Tôi có bệnh mãn tính phải vào một bệnh viện tuyến tỉnh ở TP.Biên Hòa điều trị định kỳ. Nhưng khoảng 3-4 tháng nay, trong toa thuốc bình thường của tôi trước đây được cấp khoảng 5-6 loại thuốc thì những tháng sau này thường xuyên được phòng cấp thuốc bệnh viện yêu cầu mua ngoài từ 1-2 loại thuốc.
Tôi có bệnh mãn tính phải vào một bệnh viện tuyến tỉnh ở TP.Biên Hòa điều trị định kỳ. Nhưng khoảng 3-4 tháng nay, trong toa thuốc bình thường của tôi trước đây được cấp khoảng 5-6 loại thuốc thì những tháng sau này thường xuyên được phòng cấp thuốc bệnh viện yêu cầu mua ngoài từ 1-2 loại thuốc. Lý do là bệnh viện hết loại thuốc này hoặc có thuốc nhưng không được loại tốt như trước.
Người dân chờ đợi lãnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh minh họa |
Cũng thế, con tôi có vết thương cần phẫu thuật, do không phải là ca phẫu thuật cấp cứu nên cũng dời đi, dời lại nhiều lần. Hỏi thì bác sĩ cho biết, hóa chất, vật tư y tế trong bệnh viện đang cạn kiệt và hiếm hoi nên phải dành cho những ca mổ nguy cấp, tổn thương nặng. Những ca phẫu thuật chưa thật nguy hiểm thì phải chờ…
Tôi không biết những khó khăn của bệnh viện thời gian gần đây như thế nào. Nhưng khi đọc Báo Đồng Nai, tôi mới hiểu vì sao xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu hóa chất, vật tư y tế để người bệnh phải chờ đợi để được mổ, phải bỏ thêm tiền túi ra để mua thuốc ngoài. Đó là tình trạng nhiều cán bộ ngành Y tế đã vướng vòng lao lý liên quan đến vấn đề đấu thầu, khiến những người còn lại không dám chủ động, không dám quyết vì còn lúng túng với các chủ trương, thủ tục, cách thanh toán mà chỉ cần sai một chút là có thể vướng vòng lao lý.
Mặc dù chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của bệnh viện và ngành Y tế thời gian qua, nhưng đó là chuyện nội bộ của bệnh viện, của ngành Y tế cũng như của các cơ quan nhà nước có liên quan giải quyết vấn đề đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế như thế nào để hoạt động khám và điều trị bệnh của bệnh viện không gián đoạn. Bởi nếu thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế…, người bệnh sẽ không được điều trị đầy đủ, kịp thời hoặc phải điều trị cầm chừng. Như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh.
Chúng tôi rất mong Nhà nước, ngành Y tế và bệnh viện sớm giải bài toán về cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế để bảo đảm điều trị cho người bệnh được liên tục và tốt nhất.
Nguyễn Thị Ngọc Mai
(TP.Biên Hòa)