Đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng hồ sơ cá nhân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, vì nhiều lý do, nhiều người đã mượn hoặc cho người quen mượn hồ sơ cá nhân, mượn sổ BHXH để đi làm mà không biết hành động này chẳng những khiến mình bị mất toàn bộ quyền lợi, mà còn bị cơ quan BHXH xử phạt hành chính về hành vi thiếu trung thực.
Đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bằng hồ sơ cá nhân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, vì nhiều lý do, nhiều người đã mượn hoặc cho người quen mượn hồ sơ cá nhân, mượn sổ BHXH để đi làm mà không biết hành động này chẳng những khiến mình bị mất toàn bộ quyền lợi, mà còn bị cơ quan BHXH xử phạt hành chính về hành vi thiếu trung thực.
Mượn và cho người khác mượn giấy tờ cá nhân để tìm việc làm sẽ gặp nhiều rủi ro về quyền lợi. Trong ảnh: Người lao động đến làm thủ tục thanh toán bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: Phương Liễu |
* “Khóc ròng” vì mất quyền lợi
Vào làm việc tại một công ty từ năm 2004, đến năm 2010 thì chị N.T.M. (ngụ xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) xin nghỉ việc ở nhà phụ kinh doanh với gia đình. Khoảng thời gian tham gia BHXH tại công ty này được hơn 4 năm, chị M. vẫn giữ để sau này kết nối lại để hưởng lương hưu. Thực ra, quyền lợi của chị M. sẽ được bảo đảm nếu như chị không cho một người quen mượn hồ sơ cá nhân của mình để đi làm.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MINH THÀNH, những năm gần đây, dữ liệu về BHXH, BHYT đã được lưu trên hệ thống của BHXH Việt Nam nên người mượn hồ sơ cá nhân của người khác dù có làm việc ở địa phương khác đều có thể bị phát hiện khi cập nhật thông tin cá nhân lên hệ thống. Đặc biệt, hiện nay thông tin về BHXH sẽ được tích hợp vào căn cước công dân nên khi nhập mã định danh vào, hệ thống sẽ nhanh chóng xác định được hồ sơ bị trùng. |
Đầu năm 2022, chị M. vào làm tại một công ty khác. Sau khi nhận được sổ BHXH không thấy ghi tiếp nối thời gian tham gia BHXH trước đây của chị là hơn 5 năm, chị đến cơ quan BHXH H.Trảng Bom hỏi thì ngỡ ngàng khi nghe thông báo, chị đã rút BHXH một lần.
Chị M. kể, những chứng cứ nhân viên BHXH đưa ra cho thấy hồ sơ BHXH của chị đã kết thúc và nhận BHXH một lần vào tháng 11-2021. Khi được hỏi có từng cho ai mượn hồ sơ cá nhân để đi làm không, lúc này chị mới nhớ năm 2010 chị M. từng cho một người bạn tên T.T.T. mượn hồ sơ cá nhân của mình để tìm việc làm tại một công ty ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) vì người này bị mất cắp toàn bộ giấy tờ. Cuối năm 2021, chị T. có đến mượn giấy chứng minh nhân dân và sổ BHXH cũ của chị M., nói là để làm thủ tục thuê nhà trọ khác. Vì tin bạn nên chị M. đã cho mượn.
Gọi điện cho chị T., chị M. được biết do cha của chị T. ở quê bệnh nặng nên chị này phải nghỉ việc về quê chăm sóc cha. Khi làm thủ tục rút BHXH một lần, cơ quan BHXH cho biết hồ sơ cá nhân này tồn tại 2 sổ BHXH và hỏi chị T. có muốn gộp sổ để nhận một lần không. Chị T. đồng ý nên cơ quan BHXH đã gộp sổ và cho chị này thanh toán BHXH một lần, bao gồm cả thời gian 57 tháng làm việc của chị M. trước đó. Do cha bệnh nặng cần tiền chữa bệnh nên chị T. đã rút luôn thời gian hưởng BHXH của chị M. và hứa sẽ trả lại phần tiền này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả.
“Tôi vì thương bạn cũng như không lường hết được những thiệt thòi, rắc rối khi cho người khác mượn giấy tờ của mình đi xin việc. Tôi muốn lưu BHXH để sau này có lương hưu mà tiếc là đã bị rút mất hơn 5 năm, khi phát hiện ra thì đã muộn” - chị M. nói.
Cho người khác mượn hồ sơ cá nhân là tự chuốc rắc rối cho bản thân, nhưng ngay cả những người đi mượn giấy tờ của người khác để đi làm cũng không tránh khỏi những thiệt thòi.
Như trường hợp của chị V.T.N.O. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng từng mượn hồ sơ cá nhân của một người khác để đi làm suốt mấy năm qua. Nhưng khi sinh con, chị không được thanh toán tiền thai sản với lý do: tên trong hồ sơ chứng sinh do bệnh viện cấp là tên thật của chị không đúng với tên trong hồ sơ BHXH ở công ty. “Đau” hơn nữa là khi công ty phát hiện ra chị O. đi làm bằng hồ sơ giả đã buộc chị phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Để có tiền nuôi con, chị O. phải nhờ “chính chủ” đứng ra rút BHXH một lần hết khoảng thời gian 47 tháng làm việc của mình.
* Nhiều rắc rối phát sinh
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, những trường hợp như trên không phải là hiếm gặp. Thời gian qua, BHXH tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp trùng tên do người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ của người khác để đi làm. Việc này khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc giải quyết các chế độ liên quan, còn NLĐ thì mất quyền lợi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Phạm Minh Thành là do NLĐ đã mượn hồ sơ của người thân để vào làm việc tại các doanh nghiệp, sau đó những người cho mượn hồ sơ lại tiếp tục sử dụng chính hồ sơ cho mượn để đi làm việc ở một doanh nghiệp khác. Do đó, khi các doanh nghiệp kê khai và tham gia đóng BHXH, hệ thống quản lý dữ liệu của cơ quan BHXH xác định bị trùng hồ sơ nên không thể giải quyết quyền lợi BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ.
Theo ông Phạm Minh Thành, việc cho mượn và mượn giấy tờ của người khác để xin việc làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp quyền lợi BHXH. BHXH tỉnh đã từng gặp nhiều trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thai sản, do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ và không liên lạc được với người cho mượn tên. Hay trường hợp người cho mượn tên là người có đầy đủ giấy tờ pháp lý để nhận trợ cấp, nhưng thực tế người mượn tên lại là người tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Ông Phạm Minh Thành khuyến cáo, những NLĐ đang mượn tên hoặc đang dùng hồ sơ mang tên người khác đi làm việc nên thông báo cho người sử dụng lao động và cơ quan BHXH biết để được hướng dẫn điều chỉnh hồ sơ, nhằm bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như tránh những rắc rối phát sinh khi thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.
Phương Liễu