Mới đây, Sở Y tế đã tổ chức khen thưởng một số nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai về thành tích ngăn ngừa và cứu thành công một bệnh nhân nhảy từ tầng 10 xuống với ý định tự tử. Đây là một hành động rất đáng biểu dương vì không ngại nguy hiểm cứu người trong lúc nguy cấp.
Mới đây, Sở Y tế đã tổ chức khen thưởng một số nhân viên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai về thành tích ngăn ngừa và cứu thành công một bệnh nhân nhảy từ tầng 10 xuống với ý định tự tử. Đây là một hành động rất đáng biểu dương vì không ngại nguy hiểm cứu người trong lúc nguy cấp.
Vụ bệnh nhân nhảy lầu tự tử không còn là hiếm. Tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có cả chục trường hợp bệnh nhân tìm đến cái chết bằng cách nhảy lầu. Tình trạng người bệnh chán đời tự tử không chỉ xảy ra tại Đồng Nai mà tại nhiều bệnh viện khác trong cả nước, khiến không chỉ người trong cuộc đau lòng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý đối với những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và ảnh hưởng an ninh trật tự tại bệnh viện.
Ai cũng biết rằng, khi mang trong người căn bệnh nan y, người bệnh thường có tâm lý mặc cảm, buồn phiền, nhất là người bệnh nghèo khi thấy gia đình phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền chạy chữa thuốc men cho họ. Họ bị ám ảnh bởi cái chết, lo sợ bị người thân ruồng bỏ, chán nản vì điều trị bệnh không có khả năng khỏi bệnh; tinh thần xuống dốc, suy sụp, cộng với những cơn đau thể chất hành hạ… khiến không ít người muốn tìm sự giải thoát.
Tôi từng có thời gian dài sống ở Hàn Quốc, cũng từng điều trị tại bệnh viện ở nước này và thấy, theo quy định của Bộ Y tế Hàn Quốc, bệnh viện cứ 100 giường phải có một chuyên viên tâm lý. Đội ngũ này bao gồm những chuyên gia tâm lý lâm sàng có trình độ, được đào tạo bài bản và những tình nguyện viên có chuyên ngành tâm lý hay được đào tạo cơ bản khả năng thuyết phục, có duyên ăn nói, biết cách trò chuyện với người bệnh.
Mỗi sáng, những chuyên gia tâm lý đến với bệnh nhân để thăm hỏi, động viên, an ủi, đọc sách hoặc ngồi trò chuyện cùng bệnh nhân để tạo động lực tinh thần cho bệnh nhân, đặc biệt là những người bệnh bị ung thư. Thông qua việc trò chuyện, nắm bắt tâm lý của những người bệnh, nhân viên tâm lý biết được suy nghĩ, ý định của người bệnh. Nếu thấy họ có biểu hiện chán nản, có ý định tự tử, chuyên gia tâm lý sẽ khuyên giải, chia sẻ, tư vấn để giúp cho họ giải tỏa những phiền muộn, ưu sầu đang mang, tạo lại cho họ niềm tin vào cuộc sống.
Ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ chuyên viên tâm lý chưa nhiều nên việc cung cấp đội ngũ này cho các bệnh viện là một việc khó. Hơn nữa, trong hệ thống bệnh viện của nước ta chưa có tiền lệ này, bởi bệnh viện chỉ đặt nặng công tác điều trị bệnh thực thể chứ chưa quan tâm đến khía cạnh tâm thần người bệnh. Hơn nữa, nếu thuê các chuyên gia tâm lý thì phải trả tiền, trong khi hoạt động điều trị tâm lý không phải là dịch vụ làm ra tiền. Do đó, bệnh viện không có đủ nguồn lực và cũng không hào hứng tổ chức hoạt động này.
Mong rằng trong thời gian tới, các bệnh viện sẽ quan tâm đến hoạt động này. Còn hiện tại, tôi nghĩ trong khi chưa có những chuyên gia tâm lý thì bệnh viện có thể sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội của bệnh viện làm việc này với những bệnh nhân khi nhận thấy họ có biểu hiện tâm lý bất ổn.
Nguyễn Đạt (TP.Biên Hòa)