Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên trì đòi quyền lợi vì bị sa thải trái luật

07:05, 30/05/2022

Qua gần 2 năm (2020-2022) theo đuổi vụ kiện đòi quyền lợi, ngày 26 và 27-5, ông Trịnh Văn Lợi (P.An Bình, TP.Biên Hòa) được TAND TP.Biên Hòa tuyên buộc Công ty T.M. (thuộc P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận lại làm việc và bồi thường các thiệt hại khi sa thải trái luật.

Qua gần 2 năm (2020-2022) theo đuổi vụ kiện đòi quyền lợi, ngày 26 và 27-5, ông Trịnh Văn Lợi (P.An Bình, TP.Biên Hòa) được TAND TP.Biên Hòa tuyên buộc Công ty T.M. (thuộc P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận lại làm việc và bồi thường các thiệt hại khi sa thải trái luật.

Ông Trịnh Văn Lợi (giữa) trao đổi với các bạn công nhân khi biết tin tòa án tuyên ông thắng kiện. Ảnh: Đoàn Phú
Ông Trịnh Văn Lợi (giữa) trao đổi với các bạn công nhân khi biết tin tòa án tuyên ông thắng kiện. Ảnh: Đoàn Phú

Ông Trịnh Văn Lợi cho biết, ông khởi kiện công ty vì công ty này sa thải ông trái luật, bắt làm việc 12 giờ/ngày trong suốt nhiều năm mà không trả tiền làm thêm giờ.

* Không chấp nhận bị sa thải trái pháp luật

Ngày 1-5-2018, Ông Trịnh Văn Lợi được Công ty T.M. tuyển dụng vào làm bảo vệ. Sau 2 tháng thử việc, ngày 1-7-2018, ông được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) chính thức (loại HĐLĐ không xác định thời hạn), mức lương 4.258.600 đồng. Ông Lợi cho biết, ông cũng như 3 thành viên trong tổ bảo vệ của công ty, chấp nhận ngày làm việc 12 tiếng và liên tục 30 ngày/tháng, 360 ngày/năm không nghỉ phép năm, lễ, Tết và cả chủ nhật với mong muốn có được công việc ổn định.

Tuy nhiên, ngày 9-1-2020, Công ty T.M. ban hành quyết định điều động ông đến nhận nhiệm vụ tại Phòng Kinh doanh của công ty (tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) làm việc kể từ ngày 13-1-2020, nhiệm vụ do Trưởng phòng Kinh doanh phân công. Thấy bất hợp lý, ông Lợi không đồng ý, vẫn tới nơi cũ làm việc nên ngày 8-2-2020, Công ty T.M. chấm dứt HĐLĐ với ông. “Lý do Công ty T.M. đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với tôi là tôi thuộc trường hợp dôi dư theo phương án sử dụng lao động của công ty vào ngày 18-1-2020 và phương án này đã được gửi cho Sở LĐ-TBXH” - ông Lợi cho biết.

Qua tìm hiểu các quy định pháp luật, ông Lợi nhận thấy Công ty T.M. chấm dứt HĐLĐ với ông mà đưa ra lý do như vậy không thỏa đáng, không đúng pháp luật. Tuy vậy, ông vẫn chấp nhận phương án sắp xếp lại lao động của công ty nếu công ty giải quyết cho ông các chế độ làm thêm giờ, ngày nghỉ, lễ, Tết, chủ nhật đúng với luật lao động mà trước đây công ty chưa chi trả.

Do không tìm được tiếng nói chung giữa hai bên trong quá trình hòa giải tại Phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa, ông Lợi khởi kiện vụ việc ra TAND TP.Biên Hòa. Lúc này, ông Lợi không chỉ yêu cầu Công ty T.M. trả đúng, đủ cho ông số tiền làm việc vượt giờ quy định (4 tiếng/ngày xuyên suốt từ ngày 1-7-2018 đến 8-2-2020), mà còn yêu cầu công ty nhận ông trở lại làm việc, bồi thường các chế độ khác khi chấm dứt HĐLĐ trái luật đối với ông như: lương những ngày không được làm việc, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp…

Ông Lợi tâm sự, lúc đầu ông muốn đôi bên giải quyết theo con đường hòa giải, thỏa thuận để ông sớm tìm công việc mới và được lĩnh số tiền hỗ trợ, trợ cấp hợp lý từ phía Công ty T.M. khi công ty sắp xếp lại phương án lao động. Tuy nhiên, do Công ty T.M. vẫn khăng khăng giữ quan điểm việc chấm dứt HĐLĐ đối với ông là đúng luật, phương án đã trình với cơ quan quản lý nhà nước về lao động đúng thời gian. Nhất là việc 3 trong số 4 nhân viên tổ bảo vệ đã ký cam kết (trừ ông Lợi) ngày làm việc 12 tiếng chứ không phải 8 tiếng như HĐLĐ đã ký kết nên không thể giải quyết tiền làm thêm giờ, vượt số giờ quy định.

* Phải tuân thủ thời gian thông báo với cơ quan chức năng

Điều 44, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động theo Điều 44, Bộ luật Lao động năm 2012 khi: làm ăn thua lỗ, buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc…

Tuy vậy, tại phiên xét xử lao động sơ thẩm ngày 26 và 27 -5 vừa qua, Hội đồng xét xử của TAND TP.Biên Hòa đánh giá, phía Công ty T.M. đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với ông Lợi dù dựa vào Điều 44, Bộ luật Lao động năm 2012 để xét xử. Tuy nhiên, công ty lại không áp dụng đúng Khoản 3, Điều 44 là việc chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ theo quy định tại Điều 44  là chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Nghĩa là ngày 20-1-2020 Sở LĐ-TBXH tỉnh mới nhận được phương án sử dụng lao động của công ty thì ngày 8-2-2020, Công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ Lợi vì lý do cơ cấu lại sản xuất, sắp xếp lại lao động là chưa đúng thời gian mà khoản 3, Điều 44, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định.

Do đó, Hội đồng xét xử phán quyết việc Công ty T.M. đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với ông Lợi là trái luật nên công ty phải nhận ông Lợi trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo HĐLĐ (Khoản 1, Điều 42, Bộ luật Lao động năm 2012). Riêng với tiền làm vượt giờ quy định, tiền nghỉ phép năm chưa trả đủ thì công ty buộc phải trả đúng, đủ cho ông Lợi.

Mặc dù, phán quyết của Hội đồng xét xử lao động sơ thẩm TAND TP.Biên Hòa đáp ứng tương đối nguyện vọng, tuy nhiên ông Lợi vẫn muốn kháng cáo để buộc công ty trả đúng cho ông số tiền làm vượt giờ hằng ngày theo các mức như: lương tăng ca ngày thường, tăng ca ngày chủ nhật, tăng ca ngày lễ… tổng cộng trên 81 triệu đồng chứ không phải trên 12 triệu đồng như bản án sơ thẩm.

“Tôi muốn đấu tranh không phải vì tham tiền, lợi dụng sự sai sót của công ty mà vòi vĩnh. Mong muốn của tôi là qua vụ việc này để những người lao động khác gặp trường hợp tương tự như tôi phải biết đòi quyền lợi của mình khi luật quy định ngày làm việc 8 tiếng nhưng công ty bắt làm việc 10-12 tiếng và thậm chí hơn. Tuy vậy, họ vẫn trả lương ngày làm việc 8 tiếng như HĐLĐ mà không tính tiền làm thêm giờ” - ông Lợi bộc bạch.

Luật sư VŨ NGỌC HÀ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho hay, việc ông Lợi yêu cầu Công ty T.M. phải trả đúng, đủ cho ông số tiền làm vượt giờ trong mỗi ngày trực bảo vệ từ ngày 1-7-2018 đến ngày 8-2-2020 theo các mức: 4x150% (lương tăng ca ngày thường là 514 ngày), 4x200% (lương tăng ca ngày chủ nhật là 88 ngày) và 4x300% (lương tăng ca ngày lễ là 17 ngày) theo Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012 là có cơ sở.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều