Ứng tuyển việc nhẹ lương cao, mua hàng online, trả lời thông tin yêu cầu của một số trang web quảng cáo giả danh để nhận khuyến mãi, tự cài đặt, cập nhật phần mềm ứng dụng không rõ xuất xứ…, đã khiến nhiều người vô tình đưa thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội và bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo.
Ứng tuyển việc nhẹ lương cao, mua hàng online, trả lời thông tin yêu cầu của một số trang web quảng cáo giả danh để nhận khuyến mãi, tự cài đặt, cập nhật phần mềm ứng dụng không rõ xuất xứ…, đã khiến nhiều người vô tình đưa thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội và bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo.
Mua hàng trên mạng xã hội mà đưa rõ thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại sẽ dễ bị kẻ gian sử dụng thông tin với mục đích xấu. Ảnh: Phương Liễu |
* Đừng tự biến mình thành… “con mồi”
Sau nhiều ngày mệt mỏi vì bị khủng bố bởi nhiều cuộc gọi đòi nợ 50 triệu đồng mà mình không hề vay, anh Nguyễn Trần Thanh Long (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa), sinh viên năm 2 của một trường đại học trên địa bàn TP.Biên Hòa đành phải đổi số điện thoại khác để tránh bị người lạ gọi hăm dọa cả ngày lẫn đêm đến mất ăn, mất ngủ.
Anh Long cho biết, anh không hề vay tiền, cũng không hiểu vì sao những thông tin cá nhân hết sức chi tiết của mình lại “lọt” được vào tay những kẻ đòi nợ thuê. Nghĩ mãi mới nhớ ra, sau Tết Nguyên đán 2022, anh lên mạng và thấy có một tài khoản tên Đăng Nguyễn đăng thông báo tuyển nhân viên phụ quán cà phê với lương từ 8-12 triệu đồng/tháng, ngày làm 8 tiếng, làm thêm sẽ được trả 300 ngàn đồng/tiếng. Đang cần tiền để trang trải học phí, thấy việc nhẹ lương cao, anh Long đã bấm vào đường link cho sẵn để đăng ký ứng tuyển.
Theo yêu cầu, anh Long điền vào một mẫu có sẵn gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân, số tài khoản và ảnh chân dung. Sau 1 tuần chờ đợi kết quả, anh Long được thông báo không đủ điều kiện tuyển dụng. Anh Long nghi ngờ kẻ gian đã lấy thông tin cá nhân của anh để vay tiền trực tuyến trên mạng (bởi vay tiền qua app chỉ cần gửi các thông tin cá nhân là được giải ngân rất nhanh chóng và dễ dàng) khiến anh bị liên lụy.
Tương tự, cách đây không lâu, chị Võ Thị Thu Hiên (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đặt mua một robot lau nhà tự động do Đức sản xuất trên trang thương mại điện tử với giá 7,8 triệu đồng. Chỉ sau nửa ngày đã thấy shipper gọi điện giao hàng. Chị Hiên thấy bất ngờ vì hàng được giao nhanh, đóng gói đẹp, kỹ càng, cẩn thận. Sau khi thanh toán tiền cho người giao hàng, vào nhà mở ra chị thấy có một con robot nhưng không phải nhãn hiệu chị đã đặt, lại chạy chậm như rùa…
Chị Hiên mở mail theo dõi đơn hàng thì thấy vẫn đang ở khâu đóng gói. Chị gọi điện đến chỗ đặt hàng thì được nhân viên cho biết đơn hàng của chị mới được lấy khỏi kho, đang đóng gói và sẽ được giao sau 3 ngày nữa. Giải thích về việc bị lừa đưa con robot không phải hàng như đã đặt, nhân viên của đơn vị bán hàng hỏi chị cung cấp thông tin giao hàng qua “inbox” hay trên mục bình luận. Nếu chị đưa thông tin trên mục bình luận khả năng đã bị kẻ gian “chiếm” đơn và giao hàng lừa đảo. Việc này đơn vị không chịu trách nhiệm vì khách hàng không làm theo quy định của trang yêu cầu.
* Cẩn trọng khi đưa thông tin cá nhân lên mạng
Thông tin cá nhân hiểu đơn giản là họ tên, tuổi, hình ảnh, ngày tháng năm sinh, thói quen, nơi ở, số điện thoại, địa chỉ email, các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công việc, tài khoản ngân hàng..., là tất cả những thông tin gắn liền với một cá nhân nào đó. Những thông tin này thường được người dùng internet khai báo khi tham gia các ứng dụng như: Facebook, Zalo, Telegram, website hay các app tiện dụng, giao dịch thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến cũng như khi truy cập trang quảng cáo trên các website...
Trong thời đại công nghệ 4.0, internet và mạng xã hội mang lại nhiều hữu ích, tiện dụng từ việc kết nối, chia sẻ đến giao dịch thương mại điện tử, tất cả đều trở nên dễ dàng, nhanh chóng. Tuy nhiên, vô tình chia sẻ thông tin cá nhân rộng rãi trên mạng xã hội khi lập tài khoản, đặt hàng online hoặc sử dụng các ứng dụng không chính thống, không được bảo mật thông tin đã vô tình tiếp tay và tạo điều kiện, cơ hội cho kẻ xấu tìm kiếm, thu thập, sử dụng để trục lợi và thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản từ bạn bè, gia đình, thậm chí chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Thông tin từ Công an tỉnh cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết rất nhiều trường hợp kêu cứu, trình báo, tố cáo về hành vi bị kẻ xấu lợi dụng sơ hở của người dùng internet và mạng xã hội để lừa đảo, gây thiệt hại về tài sản thông qua hành vi lấy cắp, bán thông tin cá nhân cho người dùng với mục đích xấu. Cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo rất nhiều, nhưng nhiều người vẫn bị “sập bẫy”.
Trung tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo, mỗi cá nhân cần ý thức bảo mật thông tin liên quan đến bản thân và người thân của mình, đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng sơ hở để khai thác thông tin cá nhân của người dùng nhằm thực hiện mục đích xấu.
“Để lộ thông tin cá nhân trên không gian mạng là một trong những điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện thông tin của mình hoặc người khác lộ lọt và đang bị sử dụng vào hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật, cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật” - trung tá Nguyễn Hải Dương khuyến cáo.
Việc khách hàng giao dịch trên mạng và cung cấp thông tin cá nhân để rồi bị lừa đảo diễn ra không ít. Song ngay cả việc mua hàng trực tiếp tại những điểm bán hàng lớn, nguy cơ lộ thông tin hoặc bị bán thông tin cá nhân cũng vẫn xảy ra khi khách hàng tham gia các chương trình khuyến mãi hoặc làm thủ tục vay tiền trả góp để mua hàng… |
Phương Liễu