Báo Đồng Nai điện tử
En

Xin đừng tước đi sự sống của con trẻ

11:05, 24/05/2022

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước có khá nhiều vụ vợ hoặc chồng uất ức, tâm lý bị dồn nén do mâu thuẫn tình cảm, ly hôn, bạo hành và cả lý do bế tắc về kinh tế đã khiến người trong cuộc tự kết liễu đời mình để tìm lối thoát. Điều đáng nói là có trường hợp đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của con mình khi ôm những đứa trẻ vô tội cùng đi vào chỗ chết.

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước có khá nhiều vụ vợ hoặc chồng uất ức, tâm lý bị dồn nén do mâu thuẫn tình cảm, ly hôn, bạo hành và cả lý do bế tắc về kinh tế đã khiến người trong cuộc tự kết liễu đời mình để tìm lối thoát. Điều đáng nói là có trường hợp đã nhẫn tâm tước đi mạng sống của con mình khi ôm những đứa trẻ vô tội cùng đi vào chỗ chết.

Đọc những vụ việc đau lòng này, tôi cũng như dư luận xã hội không khỏi xót xa, nhưng cũng rất tức giận. Nguyên nhân của những vụ việc đau lòng trên chính là sự tổn thương sâu sắc, những sang chấn về tâm lý, bất ổn về tinh thần kéo dài của những người trong cuộc khiến họ bế tắc đến mức không thiết sống và mang theo con chết cùng để con không phải chịu cảnh mồ côi, bơ vơ, cô độc sau khi cha hoặc mẹ chết.

Tôi cho rằng, những vụ việc cha hoặc mẹ ép con chết cùng mình về mặt đạo đức là rất nhẫn tâm, bởi các bé không có tội lỗi gì cả. Sự sống của các cháu tuy được cha mẹ tác thành, nhưng dưới bầu trời này các cháu là những con người có sự sống, có lý trí và tình cảm, biết đâu sau này còn là những người giỏi giang, thành đạt, có đóng góp lớn cho xã hội…

Còn dưới góc độ pháp luật, ôm con tự tử là hành vi vi phạm pháp luật, là tội cố ý giết người đã được quy định theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người cha, người mẹ tước đoạt mạng sống con mình là vi phạm quyền sống, quyền được pháp luật bảo hộ tính mạng con người, được ghi nhận tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013.

Tôi cũng hiểu rằng, trong những lúc quá bức bối, bế tắc, đau khổ tột cùng, người ta dễ có hành động cùng quẫn, không đủ lý trí để suy nghĩ thấu đáo, sáng suốt. Nhưng suy cho cùng, để đến mức phải tìm đến cái chết thường là do cả một quá trình tích tụ, dồn nén những sự việc tiêu cực. Nếu ngay khi mâu thuẫn vợ chồng mới phát sinh, đôi bên ngồi lại để cùng tìm hướng giải quyết; hay khi vay món nợ nhỏ thì cố gắng cùng nhau tìm cách trả nợ hoặc có những vướng mắc gì đó có thể nhờ cha mẹ đôi bên hay bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ… để tránh đi vào con đường bế tắc đến mức không thể quay đầu lại.

Tôi nghĩ, để tránh lâm vào tình cảnh bị dồn đến bước đường cùng, các trường học nên quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh để sau này khi vào đời các em có kỹ năng để tự giải quyết những vấn đề của mình. Mỗi người cần tự trang bị cho mình kỹ năng giải quyết những vấn đề của mình bằng việc bàn bạc với người thân, bạn bè, đồng nghiệp để được tư vấn, động viên, chia sẻ. Những lúc gặp xung đột, căng thẳng trong cuộc sống nên tìm những cách giải tỏa tích cực như: về thăm gia đình, uống cà phê với bạn bè hay đến một khu du lịch yên tĩnh để trước hết xoa dịu tâm hồn mình, sau đó là có thời gian suy nghĩ.

Đối với những trường hợp bị bạo hành, cần mạnh dạn báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ. Và trên hết, đừng bao giờ có tư tưởng tự tử và ép con chết cùng. Hãy nhìn những đứa con bé bỏng, xinh đẹp của mình và lấy đó làm điểm tựa để tiếp tục sống. Hãy luôn nghĩ rằng, không có gì là không thể giải quyết được.

Nguyễn Lam Khuê
(P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều