Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để có lỗi với người để lại di sản

07:07, 13/07/2022

Theo quy định, khi người có di sản chết không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì những người được hưởng di sản theo hàng thừa kế có quyền thỏa thuận với nhau để phân chia hoặc yêu cầu tòa án phân chia.

Theo quy định, khi người có di sản chết không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì những người được hưởng di sản theo hàng thừa kế có quyền thỏa thuận với nhau để phân chia hoặc yêu cầu tòa án phân chia.

Luật sư Nguyễn Đức tư vấn cho người dân việc chia di sản theo pháp luật. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Nguyễn Đức tư vấn cho người dân việc chia di sản theo pháp luật. Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Vũ Văn Tăng (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ, việc những người được hưởng di sản thừa kế của người chết không có di chúc khi phát sinh tranh chấp với nhau cần xem lại bản thân ứng xử đúng pháp luật, tình cảm ruột thịt với nhau chưa.

* Lỗi của ai?

Do phong tục tập quán nên những bậc cha mẹ hoặc vợ chồng không có thói quen lập di chúc để lại tài sản cho nhau hoặc cho ai đó khi còn khỏe mạnh, minh mẫn. Điều này càng thể hiện rõ ở vùng nông thôn, mọi người quen ứng xử với nhau theo phong tục, tập quán, truyền thống, đạo đức của dòng họ, gia đình.

Chính vì hành xử theo truyền thống, tâm lý đó, năm 2016, khi ông T.V.V. (ngụ xã Phú Túc, H.Định Quán) qua đời không để lại di chúc, 4 người con gồm: T.M.T., T.T.C. (ngụ tỉnh Thừa Thiên - Huế), T.V.S., T.V.T. (ngụ xã Phú Túc) và vợ ông là bà P.T.D. (90 tuổi, ngụ xã Phú Túc) xảy ra tranh chấp di sản thừa kế là 3 thửa đất trên địa bàn 2 xã Suối Nho và Phú Túc (do ông và vợ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Nguyên nhân, vợ chồng ông bà có 4 người con nhưng khi ông mất, bà và người con trai út tự nhận là người thừa kế, bỏ qua 3 người con còn lại, rồi ra UBND xã Suối Nho (H.Định Quán) thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Khi phát hiện sự việc, 3 người con khác của ông bà mới mời mẹ và em trai út họp gia đình để phân chia tài sản. Do các bên không thống nhất phân chia được nên yêu cầu pháp luật can thiệp. Lúc này, tình cảm anh em, mẹ con giữa các bên đã không còn thuận hòa như trước nữa.

Vấn đề của mẹ con bà D. theo luật sư Vũ Văn Tăng, lỗi này là do người thừa hưởng di sản không biết xử lý vấn đề cho đúng pháp luật, đạo lý, tập quán. Pháp luật cho phép các con và vợ ông V. được quyền thỏa thuận phân chia, nhận hay từ chối nhận di sản. Một khi họ không phân chia được thì pháp luật phân chia như sau: tài sản của vợ chồng được chia đôi. Sau đó, phần của ông V. chia làm 5 phần bằng nhau, mỗi người cùng hàng thừa kế hưởng một phần.

“Việc người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì phân chia theo Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015. Đó là nguyên tắc phân chia theo luật nên khi các bên không tự thống nhất phân chia với nhau được thì dựa vào quy định của điều luật mà phân chia. Một khi khởi kiện vụ việc ra tòa án thì tòa án cũng căn cứ vào điều luật này để phân chia chứ không có gì khác. Mặt khác, lại mất rất nhiều thời gian chờ đợi, hầu tòa và tốn kém thêm án phí, lệ phí, chứ chưa nói tới tình thân bị sứt mẻ” - luật sư Vũ Văn Tăng bày tỏ.

* Lấy đạo lý để xử sự

Học vấn không nhiều, lại sinh sống ở vùng nông thôn, nhưng ông Bảy Nghĩa (70 tuổi, ngụ xã Đắc Lua, H.Tân Phú) vẫn hiểu được đạo lý “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Do đó, khi cha mẹ của ông còn sống có nói miệng với các anh em của ông rằng, khi ông bà mất sẽ cho em trai út 1ha đất rẫy hiện ông bà đứng tên. Khi cha mẹ ông mất không có di chúc, ông và các anh chị của ông vẫn làm thủ tục từ chối nhận di sản để 1ha đất đó cho người em trai theo di nguyện cha mẹ lúc còn sống.

Ông Bảy Nghĩa tâm sự, nếu anh em trong nhà sống có tình yêu thương, biết nhường nhịn, thông cảm với nhau thì lời của cha mẹ nói ra khi còn sống, giá trị không thua kém bản di chúc có công chứng hay chứng thực. Lúc đó, anh em cảm thấy thoải mái, sống đoàn kết yêu thương nhau, cha mẹ nơi suối vàng cũng yên lòng.

Cũng như ông Bảy Nghĩa, ông Trần Huỳnh (60 tuổi, ngụ xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) thì lấy đạo làm chú để ứng xử việc phân chia tài sản là căn nhà ở quê (tỉnh Quảng Trị, do cha mẹ ông đứng tên, chết không có di chúc) cho con của anh trai ông (do cha mẹ ông chỉ có 2 anh em, vợ chồng người anh chỉ có một con trai). Vợ chồng người anh trai vừa mất cách nhau vài tháng mà không có di chúc.

Lý do ông Trần Huỳnh từ chối nhận di sản của cha mẹ và chuyển hết quyền này cho vợ chồng người cháu vì ông không muốn chú cháu vì chút tài sản mà mất đoàn kết. Hơn nữa, cháu của ông ở quê khó khăn hơn, do tha phương lập nghiệp ông không có tài sản để cho cháu khi anh trai mất thì coi như nhường phần thừa kế đáng ra ông được hưởng cho cháu cũng là đạo nghĩa, chí tình.

Vốn là người thường xuyên tiếp xúc với các vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa các đồng thừa kế với nhau, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) chia sẻ, các đồng thừa kế tranh chấp di sản khi cha mẹ chết không có di chúc có rất nhiều nguyên nhân như: không tự thỏa thuận được, sự thỏa thuận không công bằng dẫn tới không đồng thuận, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những đồng thừa kế cùng hàng hoặc cậy quyền, tham lam, tìm mọi cách, bất chấp pháp luật, tình thân… Trong đó, đáng lo ngại nhất, gây bức xúc nhất là do lòng tham, lợi dụng mối quan hệ xã hội rộng để lo lót, bóp méo sự thật để được pháp luật công nhận di sản đó của riêng mình thông qua việc làm di chúc, biên bản họp hội đồng gia tộc, tặng cho tài sản giả, giả mạo chữ ký…

“Người có tài sản có quyền lập di chúc, lập nhiều lần di chúc, sửa đổi nội dung di chúc tại UBND xã, phường hoặc tổ chức hành nghề công chứng. Đây mới là nơi có thẩm quyền chứng thực, công chứng, đáp ứng điều kiện về hình thức và có chuyên môn hướng dẫn người dân thực hiện theo mẫu, đúng nội dung, xem xét ý chí người lập di chúc có phải là tự nguyện không…” - luật sư VŨ VĂN TĂNG bày tỏ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều