Báo Đồng Nai điện tử
En

Tố cáo phải đúng luật

08:05, 11/05/2022

Cá nhân có quyền tố cáo khi có căn cứ cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Tuy vậy, khi tố cáo, không ít cá nhân đã xem nhẹ nghĩa vụ của mình là phải cung cấp chứng cứ, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tố cáo sai.

Cá nhân có quyền tố cáo khi có căn cứ cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại. Tuy vậy, khi tố cáo, không ít cá nhân đã xem nhẹ nghĩa vụ của mình là phải cung cấp chứng cứ, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tố cáo sai.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh tư vấn về quyền được khiếu nại và tố cáo cho một người dân tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh tư vấn về quyền được khiếu nại và tố cáo cho một người dân tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh), cho biết hậu quả pháp lý đối với hành vi tố cáo sai sự thật cũng rất lớn. Do đó, khi thực hiện quyền tố cáo, cá nhân phải tuân thủ nghĩa vụ, đừng biến bức xúc cá nhân thành tố cáo, vu khống, xúc phạm người khác.

* Tố cáo phải đúng chỗ, đúng người

Thời gian qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu HĐND các cấp, một số người đã lợi dụng diễn đàn này đứng lên tố cáo các vụ việc, vấn đề mang tính chất cá nhân gây mất thời gian và bức xúc cho các cử tri khác. Thậm chí, có người còn tự cho mình đại diện cho một số người dân để đứng ra tố cáo hành vi sai trái của một số cán bộ…

Theo luật sư Ngô Văn Định, Luật Tố cáo năm 2018 quy định, cá nhân có quyền thực hiện việc tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền và những lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình.

“Hiện tại, Luật Tố cáo năm 2018 chỉ quy định cá nhân mới là chủ thể thực hiện quyền này và cá nhân đó phải có đủ năng lực hành vi dân sự, nếu không đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định pháp luật. Do đó, khi tự nhận mình là người đại diện cho tập thể để tố cáo hoặc đại diện không đúng pháp luật thì người đó không được pháp luật trao quyền đại diện cho người khác tố cáo, trừ trường hợp bản thân họ nắm, biết, có chứng cứ về sự việc rồi tự đứng ra tố cáo” - luật sư Ngô Văn Định bày tỏ.

Do đó, luật sư Ngô Văn Định lưu ý, ngoài hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng quy định pháp luật, người tố cáo phải thực hiện quyền đó đúng nơi, đúng chỗ, đúng hình thức thì mới được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, được pháp luật bảo vệ, tôn vinh. Đặc biệt là không được lợi dụng, lạm dùng quyền này để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc thông tin không đúng sự thật về kết quả giải quyết tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết với đám đông, người không liên quan hay tung lên mạng xã hội.

* Không được vi phạm điều luật cấm

Luật Tố cáo năm 2018 nghiêm cấm các hành vi: cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo...

Ngoài quy định các hành vi bị nghiêm cấm, Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định các hình thức chế tài như sau: người nào có những hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết thêm, dù pháp luật chỉ nghiêm cấm hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, lợi dụng quyền công dân để xúi giục, kích động người khác tố cáo sai sự thật, lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, xúc phạm người khác…, nhưng pháp luật vẫn tôn trọng và xem xét việc người tố cáo có nội dung tố cáo chỉ đúng một phần và có đúng, có sai; không xử lý người tố cáo không đủ năng lực, hành vi để thực hiện quyền tố cáo hoặc năng lực, nhận thức bị hạn chế dẫn tới có hành vi tố cáo sai sự thật, không có mục đích lợi dụng quyền tố cáo để xúc phạm người khác…

“Bản chất của việc nghiêm cấm, chế tài hình sự, hành chính hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, lợi dụng quyền tố cáo để thực hiện mục đích, hành vi trái pháp luật của cá nhân là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, bất khả xâm phạm của tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, bảo đảm, bảo vệ cá nhân thực hiện quyền này trong khuôn khổ luật định chứ không được thực thi quyền này vượt quá giới hạn luật cho phép. Cho nên, khi thực hiện quyền này bắt buộc người tố cáo phải cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện hành vi” - luật sư Cao Sơn Hà bày tỏ.

Luật sư CAO SƠN HÀ (Đoàn Luật sư tỉnh) lưu ý thêm, dù luật cho phép, tức là trao quyền cho người tố cáo được rút đơn tố cáo trong bất kỳ giai đoạn nào khi đơn tố cáo đã được cơ quan, người có trách nhiệm thụ lý giải quyết, nhưng trách nhiệm của người tố cáo khi rút đơn vẫn còn, nếu cơ quan có thẩm quyền xét thấy có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo và thiệt hại này đã xảy ra trước khi người tố cáo rút đơn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích