Pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền tự định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cá nhân, trong đó có quyền lập di chúc để lại tài sản cho người khác khi qua đời.
Pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền tự định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của cá nhân, trong đó có quyền lập di chúc để lại tài sản cho người khác khi qua đời.
Cán bộ ấp 5, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) chuẩn bị loa đài để tổ chức tuyên truyền pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho người dân tại Nhà văn hóa ấp. Ảnh: Đ.Phú |
Tuy vậy, quyền này của cá nhân cũng bị giới hạn bởi một số điều luật, quy định của pháp luật cụ thể về dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình nếu tâm nguyện trong di chúc không phù hợp quy định pháp luật.
* Khi tâm nguyện trái luật
Ông N.V.T. và bà P.T.C. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) có 2 người con đều trưởng thành và cả 2 có gia đình riêng, đang ở TP.HCM làm công nhân. Bao năm nay, nhờ có 3 sào ruộng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông bà đứng tên) và thêm nghề đánh bắt thủy sản nên vợ chồng ông T. tự lo cho nhau mà không làm phiền tới con. Cách đây 1 năm, ông bà thống nhất lập di chúc với tâm nguyện để lại 3 sào ruộng này cho 2 con.
Biết chuyện vợ chồng ông T. lập di chúc để lại đất cho con nên người hàng xóm P.V.N. nhỏ to với ông bà rằng, pháp luật không cho phép con nhận thừa kế từ đất lúa của cha mẹ khi con không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Do đó, đang lúc khỏe mạnh, ông bà nên tìm người bán 3 sào đất lúa rồi lấy tiền cho con để khỏi rắc rối về sau. Lời của hàng xóm N. làm cho vợ chồng ông T. băn khoăn nên ông đã tìm đến Điểm tư vấn pháp luật cộng đồng tại H.Tân Phú (thuộc Hội Luật gia tỉnh) nhờ luật gia Nguyễn Ánh Hồng tư vấn.
Luật gia Nguyễn Ánh Hồng giải thích, việc người hàng xóm góp ý với ông bà như vậy là đúng với Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai năm 2013. Điều luật quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Vì con của ông bà hiện là công nhân, thuộc đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên việc lập di chúc để lại cho con thừa kế quyền sử dụng đất này là trái với quy định pháp luật về đất đai nên ý nguyện của ông bà sẽ không thực hiện được, vì pháp luật không cho phép.
Trao đổi về nội dung này, luật gia Nguyễn Ánh Hồng cho biết, Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn bất cập ở vấn đề này, điều đó ảnh hưởng tới quyền định đoạt tài sản của cá nhân. Hiện có 2 cách giải quyết, nếu đất lúa đó được địa phương cho phép chuyển đổi sang đất trồng hoa màu, nuôi thủy sản hoặc trồng cây lâu năm thì ông bà nhanh chóng làm thủ tục chuyển đổi rồi lập di chúc cho con. Còn khi đất đó không chuyển đổi sang mục đích khác được thì ông bà buộc phải chuyển nhượng cho những hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp rồi lấy tiền cho con.
* Di chúc hợp pháp vẫn không thể chia theo ý nguyện
Vợ chồng ông L.H. và bà K.T.K. (ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) kết hôn vào năm 2000 và có 2 con chung (lớn 11 tuổi, nhỏ 9 tuổi), tài sản chung là nhà, đất (trị giá 1,8 tỷ đồng, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vợ chồng ông đứng tên). Năm 2020, do vợ chồng lục đục nên bà K. dẫn 2 con về nhà cha mẹ ruột sinh sống (ly thân). Sau đó, ông H. quen với bà M. nên đã làm di chúc để lại phần tài sản là nhà đất được tạo lập chung với bà K. trị giá 900 triệu đồng cho bà M. (bà K. đã được hưởng một phần tài sản trị giá 900 triệu đồng). Vài tháng sau khi làm di chúc, ông H. mất vì bị đột quỵ.
Biết chuyện, bà K. tìm gặp bà M. đòi chia phần tài sản của ông H. được thụ hưởng là 900 triệu đồng (ông H. đã làm di chúc cho bà M.) ra làm 3 phần, mỗi phần trị giá 300 triệu đồng (tức 900 triệu đồng chia cho 3). Trong đó, phần bà K. và 2 con được hưởng 2/3 số tiền 900 triệu đồng (600 triệu đồng), bà M. chỉ được hưởng 300 triệu đồng mà thôi.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rất rõ, trường hợp di chúc bị vô hiệu như: di chúc bắt buộc phải được lập bằng văn bản nhưng không lập bằng văn bản, không có công chứng, người lập di chúc không minh mẫn, bị đe dọa… Hoặc di chúc không có hiệu lực do di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế, người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, người nhận thừa kế không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận di sản thừa kế là đất trồng lúa… |
Bà M. không đồng ý cách phân chia này vì cho rằng di chúc của ông H. để lại cho bà 1/2 tài sản là căn nhà, đất đó (tức 1,8 tỷ đồng chia cho 2 người) nên bà cứ vậy mà hưởng theo ý nguyện của ông H. Do đó, bà K. muốn thưa kiện tùy ý.
Cái lý và căn cứ mà bà K. yêu cầu bà M. buộc phải chia phần cho bà và 2 con số tiền trên là dựa theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (tài sản chung của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được chia đôi) và Khoản 1, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 (con chưa thành niên, vợ, cha, mẹ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản).
Qua tham vấn luật sư, bà M. đồng ý phân chia tài sản theo yêu cầu của bà K., tức bà chấp nhận số tiền 300 triệu đồng. Bởi vì, pháp luật đã quy định rõ như vậy thì bà không thể nhận được số tiền đúng với ý nguyện ông H. để lại trong di chúc. Đồng thời, nếu bà và bà K. đưa vụ việc ra tòa án giải quyết thì kết quả có khi lại bất lợi cho bà như: bà vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, xem xét ông H. còn cha mẹ không, di chúc của ông H. lập có hợp pháp và cả hai tốn kém thời gian, án phí, lệ phí dân sự.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, khi các bên xảy ra tranh chấp di sản thừa kế, nếu được tư vấn sớm thì rất dễ tìm được tiếng nói chung, đạt được kết quả thỏa thuận mà đôi bên đều thấy thỏa đáng. Bởi pháp luật dân sự cho phép, tôn trọng quyền tự thỏa thuận, hòa giải giữa các bên khi có phát sinh tranh chấp nếu thỏa thuận đó không trái đạo đức xã hội, quy định pháp luật. Muốn vậy, ngoài việc bản thân người dân phải biết tự trang bị kiến thức pháp luật cho mình như: tự tìm hiểu, nhờ người có kiến thức pháp luật tham vấn, tư vấn, tham gia các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật do chính quyền, đoàn thể tổ chức…
Đoàn Phú