Về hưu, con cái lập gia đình ở riêng, nhiều người cao tuổi trở nên rảnh rỗi. Để cuộc sống đỡ nhàm chán, nhiều người đã lập Facebook để kết nối với bạn bè và thế giới bên ngoài.
Về hưu, con cái lập gia đình ở riêng, nhiều người cao tuổi trở nên rảnh rỗi. Để cuộc sống đỡ nhàm chán, nhiều người đã lập Facebook để kết nối với bạn bè và thế giới bên ngoài.
Nhiều người lớn tuổi luôn mang theo điện thoại hoặc iPad có kết nối internet để “lướt” Facebook. Ảnh: Phương Liễu |
Ở góc độ tích cực, mạng xã hội (MXH) cũng đã giúp người cao tuổi có thêm kênh giao tiếp, giải trí, nhìn ra xã hội rộng lớn hơn. Thế nhưng nếu không biết sử dụng MXH một cách có chọn lọc, vẫn có thể bị “sập bẫy” lừa đảo hoặc chuốc vào mình những ưu phiền, rắc rối.
* Vui lên “phây”, buồn cũng… lên “phây”
Nhiều người lớn tuổi khi ra đường, dù là đi tập thể dục, ghé chơi nhà bạn bè hay đi du lịch… đều không quên mang theo điện thoại thông minh hoặc iPad có kết nối internet và coi đó là vật bất ly thân.
Bà Trần Thị Lang, 72 tuổi (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa), giáo viên một trường cao đẳng đã về hưu cho biết, 2 người con của bà lập gia đình ở riêng nên bà và chồng chỉ quanh quẩn vào ra với những người hàng xóm, xem tivi, đọc báo. 2 năm trước, các con mua tặng vợ chồng bà mỗi người một chiếc iPad để đọc tin tức, tham gia MXH Facebook. Từ đó, đời sống tinh thần của ông bà dường như khác hẳn.
Có tài khoản Facebook, được kết nối với con cái, người thân và bạn bè, bà Lang vui và bận rộn hơn vì thường xuyên lên “phây” trò chuyện với bạn bè, con cháu. Cứ 8 giờ tối chủ nhật là bà “họp” online cùng hội bạn thân. Nội dung “họp”, ai có chuyện vui, buồn gì trong tuần thì chia sẻ, thông báo cho nhau. Cuộc sống nhờ thế cũng thú vị hơn.
Có nhiều thời gian rảnh rỗi, nên không ít người lớn tuổi dành nhiều quan tâm cho MXH. Chủ tài khoản Facebook Hiệp Trần là một ví dụ. Ông cho biết năm nay đã 85 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) và rất “nghiện” MXH Facebook, thường xuyên online, cập nhật bài đăng hoặc chia sẻ về những thông tin đọc được lên Facebook của mình.
Trao đổi với chúng tôi về việc thường xuyên lên MXH, chủ tài khoản Facebook Hiệp Trần cho biết, ông “sống” với Facebook nhiều hơn với con cháu. Lúc nào rảnh là ông “lướt” Facebook, trao đổi với bạn bè, rủ nhau uống cà phê, đi nhậu, có khi tranh luận nảy lửa về chuyện này, chuyện kia hàng giờ mà không chán… “Nhờ thế mà từ khi bà nhà tôi mất đi, tuổi già của tôi bớt cô độc những lúc con đi làm, cháu đi học” - ông Hiệp bộc bạch.
* Rắc rối vì… nghiện Facebook
Thiết bị thông minh, internet và MXH đang làm thay đổi cuộc sống và mở ra một thế giới mới đối với người cao tuổi. Tham gia MXH Facebook giúp người cao tuổi tránh được cảm giác cô độc, buồn chán khi con cháu bận rộn, giúp cho trí óc, não bộ của người lớn tuổi hoạt động tích cực hơn. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, nhiều người lớn tuổi không có điều kiện tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, không được gặp gỡ người thân thì MXH đã giúp họ kết nối với bạn bè, con cái và người thân thuận lợi khi ở nhà tránh dịch… Tuy nhiên, MXH bao giờ cũng có 2 mặt khiến không ít người lớn tuổi gặp rắc rối.
Chị Nguyễn Thị Minh Xuân (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, vừa rồi, vợ chồng chị đi miền Trung chơi, ở nhà chỉ còn có mẹ chị coi nhà. Có 2 người giả làm nhân viên y tế yêu cầu bà cho vào nhà để xịt thuốc khử khuẩn phòng Covid-19. May là có người thân ghé chơi đúng lúc, nếu không, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trước đó, mẹ của chị có đăng lên Facebook: “Con cháu về quê hết, ở nhà một mình thật buồn”. Sau đó có người quen bình luận hỏi: “Con cháu về quê bao lâu mới vào lại”, thì bà thật thà viết: “Chúng nó về cả tuần nữa mới vào”. Chị Hồng chia sẻ: “Viết thế khác nào thông báo cho cả thế giới biết chỉ còn mình bà già ở nhà”.
Thực tế, đã có rất nhiều chiêu lừa đảo qua MXH mà người lớn tuổi không phải ai cũng biết nên rất dễ “sập bẫy”. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Phú Bình (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có một lượng bạn bè “khủng” trên Facebook với gần 3 ngàn người vì ai ông cũng kết bạn, không biết đó là ai, thật - ảo thế nào. Trước Tết 2022, ông từng bị một tài khoản Faceook “dụ” mua vòng đeo tay phong thủy tránh được tà ma, tránh cả bệnh tật với giá 1,2 triệu đồng, nhưng khi nhận hàng, ông mới biết thực chất đó chỉ là chiếc vòng hạt đá bình thường có giá chưa tới 100 ngàn đồng.
Tình trạng “nghiện” MXH của một số người lớn tuổi không chỉ tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, mà còn gây mệt mỏi cho người thân. Chị Nguyễn Huyền (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, mẹ chồng chị “nghiện” theo dõi tài khoản Facebook của một cô dâu người Việt lấy chồng Hàn Quốc. Lúc nào cầm máy điện thoại là bà mở nghe ra rả khiến cả nhà nhức hết cả đầu. “Nói thì mẹ tôi giận, mà không nói thì quá mệt mỏi vì ồn ào. Ngoài ra, mẹ tôi cứ tin những gì người ta đăng trên Facebook là thật nên nhiều khi chia sẻ những tin đồn thất thiệt, rất nguy hiểm” - chị Huyền bày tỏ lo lắng.
Ở một góc độ nào đó, MXH Facebook đem đến cho người cao tuổi niềm vui và thấy mình bớt cô độc khi con cái đã lớn, ít giao tiếp. Tuy nhiên, trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng lộng hành, tinh vi, người sử dụng MXH, nhất là những người cao tuổi cũng cần có những kỹ năng sàng lọc thông tin xấu độc, hạn chế để lộ thông tin dữ liệu cá nhân, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo trên MXH.
ThS tâm lý học lâm sàng NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức khuyến cáo, người cao tuổi cần cân bằng quỹ thời gian sử dụng MXH để không ảnh hưởng đến các hoạt động khác của cá nhân như: giải trí, thể thao, giao tiếp trực tiếp với mọi người. Để tránh rắc rối từ MXH, con cháu cần hỗ trợ và hướng dẫn cha mẹ, ông bà cách sử dụng MXH một cách thông minh và an toàn. |
Phương Liễu