Mạng xã hội (MXH) hiện có nhiều hội, nhóm tiêu cực với những chia sẻ xấu, thiếu văn hóa, thậm chí những lời "kích động" của các thành viên trong hội, nhóm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người xem.
Mạng xã hội (MXH) hiện có nhiều hội, nhóm tiêu cực với những chia sẻ xấu, thiếu văn hóa, thậm chí những lời “kích động” của các thành viên trong hội, nhóm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người xem.
Tràn lan những hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Để không bị cuốn vào những tiêu cực từ các hội, nhóm trên MXH, theo các chuyên gia, người dùng MXH nên tỉnh táo, cân nhắc và biết sàng lọc thông tin khi tham gia các hội, nhóm, nhất là các hội, nhóm kín trên MXH.
* Nguy hại từ hội, nhóm ảo
Chỉ cần tham gia Facebook, người dùng dễ dàng tìm thấy hàng trăm, hàng ngàn hội, nhóm - cả tích cực lẫn tiêu cực. Không cần điều kiện gì, chỉ cần bấm “tham gia” là có thể gia nhập những hội nhóm này và thoải mái chia sẻ, trao đổi, trò chuyện trong nhóm.
Bên cạnh những hội, nhóm mang tính tích cực được lập lên để chia sẻ những thông tin có giá trị, cần thiết để cuộc sống tốt đẹp hơn thì cũng có rất nhiều hội, nhóm mà chỉ cần đọc tên thôi cũng đủ thấy tiêu cực và nguy hiểm như: Hội những người từng đi tù, Hội những người thích đâm thuê chém mướn, Hội tiểu tam, Cộng đồng những người chán đời muốn tự tử, Hội những người ghét cha mẹ, Hội những người vỡ nợ muốn làm liều...
TS LÊ MINH CÔNG, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) khuyến cáo, người dùng MXH phải tự trang bị khả năng miễn nhiễm với các thông tin tiêu cực, cần vững vàng để không hùa theo cảm xúc, thái độ và hành động tiêu cực của các thành viên từ hội, nhóm tiêu cực. Nếu được mời hoặc bị thêm vào những hội, nhóm như vậy, người dùng nên nhanh chóng rời khỏi nhóm để tránh lây lan cảm xúc tiêu cực. |
Thử tham gia Hội những người muốn tự tử đang hoạt động với khoảng 5,4 ngàn thành viên, chúng tôi thực sự “choáng” khi đọc những bài viết, chia sẻ, bình luận của những thành viên đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh… Phần lớn các chia sẻ đều bộc lộ tâm trạng chán nản, tuyệt vọng và có ý định tìm đến cái chết để thoát khỏi những bế tắc, bệnh tật đớn đau, nợ nần khắc khoải, áp lực học hành...
Điều đáng nói là dưới những dòng trạng thái tuyệt vọng, bế tắc trên tài khoản Hội những người muốn tự tử, nhiều thành viên không những không động viên mà còn có lời “khích” hoặc chỉ cách chết dễ, chết nhanh, chết không đau đớn như muốn “đẩy” người vốn đã tuyệt vọng đến gần hơn bờ vực.
Khi tham gia nhóm Hội chị em Tiểu Tam - nơi kết nối gần 1 ngàn thành viên phần lớn là những người đang “cặp kè” với… chồng người khác, chúng tôi khá ngạc nhiên khi không ít thành viên trong nhóm công khai chia sẻ nào là mới bị đánh ghen, bị dằn mặt; người lại hớn hở khoe quà, khoe được đi du lịch với “chồng người ta”… Qua những trao đổi, chúng tôi thấy có không ít chia sẻ kinh nghiệm giúp tiểu tam ứng phó khi chạm mặt với “chính thất”, thậm chí là hướng dẫn những cách gây tai nạn, thương tích hoặc gài bẫy “chính thất” để lấy lòng “chồng người ta”…
Trong Hội những người vỡ nợ muốn làm liều có không ít thành viên cho biết mình đã từng vào tù ra khám, biết hết các chiêu lừa đảo, cướp giật tài sản, biết cả những cách lẩn trốn công an và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nếu hợp tác cùng nhau làm ăn. Còn trong Hội ngoại tình và vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc thì chủ yếu là các bài viết quảng cáo bán thuốc kích dục, bán đồ chơi tình dục. Bên cạnh đó, còn có những tài khoản nhận “đi khách”. Phần lớn các bài viết, trò chuyện liên quan đến việc rủ nhau “tình một đêm”, thậm chí là rủ nhau quan hệ đổi chồng, đổi vợ để tìm cảm giác mới lạ…
* Tỉnh táo và cân nhắc khi tham gia các hội, nhóm ảo
Trao đổi về thực trạng trên, Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga cho biết, hiện nay những quy định về xử phạt trên MXH đều có đầy đủ. Tuy nhiên, pháp luật hiện không cấm hành vi thành lập hội, nhóm trên MXH, do vậy khi thành lập hội, nhóm trên MXH thì hội, nhóm đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến internet và MXH. Khi nhóm, hội có hành vi vi phạm các quy định thì thành viên trong nhóm tùy hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý.
Tràn lan những hội, nhóm tiêu cực trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình |
Theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, xử phạt từ 10-20 triệu đồng đối với những hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; hành vi kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
“Để góp phần nâng cao tính lành mạnh, an toàn cho những người dùng MXH, mỗi người nên tỉnh táo và cân nhắc khi tham gia các hội, nhóm có tính chất tiêu cực trên MXH. “Nói không” với việc viết, chia sẻ, lan truyền các thông tin tiêu cực, kích động. Nếu được, nên thu thập các thông tin gây hại, xuyên tạc từ các nhóm và có hành động, thái độ phản đối để báo cho cơ quan an ninh mạng, nhà chức trách để sớm có giải pháp xử lý” - bà Giang Thị Thu Nga khuyến cáo.
Còn theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), những lời bình luận tiêu cực của các hội, nhóm trên MXH thường đẩy sự việc đi xa hơn, làm gia tăng nguy cơ gây mất an ninh trật tự xã hội. Về góc độ pháp lý, những người lập ra hội, nhóm cùng các thành viên có lời nói kích động, gây mất an ninh trật tự xã hội cũng có thể coi là hành vi đồng phạm. Trong trường hợp biết rõ người này, người kia bàn nhau để thực hiện hành vi tội phạm mà không phản đối, không báo chính quyền, cơ quan chức năng cũng bị xem xét với hành vi không tố giác tội phạm hoặc che giấu tội phạm.
Phương Liễu