Pháp luật quy định, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
Pháp luật quy định, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
Luật sư Ngô Văn Định tư vấn cho người dân về việc xác định mối quan hệ nhân thân để xác định người hưởng di sản thừa kế theo hàng khi người để lại di sản chết không có di chúc. Ảnh: Đ.PHÚ |
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, khi phát sinh tranh chấp về mối quan hệ cha, mẹ, con với nhau thì các bên có quyền yêu cầu tòa án xác định.
* Tòa án quyết định có hay không có huyết thống
Khi còn trẻ, ông P.T. (ngụ H.Vĩnh Cửu) có quan hệ tình cảm với bà Y.N. (ngụ tỉnh Lâm Đồng), sau đó đường ai nấy đi. Nay ông được biết, giữa ông và bà Y.N. có con chung đã 19 tuổi. Ông P.T. thắc mắc, để biết người con đó có phải là con riêng giữa ông với bà Y.N. hay không thì ông cần phải làm gì và người con đó có quyền gì khi đúng là con của ông với bà Y.N.?
“Để xác định chính xác có phải là con ruột, có cùng huyết thống với mình hay không khi có phát sinh tranh chấp (trừ trường hợp người con đó được sinh ra khi vợ chồng nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo) thì đương sự có quyền nhờ y học can thiệp và yêu cầu tòa án xác định, công nhận” - luật sư NGUYỄN XUÂN THANH (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn. |
Vấn đề của ông P.T. được luật sư Ngô Văn Định hướng dẫn, để chứng minh mối quan hệ huyết thống giữa ông với con của bà Y.N. thì hai bên cần phải nhờ tới y học can thiệp, xác nhận ADN và khi có kết quả ADN, ông phải làm thêm thủ tục công nhận hoặc từ chối người đó không phải là con của ông. Một khi người đó là con ông thì người con này được hưởng đầy đủ quyền về nhân thân, tài sản khi ông mất như con chung giữa ông với người vợ hiện tại.
“Con trong giá thú, ngoài giá thú đều có quyền lợi ngang nhau, được hưởng quyền thừa kế về tài sản của cha hoặc mẹ ruột mình như nhau. Đồng thời, người cha có quyền yêu cầu tòa án xác định người nhận mình là cha không phải là con nếu họ có chứng cứ chứng minh giữa đôi bên không có cùng huyết thống” - luật sư Ngô Văn Định bày tỏ.
Luật sư Ngô Văn Định lưu ý, thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau: Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết. Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
* Muôn kiểu tranh chấp
Mặc dù vợ chồng lấy nhau có kết hôn, con được sinh trong thời kỳ hôn nhân và giấy khai sinh có mang tên mình, nhưng trong lòng ông B.V. (ngụ H.Tân Phú) vẫn hoài nghi người con đó không phải là con của mình.
Hay trường hợp bà P.T.M. (ngụ H.Cẩm Mỹ) trong quá trình sống chung trước khi kết hôn với chồng là ông H.G. thì có con chung. Do 2 người có công việc làm và sinh sống xa nhau nên ông H.G. không muốn nhận người con đó của mình khi làm khai sinh cho con.
Để giải tỏa sự gút mắc của ông B.V. và bà P.T.M., luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn, tại Điều 88 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. Do đó, các ông chồng muốn từ chối nhận con mình phải có chứng cứ chứng minh như: xác định ADN không cùng huyết thống và sau đó yêu cầu tòa án giải quyết, công nhận đó không phải là con chung của mình với vợ. Từ đó, các ông chồng mới có quyền từ chối nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với con về nhân thân cũng như các quyền lợi khác.
Luật sư Nguyễn Xuân Thanh cho biết thêm, có những trường hợp người con không cùng huyết thống khi xác định ADN nhưng pháp luật vẫn công nhận là con chung của vợ chồng nếu người chồng nhận đó là con chung và thuộc trường hợp quy định tại các điều: Điều 93 (xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản) và Điều 94 (xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo) Bộ luật Dân sự năm 2015.
Theo đó, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.
“Việc xác định cha, mẹ, con với nhau rất quan trọng về mối quan hệ nhân thân, nhất là xác định mối quan hệ nhân thân trong việc chia gia sản thừa kế khi người có gia sản chết không để lại di chúc. Chính vì vậy, dù không được những người cùng hàng hưởng thừa kế nhìn nhận, người con này vẫn có quyền yêu cầu tòa án xác định mình là con của người cha hoặc mẹ đã chết mà không có di chúc để lại tài sản cho ai, nhằm buộc những người cùng hàng thừa kế phải chia di sản thừa kế theo pháp luật cho mình” - luật sư Nguyễn Xuân Thanh cho biết.
Đoàn Phú