Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Để phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả và bền vững

07:07, 15/07/2022

Phân loại rác thải tại nguồn là hành động nhỏ, ai cũng có thể làm, nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong việc làm giảm lượng rác thải đổ về các bãi rác, tiết kiệm chi phí xử lý, giảm diện tích chôn lấp và tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.

[links()]Phân loại rác thải tại nguồn là hành động nhỏ, ai cũng có thể làm, nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong việc làm giảm lượng rác thải đổ về các bãi rác, tiết kiệm chi phí xử lý, giảm diện tích chôn lấp và tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.

Để khuyến khích người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn, TP.Biên Hòa thường xuyên tổ chức Ngày hội Đổi rác thải tái chế lấy quà tại các phường, xã trên địa bàn. Ảnh: Phương Liễu
Để khuyến khích người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn, TP.Biên Hòa thường xuyên tổ chức Ngày hội Đổi rác thải tái chế lấy quà tại các phường, xã trên địa bàn. Ảnh: Phương Liễu

Để hoạt động này hiệu quả và bền vững, ngoài những hỗ trợ về thùng rác, bao bì đựng rác, tăng mức chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm thì ý thức chấp hành của người dân là rất quan trọng, quyết định sự thành - bại của kế hoạch. 

* Phải hình thành thói quen hằng ngày

Phân loại rác thải tại nguồn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường. Tuy nhiên, để mang lại kết quả như mong đợi, đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là khi việc phân loại rác thải mang tính chất “dài hơi”, cần sự bền vững. Do đó, về cơ bản vẫn cần phải đưa hoạt động này trở thành ý thức, thói quen thường xuyên, hằng ngày của người dân.

Tại TP.Biên Hòa, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn được khởi động từ nhiều năm qua. Đã có rất nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động phân loại rác thải tại nguồn được tổ chức. Trong số những nguyên nhân khiến chương trình này chưa đạt mục đích đề ra, đó là việc người dân chưa hình thành được thói quen phân loại rác, cũng như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu… khiến cho việc phân loại rác nhiều năm qua chỉ là… “bắt cóc bỏ dĩa”. Nhất là khi chương trình không còn hỗ trợ thùng rác, bịch đựng rác thì việc phân loại cũng bị… lãng quên.

Để hoạt động phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả và bền vững, theo ý kiến của các chuyên gia về môi trường, khi việc đó chưa trở thành thói quen, nếp nghĩ thì cũng cần một “áp chế” nhất định để đưa vào khuôn khổ, nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Ông Vũ Văn Bằng (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, khi đi công tác tại Nhật Bản, thấy người dân nước này phân loại rác rất nghiêm túc, tỉ mỉ nên gia đình ông cũng chú trọng đến phân loại rác thải. Ông Bằng cho rằng, việc phân loại rác tại nguồn đem lại nhiều lợi ích, nhưng hiện nay nhiều người chưa quen thực hiện phân loại rác, bởi thiếu một “áp chế” đủ mạnh. Ông Bằng đề nghị, việc phân loại rác thải cần được áp dụng tương tự như việc trước đây quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Có thể ban đầu nhiều người không thích, không tuân thủ, nhưng khi bị phạt, lần sau họ sẽ nhớ và thực hiện, lâu dần sẽ hình thành thói quen.

Ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân trong tuân thủ pháp luật thì cơ sở hạ tầng trong xử lý, phương tiện thu gom cũng cần đáp ứng yêu cầu. Bởi hiện nay, tình trạng các đơn vị thu gom thiếu phương tiện vận chuyển đạt chuẩn, thiết bị thu gom rác 2 ngăn để chứa loại rác thải đã phân loại… dẫn đến tình trạng người dân thực hành phân loại nhưng nhân viên thu gom lại đổ chung khiến cho việc phân loại trở nên mất ý nghĩa, người dân “nản” không tiếp tục phân loại.

Bà Trần Thị Ngọc Lan (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây nhà bà chấp hành tốt việc phân loại rác. Các loại thực phẩm bà để trong các bịch rác riêng, mang ra ngoài cũng đặt riêng. Thế nhưng, nhân viên thu gom rác lại bốc lên đổ chung với các loại rác khác.

“Người dân đã mất công phân loại đâu ra đó nhưng đơn vị thu gom không phân loại thì cũng không hiệu quả. Tôi cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: hộ dân - đơn vị thu gom - cơ quan xử lý thì việc phân loại rác mới được bền vững” - bà Lan kiến nghị.

* Cần chế tài xử phạt nghiêm

Với dân số hơn 1,2 triệu người và lượng rác thải mỗi ngày từ 500-700 tấn rác sinh hoạt, TP.Biên Hòa là địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án Phân loại chất thải rắn tại nguồn từ năm 2008. Thế nhưng đến tháng 6-2021, tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác của thành phố chỉ là 52%. Đa phần chỉ có các cơ quan, đơn vị hành chính và trường học của thành phố thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Người dân P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) mang rác có thể tái chế để đổi quà tại Ngày hội Đổi rác lấy quà do UBND TP.Biên Hòa tổ chức. Ảnh: Phương Liễu
Người dân P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) mang rác có thể tái chế để đổi quà tại Ngày hội Đổi rác lấy quà do UBND TP.Biên Hòa tổ chức. Ảnh: Phương Liễu

Băn khoăn về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, trước đây dù thành phố đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhưng đa phần người dân vẫn đổ lẫn lộn các loại rác. Cho nên, triển khai Chương trình Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đồng loạt trên toàn địa bàn lần này, TP.Biên Hòa đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có 100% cá nhân và hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Thành phố đang triển khai phân loại rác tại nguồn song song với việc chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng như: phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải, phân loại rác. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để xây dựng được thói quen phân loại rác ở người dân, sau đó là áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, đó là phạt tiền hoặc từ chối thu gom chất thải đối với hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không phân loại rác.

Môi trường là ngôi nhà chung của mọi người. Trong khi lượng rác thải mỗi ngày một tăng, nếu không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn sẽ không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên, gia tăng chi phí xử lý và diện tích chôn lấp…, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí - là những yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và các nền kinh tế.

Tại hội nghị chuyên đề về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do HĐND tỉnh tổ chức tháng 4-2022, Giám đốc Sở TN-MT ĐẶNG MINH ĐỨC cho biết, thời gian tới, ngành sẽ triển khai quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó bắt buộc phân loại rác thải tại các hộ gia đình và tính phí rác thải theo khối lượng. Những hộ nào không phân loại sẽ không được thu gom; hộ nào phân loại, lượng rác tái chế sau phân loại sẽ được thu gom miễn phí, nếu không sẽ phải trả phí cho toàn bộ lượng rác thải ra.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích