Vì nhiều lý do khác nhau, ở lứa tuổi chưa thành niên (tức dưới 18 tuổi), nhiều em phải lao động kiếm tiền nuôi bản thân, học hành hoặc phụ cha mẹ khi kinh tế gia đình gặp khó khăn.
Vì nhiều lý do khác nhau, ở lứa tuổi chưa thành niên (tức dưới 18 tuổi), nhiều em phải lao động kiếm tiền nuôi bản thân, học hành hoặc phụ cha mẹ khi kinh tế gia đình gặp khó khăn.
Luật gia Phạm Đình Đức, Hội Luật gia TP.Biên Hòa (bìa trái) tư vấn pháp luật cho người dân về việc sử dụng lao động đối với người chưa thành niên. Ảnh: Đoàn Phú |
Luật sư Vũ Đức Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, chỉ được sử dụng người chưa thành niên làm công việc phù hợp với sức khỏe; khi sử dụng lao động chưa thành niên phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của các em.
* Nhiều công việc và nơi làm việc bị cấm sử dụng lao động chưa đủ tuổi
Với các gia đình kinh tế còn khó khăn, việc đồng ý cho con em ở tuổi chưa thành niên lao động những tháng hè để kiếm tiền lo học phí, sách vở, quần áo cho năm học mới là chuyện bình thường. Riêng với các em, việc đi làm kiếm tiền ngày hè còn là sự trải nghiệm cuộc sống, thể hiện tinh thần yêu lao động, hiếu thảo với cha mẹ.
Tuy vậy, một số trường hợp phụ huynh vẫn không biết, nắm rõ các quy định pháp luật về lao động nên chấp nhận cho con làm những công việc hoặc làm ở những nơi làm việc bị pháp luật nghiêm cấm. Chẳng hạn như: trường hợp của em H.Y. (chưa đủ 16 tuổi, H.Định Quán) được mẹ đồng ý cho đi trông coi nhà nghỉ cho người thân. Hay như em T.K. (17 tuổi, H.Trảng Bom) đi chở gas bỏ mối cho chú. Hoặc trường hợp em D.N. (17 tuổi, TP.Biên Hòa) theo cha đi làm công trình xây dựng...
Luật sư Vũ Đức Hòa (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 147, Bộ luật Lao động năm 2019, cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở các nơi sau: dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử…
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 147, Bộ luật Lao động năm 2019, cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc sau: mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên. Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác. Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ. Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc. Phá dỡ các công trình xây dựng. Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại. Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ…
“Người sử dụng lao động vi phạm nguyên tắc này và tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền đến 75 triệu đồng theo Điều 29, Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động” - luật sư Vũ Đức Hòa lưu ý.
* Phải được phụ huynh đồng ý bằng văn bản
Do chưa đủ 16 tuổi nhưng vì muốn có tiền mua sắm điện thoại xịn, em H.L. (TP.Biên Hòa) lén cha mẹ làm phục vụ cho một quán nhậu ở P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Biết chuyện, mẹ của em là bà T.T.V. tới thương lượng với chủ quán nhậu cho em nghỉ và chỉ nhận tiền công những ngày em làm việc. Tuy vậy, chủ quán nhậu không đồng ý cho rằng, em đã cam kết bằng hợp đồng với họ là làm hết tháng mới trả lương và nhận lương, còn nghỉ ngang thì “ráng chịu”. Quá bức xúc, bà T.T.V. đã đến Hội Luật gia TP.Biên Hòa nhờ tư vấn việc con bà và chủ quán giao kết hợp đồng như vậy có đúng không?
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) giải thích, việc chủ quán giao kết hợp đồng lao động với người chưa đủ 16 tuổi như con bà T.T.V. là hoàn toàn sai. Bởi chủ quán nhậu giao kết hợp đồng lao động với con bà làm công việc có liên quan tới rượu bia, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên mà Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm và sự giao kết đó không được sự đồng ý của bà.
Luật gia Phạm Đình Đức lưu ý, khi người sử dụng lao động sử dụng lao động chưa thành niên, ngoài việc không được sử dụng họ làm những công việc, môi trường làm việc mà luật cấm thì luật còn bắt buộc người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng (có thể bằng văn bản, thư điện tử hay lời nói) là phải có thêm sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ. Còn với lao động chưa đủ 15 tuổi thì luật ràng buộc kỹ hơn, bắt buộc người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với các em và cả người đại diện theo pháp luật cho các em.
“Việc trẻ em, người chưa thành niên lao động kiếm sống để nuôi bản thân, phụ giúp gia đình, nhất là rèn luyện tình yêu lao động là việc làm tốt, đáng quý. Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên vào đời sớm, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn quy định rất cụ thể những công việc, môi trường, từng độ tuổi mà các em được làm, không được làm; bắt buộc phải có sự đồng ý của phụ huynh, lẫn các em bằng văn bản hoặc thông báo cho cơ quan quản lý lao động biết... Do đó, các bậc phụ huynh và người sử dụng lao động chưa thành niên phải lưu ý” - luật gia Phạm Đình Đức nhấn mạnh.
Đoàn Phú