Để môi trường sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh được đảm bảo thì mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, đấu tranh, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại tới môi trường.
Để môi trường sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh được đảm bảo thì mọi tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đều có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, đấu tranh, ngăn chặn mọi hành vi xâm hại tới môi trường.
Cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh làm việc với đại diện Xí nghiệp Đèn ống, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (TP.Biên Hòa) về việc chôn lấp chất thải rắn nguy hại không đúng quy định. Ảnh minh họa: Anh Quân |
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, một số văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng, chống tội phạm về môi trường quy định chưa cụ thể; văn bản hướng dẫn còn chậm và chưa kịp thời. Đồng thời, lĩnh vực môi trường chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nội dung chồng chéo, chưa thống nhất gây khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường.
* Khó xử lý hình sự
Tại Khoản 1, Điều 75 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ 4 điều kiện gồm: hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo của pháp nhân thương mại; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm Áp dụng và thi hành pháp luật xử lý vi phạm môi trường do Hội Luật gia tỉnh tổ chức ngày 20-5, thượng tá Trần Hùng Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), cho biết quá trình điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại trên thực tế rất khó chứng minh cá nhân thực hiện hành vi có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại nên khó xử lý hình sự pháp nhân này.
Riêng đối với hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, cấu thành tội phạm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, chế biến hoặc mua bán trái phép từ 10m3 đến dưới 20m3 gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA; từ 20m3 đến dưới 40m3 gỗ loài thực vật rừng thông thường.
Luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, trong trường hợp đối tượng cùng thực hiện 2 hành vi vận chuyển chưa đến 10m3 gỗ thuộc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA và chưa đến 20m3 gỗ loài thực vật rừng thông thường nhưng tổng khối lượng 2 loại gỗ trên 20m3 sẽ chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Mặc dù tính chất nguy hiểm và hậu quả của nó cao hơn, nhưng do không có quy định xác định trên cơ sở cộng dồn cả 2 loại gỗ thông thường và quý hiếm vào để xử lý nên không xử lý hình sự được.
* Người bị thiệt hại cũng gặp khó
Trong vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng từ hành vi gây ô nhiễm môi trường thì quyền khởi kiện là vấn đề pháp lý đầu tiên. Bởi vì, phải thực hiện được quyền khởi kiện mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ trước hành vi gây ô nhiễm môi trường của cá nhân, pháp nhân.
Luật sư Đào Nguyễn Hương Duyên (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, đặc thù của tranh chấp về môi trường là có hàng chục, cả trăm, thậm chí hàng ngàn hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại không chỉ tại một khu vực hành chính mà tại nhiều tỉnh, thành. Nhưng không phải tất cả các cá nhân bị thiệt hại đều có thể trực tiếp thực hiện quyền khởi kiện, nếu có thực hiện thì dẫn đến hiện tượng trong cùng một vụ ô nhiễm môi trường, có bao nhiêu người bị thiệt hại thì tương ứng với số đơn khởi kiện và tòa án phải thụ lý tách ra thành từng vụ việc khác nhau. Điều này vừa gây áp lực cho tòa án thụ lý đơn khởi kiện, nhưng cũng là trở ngại cho các hộ dân bị thiệt hại trong quá trình cung cấp chứng cứ để chứng minh các điều kiện để tiến hành khởi kiện.
“Mặc dù tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về nhập vụ án nhưng trên thực tế, căn cứ để nhập nhiều vụ án thành một vụ án không phụ thuộc vào nhu cầu của người khởi kiện mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của tòa án. Do đó, nhu cầu về quyền khởi kiện tập thể thông qua cơ chế đại diện là thực sự cần thiết nên luật sớm hoàn thiện và bổ sung” - luật sư Đào Nguyễn Hương Duyên bày tỏ.
Về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, theo Khoản 1, Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì bên khởi kiện phải chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình bị xâm phạm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp. Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh, phân tích điều luật vẫn còn bất cập ở chỗ tạo ra “gánh nặng” cho người khởi kiện. Bởi vì, việc điều tra, giám định để xác định mức độ thiệt hại, mối liên hệ nhân quả giữa hành vi xả thải vào môi trường và thiệt hại do môi trường bị ô nhiễm thì người khởi kiện phải bỏ chi phí khá cao ngay từ ban đầu để có được chứng cứ. Chính vì e ngại bỏ ra khoản chi phí lớn này nên người bị thiệt hại dễ bị thua thiệt trong quá trình thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện.
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU cho hay, những vấn đề bất cập, vướng mắc trên một khi được tháo gỡ sẽ giúp cho công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường sẽ kịp thời, thuận lợi và hiệu quả cao. |
Đoàn Phú