Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở TP.Biên Hòa: Không để "bắt cóc bỏ dĩa"

07:07, 14/07/2022

Hiện mỗi ngày TP.Biên Hòa phát sinh từ 500-700 tấn rác thải sinh hoạt. Để giảm áp lực trong xử lý rác sinh hoạt, việc phân loại rác thải tại nguồn là rất cần thiết và phải thực hiện trước tiên.

Hiện mỗi ngày TP.Biên Hòa phát sinh từ 500-700 tấn rác thải sinh hoạt, đa phần trong số này được thu gom và đưa đi chôn lấp. Tình trạng này đang gây quá tải cho công tác thu gom và xử lý rác. Để giảm áp lực trong xử lý rác sinh hoạt và “biến” một phần rác thải thành tài nguyên hay tái chế, việc phân loại rác thải tại nguồn là rất cần thiết và phải thực hiện trước tiên.

Rác không phân loại được bỏ chung vào một bịch và vứt bừa bãi khiến đường phố TP.Biên Hòa nhếch nhác. Ảnh: P.Liễu
Rác không phân loại được bỏ chung vào một bịch và vứt bừa bãi khiến đường phố TP.Biên Hòa nhếch nhác. Ảnh: P.Liễu

Bài 1: Cần thiết và cấp bách

Dù đã nỗ lực, nhưng hoạt động thu gom, xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt ở TP.Biên Hòa chưa đạt yêu cầu. Điều đáng nói, ý thức của một bộ phận người dân trong giữ vệ sinh môi trường chưa cao. Dù là đô thị loại I nhưng tại TP.Biên Hòa, rác sinh hoạt vẫn bị vứt bừa bãi ở nhiều nơi, rất nhếch nhác.

* Rác thải còn đổ bừa bãi

Trong thời gian qua, tại TP.Biên Hòa, mặc dù cơ quan  chức năng cũng như chính quyền địa phương đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý không ít trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định, thế nhưng rác vẫn bị mang đổ bừa bãi ở nhiều nơi, từ đường phố đến hang cùng ngõ hẻm, kể cả kênh mương, cống thoát nước cũng thường xuyên bị tắc nghẽn do rác bít dòng chảy.

Tại nhiều “bãi rác” tự phát ở TP.Biên Hòa có đủ loại rác. Từ rác hữu cơ, đến chai lọ thủy tinh, bao bì nhựa, giấy, thậm chí cả rác cồng kềnh khó phân hủy như: nệm, ghế salon cũ bị vứt bỏ bừa bãi, vô tội vạ. Tình trạng này đã làm xấu cảnh quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

Theo Bí thư Thành ủy Biên Hòa VÕ VĂN CHÁNH, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Hành động nhỏ ở đây chính là việc ai cũng làm được là bỏ rác vào đúng thùng quy định phân loại. Ý nghĩa lớn là góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta, cũng như thay đổi thói quen bỏ rác lẫn lộn lâu nay.

Thực tế đáng buồn này ai cũng thấy, thế nhưng thói quen sống xanh (thải ít rác), đặt rác đúng nơi, đúng giờ quy định, cũng như thói quen phân loại rác tại nguồn thì không phải ai cũng ý thức chấp hành và thực hiện.

Mỗi ngày, bà Trần Ngọc Trân (ngụ P.Thanh Bình) đều mang rác của gia đình ra đường để chờ thu gom. Nhà bà có 6 người nên lượng rác thải ra cũng tầm 2-3 kg/ngày. Như nhiều hộ gia đình khác, bà Trân bỏ tất cả các loại rác gồm rác có thể phân hủy (thức ăn thừa, rau…) và rác khó phân hủy (chai nhựa, túi ny-lông) chung vào một bịch to.

Bà Trân cho biết, nhà bà hầu như không phân loại vì mất thời gian và nhất là phải để trong nhà 2-3 thùng rác, vừa chật nhà, vừa gây ô nhiễm.

Thực tế từ hộ bà Trân cho thấy, đây là tình trạng chung của rất nhiều hộ gia đình ở TP.Biên Hòa hiện nay. Nhiều người ngại phân loại rác tại nguồn bởi việc bỏ chung tất cả rác vào một bịch thường nhanh gọn, tiện lợi hơn là việc phải lựa chọn từng loại cho vào những thùng rác, bao bì riêng. Song trên hết, vẫn là chưa hình thành được thói quen phân loại, đây chính là câu trả lời cho việc vì sao phân loại rác thải tại nguồn ở Biên Hòa… chỉ thực hiện được một thời gian, dù đã được triển khai cả chục năm qua và triển khai rất nhiều lần.

Chia sẻ về tình trạng rác không phân loại mà vứt bừa bãi đang rất phổ biển hiện nay ở Biên Hòa, ông Trần Văn Nhàn (ngụ P.Trung Dũng) cho rằng, Biên Hòa là địa phương công nghiệp nên đất chật người đông, tất yếu lượng rác thải sinh hoạt thải ra hằng ngày cũng rất lớn. Do đó, nếu mỗi người đều ý thức, cùng chung tay hành động sẽ giảm được lượng rác phải chôn lấp, giảm áp lực cho môi trường, từ đó cũng quay lại tạo cho chúng ta một môi trường sống xanh hơn, sạch hơn, trong lành hơn.

“Muốn “biến” rác thành tài nguyên, hay tái chế không quá khó và bước đầu tiên phải tiến hành là phân loại rác thải tại nguồn. Việc này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Trước tiên, cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Tuyên truyền sao để người dân hiểu việc thực hiện phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm và nghĩa vụ nhằm góp phần giữ môi trường trong lành của thành phố, nếu không thực hiện sau này sẽ có chế tài xử lý như: từ chối thu gom rác hoặc xử phạt hành chính” - ông Nhàn cho biết.

* Tái khởi động phân loại rác tại nguồn

Để giải bài toán khó về sự quá tải trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Biên Hòa, mới đây thành phố đã tái khởi động Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đồng loạt trên địa bàn. Đây là một trong những chương trình trọng tâm mang tính lâu dài để giải quyết tình trạng quá tải trong xử lý rác sinh hoạt của một thành phố hơn 1,2 triệu dân. Để đạt được mục tiêu này, thành phố chủ trương thực hiện có hiệu quả ngay trong năm đầu tiên triển khai. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, sẽ có 100% hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được TP.Biên Hòa triển khai thí điểm hơn 10 năm nay tại nhiều phường nội ô. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện như: nhiều hộ dân chưa mặn mà với việc phân loại rác tại nguồn; việc thu gom, xử lý vẫn còn nhiều bất cập về cả thời gian, nhân lực, phương tiện thu gom và quá trình xử lý… nên chưa duy trì bền vững.

Chỉ trong hơn 1 tháng (từ giữa tháng 5 đến hết tháng 6-2022), cơ quan chức năng và các địa phương của TP.Biên Hòa đã bắt quả tang hơn 50 trường hợp đổ trộm rác thải sinh hoạt nơi công cộng, xử phạt vi phạm hành chính từ 2-4 triệu đồng/trường hợp.

Cũng theo ông Huỳnh Tấn Lộc, để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, kế hoạch triển khai hoạt động phân loại rác thải tại nguồn lần này được xây dựng rất bài bản và đồng bộ với nhiều hình thức khác nhau, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có sự đi trước một bước trong việc xác định nhóm đối tượng nào cần triển khai trước, nhóm nào sẽ triển khai sau để vừa làm, vừa điều chỉnh trước khi triển khai đồng loạt tại tất cả 30 phường, xã trong toàn thành phố.

Cụ thể, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn phải thực hiện trước, sau đó nhân rộng trong cán bộ, đảng viên thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nhà mình để làm gương cho người dân hưởng ứng tham gia. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thường xuyên tổ chức Ngày hội Ra quân vệ sinh môi trường, Ngày hội Phân loại đổi chất thải lấy quà lồng ghép với tuyên truyền đến người dân tại các phường, xã việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được pháp luật quy định. Hơn nữa, việc phân loại như một mũi tên trúng nhiều đích. Đó là sẽ giúp giảm đáng kể lượng rác phải xử lý, chôn lấp; tận dụng rác thải để tái chế thay thế một phần nguồn tài nguyên; tạo ra những sản phẩm có lợi từ rác như rác hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón… Và việc này chỉ có thể thực hiện được bởi hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Do đó, TP.Biên Hòa đã quyết tâm triển khai thực hiện.

Bắt đầu ra quân triển khai từ ngày 1-7, hiện UBND TP.Biên Hòa đã và đang tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; bỏ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định…, đảm bảo mỗi người dân, mỗi hộ gia đình hiểu được ý nghĩa cũng như quy trình phân loại rác thải tại nguồn. Qua đó sẽ đồng thuận và hưởng ứng tham gia chương trình một cách thiết thực khi thành phố triển khai đồng loạt.

Phương Liễu

Bài 2: Để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả, bền vững

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích