất cao về cháy rừng chưa kể sẽ tạo điều kiện thuận lợi dụng để “lâm tặc” khai thác, săn bắt động vật rừng…

Một số ý kiến BĐ cho rằng, để có được một khu dự trữ sinh quyển với sự đa dạng sinh học, nhiều loài thú quý hiếm, đặc hữu thì nhân loại cần hàng ngàn năm, thậm chí hàng triệu năm mới có được. Tại sao không làm đường vòng để vừa tránh ảnh hưởng vùng lõi khu bảo tồn vừa phát triển kinh tế là vấn đề được nhiều BĐ nêu ra.

“Thông qua bài viết Xây cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối Đồng Nai - Bình Phước: Nghiên cứu kỹ để tìm phương án khả thi, hiệu quả, tôi biết đơn vị chức năng có xây dựng 4 phương án kết nối Đồng Nai và Bình Phước. Theo tôi nên chọn phương án không làm đường đi xuyên qua rừng mà chỉ đi qua vùng đệm, kết nối vào đường vành đai 4. Đây là cách tối ưu nhất để kết nối với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải. Đặc biệt, phương án này không gây hại cho rừng, có thể giải quyết được câu chuyện câu chuyện mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển mà dự án trên đặt ra” - BĐ Vũ Ngọc Phan chia sẻ.

Đồng quan điểm, BĐ Trần Văn Lực (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đề xuất, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu kỹ các phương án, tìm giải pháp nào khả thi hiệu quả nhất trên cơ sở đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu phát triển nền kinh tế bền vững theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu mà tỉnh đang thực hiện.

Theo UBND tỉnh, ngày 20-1-2022, Ủy ban Quốc gia chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ TN-MT, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Trong đó, MABVV đã kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà vì việc xây dựng đường, cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài hơn 40km đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Đây là các hoạt động vi phạm nghiêm trọng Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, Kế hoạch hành động Lima 2016-2025. Nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ thu hồi danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Kim Liễu

Tin xem nhiều