Báo Đồng Nai điện tử
En

Rắc rối việc giành con sau ly hôn

07:06, 02/06/2022

Nhiều người sau khi ly hôn tìm đủ mọi cách để "bắt con" khi không được tòa án trao quyền nuôi con. Điều này một lần nữa khiến vợ chồng vốn đã được "giải thoát" khỏi nhau tiếp tục quay lại tranh giành, cãi vã…

Nhiều người sau khi ly hôn tìm đủ mọi cách để “bắt con” khi không được tòa án trao quyền nuôi con. Điều này một lần nữa khiến vợ chồng vốn đã được “giải thoát” khỏi nhau tiếp tục quay lại tranh giành, cãi vã…

Tranh chấp giành quyền nuôi con thường xảy ra sau khi các cặp vợ chồng ly hôn
Tranh chấp giành quyền nuôi con thường xảy ra sau khi các cặp vợ chồng ly hôn. Minh họa: V.Q

Do các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này chưa chặt chẽ nên nhiều vụ giành quyền nuôi con cứ kéo dài, gây nhiều tổn thương cho những người trong cuộc.

* Vờ thăm con… rồi “bắt con”

Ròng rã mấy tháng qua, không đêm nào chị N.T. (quê tỉnh Bình Dương) không khóc vì thương nhớ con, chị đã nhờ cơ quan chức năng can thiệp nhưng đến giờ vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong.

Tìm đến điểm tư vấn pháp luật miễn phí cho bạn đọc tại Báo Đồng Nai vào sáng thứ bảy ngày 28-5, chị N.T. kể, chị và anh T. lấy nhau, sinh sống tại TP.Biên Hòa được 3 năm thì ly hôn vào năm 2021. Thời điểm đó, con trai của 2 người tròn 25 tháng tuổi.

Theo bản án của tòa, con trai sống với mẹ và anh T. có nghĩa vụ chu cấp nuôi con. Sau ly hôn, chị đưa con về tỉnh Bình Dương sinh sống, thỉnh thoảng anh T. đến thăm con và đưa con đi chơi đây đó. Chị N.T. luôn tạo điều kiện cho cha con được gặp nhau vì muốn con được sống trong tình yêu thương của cha lẫn mẹ.

Điều chị không ngờ tới, anh T. “ủ mưu” bắt con khi viện cớ xin chị cho đưa con về Đồng Nai 2 ngày để ông bà nội có dịp gần cháu. Thấy không có vấn đề gì, chị N.T. đã đồng ý. Thế nhưng, đến ngày hẹn không thấy chồng cũ đưa con về, chị liên hệ thì anh T. bảo con thích ở chung với nhà nội hơn nên gia đình giữ lại để chăm sóc. Đồng thời, khuyên chị lập gia đình mới và cũng không cần chu cấp gì cho con…

“Biết anh cố tình bắt con, tôi tức tốc đến Đồng Nai đón con về nhưng không được nhà chồng đón tiếp, họ còn không cho tôi vào nhà được gặp mặt con. Tôi đã liên hệ các cơ quan chức năng yêu cầu giúp đỡ nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa đón được con” - chị N.T. bức xúc kể.

Chia sẻ vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho biết, trường hợp chị N.T. không phải là cá biệt. Hiện nay, tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn là một trong những dạng tranh chấp rất phổ biến.

Pháp luật quy định, trường hợp cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Đồng thời cũng quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 3-7 năm (quy định về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo Điều 153, Bộ luật Hình sự năm 2015).

* Khó xử lý vì quy định còn chung chung

Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Văn Định, thực tế để giải quyết những tranh chấp như trường hợp của chị N.T. và anh T. vẫn còn nhiều nhiêu khê. Nguyên nhân là do các quy định liên quan nêu trên chưa chặt chẽ, để đưa vụ việc ra xử lý hình sự cần nhiều yếu tố nên thực tế các vụ tranh chấp quyền nuôi con bị kéo dài.

Cần có sự can thiệp kịp thời

Theo thẩm phán TRẦN PHƯƠNG ĐÔNG, Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh, đối với trường hợp người chồng muốn nuôi con sau khi tòa đã tuyên giao quyền nuôi con cho vợ thì cần phải tiến hành liên hệ tòa án khởi kiện lại để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Còn trường hợp bắt con về nuôi sau khi bản án tòa án có hiệu lực là sai pháp luật. Trường hợp người mẹ được tòa tuyên có quyền nuôi con nhưng bị bắt con thì trước hết cần phải đến cơ quan công an sở tại trình báo về việc con bị người khác bắt đi để có ghi nhận và can thiệp kịp thời. Đồng thời, cần làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án bản án biết và thực hiện công tác đúng theo quy định bản án đã tuyên (yêu cầu thực hiện bản án hoặc cưỡng chế...). Ngoài ra, trong trường hợp bị bắt con thì người mẹ cũng cần đến nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan, ban, ngành như: Hội LHPN, Sở LĐ-TBXH…

Tố Tâm (ghi)

Phân tích kỹ hơn, luật sư Định dẫn chứng để yêu cầu chồng cũ trả con, nhiều người gặp trường hợp giống chị N.T. đã không thể nhờ thi hành án can thiệp. Bởi cơ quan này chỉ có thể cưỡng chế thi hành án khi người phải thi hành án không chấp hành bản án. Trong trường hợp này, bản án tuyên chỉ là người vợ được quyền nuôi con và thực tế ngay khi bản án có hiệu lực đứa con đã được giao cho người vợ chăm sóc, coi như bản án đã được thực thi.

 “Nếu bản án tuyên cụ thể: người có nghĩa vụ cấp dưỡng được thăm con thì việc thăm con phải được 2 bên thỏa thuận cụ thể về thời gian, cách thức, những hành vi nào không được thực hiện trong quá trình thăm nom… Các thỏa thuận này phải được tòa án ghi nhận vào bản án càng chi tiết càng tốt. Đây được xem là căn cứ để cơ quan thi hành án xử lý khi phát sinh các vấn đề liên quan” - luật sư Định nói.

Thực tế khi các trường hợp giành quyền nuôi con theo kiểu “bắt con” diễn ra thì người được quyền nuôi con sẽ nhờ người thân thích, các cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, trẻ em, Hội LHPN can thiệp. Nhiều trường hợp sự tác động trên cơ sở hòa giải thường kéo dài, khó giải quyết dứt điểm nếu các bên thiếu thiện chí.

Trẻ em là đối tượng bị thiệt thòi nhất khi vợ chồng ly hôn. Vì thế, người lớn đừng vì những hiềm khích cá nhân, sự ích kỷ của mình... mà có những ý nghĩ và hành động sai trái, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của con trẻ. Với trách nhiệm của mình, cha mẹ nên bù đắp cho con bằng việc phối hợp nuôi dưỡng, chăm sóc con trong điều kiện tốt nhất có thể.               

Kim Liễu

Tin xem nhiều
luật sư Tư vấn ly hôn miễn phí pnj tuyển dụng 2024