Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, người sử dụng đất được quyền sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác…
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, người sử dụng đất được quyền sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác…
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về quyền, nghĩa vụ người sử dụng đất đối với bất động sản liền kề. Ảnh: Đ.Phú |
Tuy vậy, không phải ai cũng biết và hiểu đúng điều đó trong quá trình triển khai các công trình xây dựng, trồng cây để tránh gây bức xúc cho hàng xóm có đất liền kề.
* Phải tôn trọng quyền sử dụng đất của hàng xóm
Do thấy hàng xóm là ông M. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) thường tổ chức tiệc tùng ngoài hiên nhà, ông B. (nhà và đất liền kề) mỗi lần đi làm về nhìn sang thấy khó chịu nên xây tường gạch ở phần đất giữa 2 nhà để ngăn cách, che khuất tầm nhìn. Do bức tường ông B. xây không đẹp nên ông M. thấy khó chịu. Vì vậy, ông M. kêu thợ trét lên mặt tường nằm phía bên nhà ông một lớp xi măng cho thẩm mỹ. Tuy nhiên, ông B. không chịu. Ông B. lý lẽ, tường ông xây thuộc phạm vi đất của ông sử dụng, ông M. muốn làm cho đẹp thì che chắn sao tùy ý chứ không được xâm phạm lên bức tường nhà ông xây.
Vốn là người tế nhị nên ông M. tham khảo ý kiến bạn bè và được mọi người góp ý như sau: thỏa thuận với ông B. một lần nữa để tô lớp xi măng lên tường, nếu không được thì chỉ còn cách tự xây tường trên đất nhà mình để che chắn bề mặt bức tường xấu xí đó.
Luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, ý kiến mà bạn bè ông M. tham vấn cho ông cách giải quyết như vậy là phù hợp với Điều 174 (Nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc xây dựng) và Khoản 2, Điều 175 (Ranh giới giữa các bất động sản) Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, dù ông B. có xây bức tường xấu xí ra sao thì đó là quyền của ông ấy và nhất là ông B. không xâm phạm tới quyền sử dụng đất của ông M., không vi phạm nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc xây dựng, tuân thủ nguyên tắc ranh giới giữa các bất động sản liền kề.
Luật sư Đỗ Văn Gọn lưu ý, pháp luật cho phép người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định.
* Hoa lợi chia đều khi cây trồng nằm trên ranh đất
Ranh đất giữa gia đình ông Bảy Tú và ông Hai Tình (cùng ngụ xã Phú Thịnh, H.Tân Phú) có một cây xoài do người chủ đất cũ trồng. Dù 2 ông không có tranh chấp gì về cây xoài hay ranh đất nhưng trong một lần “trà dư tửu hậu”, 2 ông phát sinh tranh luận. Ông Bảy Tú nói: “Trái bên phía đất nhà ai thì người đó thu hoạch”. Ông Hai Tình không đồng ý nên đưa ra quan điểm: “Cần phải chia đều thành quả vì có 5 nhánh xoài nằm bên phía nhà ông ít trái hơn”.
Hay trường hợp của 2 ông Tư Sâm và Út Hiền (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) gặp phải, khi cây mít nằm trên đất ông Út Hiền nhưng trái nằm trên đất ông Tư Sâm. Một lần con trai ông Tư Sâm hái trái ăn thì ông Út Hiền tỏ thái độ không vui. Cả 2 ông muốn biết nếu có tranh chấp thì pháp luật phân xử ra sao?
“Có những chuyện lúc đầu tuy nhỏ nhặt trong cuộc sống như: trồng cây, trổ cửa sổ, làm mái hiên, đào hố lấn sang đất người khác nếu phát sinh tranh chấp mà người dân không hiểu biết pháp luật, địa phương lúng túng trong giải quyết hoặc giải quyết chưa kịp thời dễ dẫn tới mâu thuẫn lớn hơn, mâu thuẫn vượt ra khỏi ranh giới tranh chấp dân sự” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ. |
Với các tình huống trên, theo luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh), mặc dù đó là chuyện nhỏ đối với nhà nông, nhưng không vì thế mà pháp luật thiếu đi sự điều chỉnh để giải quyết vấn đề khi các bên phát sinh tranh chấp.
Luật sư Nguyễn Đức phân tích, với trường hợp của 2 ông Bảy Tú và Hai Tình thì áp dụng Khoản 3, Điều 176 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xử lý. Vì điều luật quy định, đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều. Còn đối với trường hợp của ông Tư Sâm và ông Út Hiền thì áp dụng Khoản 2, Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 để vận dụng. Theo đó, nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá. Do đó, ông Tư Sâm muốn thu hoạch những trái mít nằm trên đất nhà ông một cách hợp pháp thì trước đó ông phải có động thái yêu cầu ông Út Hiền tỉa bỏ những trái mít nằm trên phần đất của ông. Một khi ông Út Hiền không tỉa bỏ mà cứ để vậy thì ông mới được quyền thu hoạch.
Khoản 1, Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp cây cối có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu cây trồng đó thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu chủ sở hữu cây trồng đó không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây. Chi phí chặt cây do chủ sở hữu cây trồng đó chịu.
Đoàn Phú