Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú ý cách ứng xử với con khi cha mẹ ly hôn

07:07, 22/07/2022

Ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng khi vợ chồng không còn cùng nhìn về một hướng. Gia đình tan vỡ chắc chắn sẽ để lại tổn thương không nhỏ cho những người trong cuộc, đặc biệt là con trẻ.

Ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng khi vợ chồng không còn cùng nhìn về một hướng. Gia đình tan vỡ chắc chắn sẽ để lại tổn thương không nhỏ cho những người trong cuộc, đặc biệt là con trẻ.

Chị V.M. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) và con gái những ngày hiếm hoi bên nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị V.M. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) và con gái những ngày hiếm hoi bên nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quyết định vẫn làm bạn với nhau, cùng chăm sóc con hay dùng con cái để “trả” hận, để làm người kia đau lòng? Sự tổn thương của con trẻ nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của những người cha, người mẹ sau ly hôn.

* Đừng dùng con để “trả thù” nhau

Đã 3 năm nay, chị V.M. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vẫn luôn đau đáu tìm cách giành lại cô con gái mà tòa án đã tuyên giao quyền chăm sóc cho chồng cũ khi 2 người ly hôn. Chị M. tâm sự, vì còn lấn cấn chuyện tài sản chung nên chồng chị dùng con để gây áp lực với chị trong việc phân chia tài sản. 

Theo nhận định từ TAND tỉnh, tình trạng ly hôn đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, TAND 2 cấp đã tiếp nhận 7 ngàn vụ ly hôn, tăng gần 1 ngàn vụ so với 5 tháng đầu năm 2021. Phần lớn vụ ly hôn diễn ra ở những người trẻ, thời gian kết hôn dưới 3 năm.

Biết chị thương con gái nên chồng cũ sau khi được tòa giao quyền chăm sóc con thường hạn chế cho chị gặp gỡ hay tiếp xúc với con. Anh này ra điều kiện, muốn được nuôi con chị phải giao cả căn hộ của 2 người cho anh ta.

Chị M. cho biết: “Hiện nay, chồng cũ của tôi đã ở với một phụ nữ khác, người này có con trai đang tuổi thiếu niên khiến tôi rất lo lắng cho sự an toàn của con gái. Đặc biệt là thời gian gần đây, khi có những vụ người tình của cha, mẹ đã bạo hành, bức tử con riêng của chồng/vợ đến chết. Hiện con gái tôi đã 6 tuổi, chờ sang năm cháu đủ 7 tuổi, tôi sẽ khởi kiện ra tòa trưng cầu ý kiến xem cháu muốn ở với ai”.

Thực tế, không ít trường hợp vợ hoặc chồng sau ly hôn được giao quyền nuôi con đã cấm người kia tiếp cận, đi lại thăm hỏi, vì suy nghĩ “người kia” không đủ tư cách gặp con, khiến đời sống tinh thần của con trẻ bị đảo lộn. Cá biệt, để kéo con về “phe” mình, cha hoặc mẹ - người được nuôi con hằng ngày “rót” vào tai con trẻ những lời xấu xa về người kia, khiến trẻ thiếu đi sự tin yêu và kính trọng với cha hoặc mẹ của mình.

Bên cạnh những người có suy nghĩ hận thù sau ly hôn thì vẫn có không ít người dù rất đau khổ khi phải chia ly, nhưng họ không cấm đoán “người kia” gặp con. Thậm chí, có người còn tạo điều kiện cho “người cũ” cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng để con trẻ vẫn thấy mình có đủ cha, đủ mẹ.

Trường hợp chị N.H.P. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Chị P. đã quyết định ly hôn chồng sau 11 năm chung sống. Có với nhau 2 người con, khi ly hôn, chị P. muốn được nuôi cả 2 con, nhưng chồng cũ của chị không bằng lòng nên tòa xử mỗi người nuôi một người con.

Cuối cùng, con gái lớn 10 tuổi theo cha, con trai nhỏ 7 tuổi theo mẹ. Song, do chồng cũ thường xuyên nhậu nhẹt, đi sớm về khuya để con gái ở nhà một mình nên chị đã gửi đơn ra tòa và được quyền nuôi luôn con gái lớn. Dù được nuôi cả 2 con nhưng chị vẫn tạo điều kiện cho chồng cũ về thăm các con.

“Vợ chồng mặc dù không sống chung với nhau nhưng con cái và những người thân của họ không có lỗi. Tôi muốn giữ cho các con cuộc sống bình thường, ít bị xáo trộn nhất có thể, để các con thấy sự chia tay của cha mẹ cũng chỉ là chuyện không sống chung trong cùng một mái nhà” - chị P. chia sẻ.

* Tránh để trẻ bị sang chấn tâm lý “hậu” ly hôn

ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Công Bình, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa) cho biết, sau ly hôn, dù trẻ sống cùng ai thì vẫn có những xáo trộn và chấn thương tâm lý. Sự ảnh hưởng từ những sang chấn tâm lý này rất đa dạng, nếu người lớn không tinh ý nhận ra và có cách xoa dịu sẽ làm tổn thương sâu sắc đến tinh thần của con trẻ. Việc này sẽ nghiêm trọng hơn nếu cha hoặc mẹ nhanh chóng gặp gỡ, chung sống với người khác trong khi trẻ không được chuẩn bị trước về mặt tâm lý.

Theo ông Nguyễn Công Bình, người lớn hãy chú ý cách ứng xử sau ly hôn để tránh những cú sốc tâm lý cho trẻ. Nên nhẹ nhàng giải thích cho con về lý do cha mẹ không thể sống chung với nhau, lý do có sự xuất hiện của người mới. Cũng như tập trung vào cảm xúc của con và khẳng định rằng, dù cha mẹ không tiếp tục chung sống, khi sống cùng với một người nào đó thì con vẫn là con của cha/mẹ, con vẫn luôn được yêu thương, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ.

“Sau khi chia tay, dù con ở với cha hay với mẹ thì người còn lại cũng cần duy trì nếp sinh hoạt bình thường cho trẻ. Ví dụ, trẻ ở với mẹ nhưng trước đó hằng ngày việc đưa đón con là của cha thì người cha nên duy trì thói quen này. Chính việc đặt cho trẻ những trách nhiệm cùng sự tự tin để đồng hành với mình trong một gia đình đơn thân sẽ là liều thuốc xoa dịu các chấn thương tâm lý ở trẻ, giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, biết đương đầu với cuộc sống trong tương lai” - ông Nguyễn Công Bình cho biết.

Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, sau khi ly hôn, cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
số điện thoại luật sư tư vấn ly hôn miễn phí