Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng đất đúng mục đích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

07:07, 02/07/2022

Do hiểu sai, không chính xác các quy định về đất đai nên không ít người nhầm tưởng một khi đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì được tự do chuyển đổi cây trồng, thay đổi địa hình đất, xây dựng nhà ở…

Do hiểu sai, không chính xác các quy định về đất đai nên không ít người nhầm tưởng một khi đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì được tự do chuyển đổi cây trồng, thay đổi địa hình đất, xây dựng nhà ở…

Các luật sư của Hội Luật gia tỉnh (trái) tư vấn pháp luật cho người dân về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Ảnh: Đ.Phú
Các luật sư của Hội Luật gia tỉnh (trái) tư vấn pháp luật cho người dân về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, dù đất đã được cấp QSDĐ nhưng chủ đất phải sử dụng đất đúng với mục đích đã ghi trong giấy chứng nhận. Việc sử dụng sai mục đích sử dụng đất sẽ bị chế tài theo quy định của pháp luật về đất đai.

* Đất trồng lúa có được trồng cây có múi

Thấy nhà nông các ấp lân cận trồng bưởi, quýt, sầu riêng… cho thu nhập mỗi năm từ 400-500 triệu đồng/ha, ông Bảy Hiền (ngụ ấp 7, xã Thanh Sơn, H.Định Quán) muốn chuyển đổi 1ha đất trồng lúa sang cây có múi để tăng thu nhập. Tuy nhiên, khi ông chuẩn bị tiến hành cải tạo đất để trồng bưởi, cam, quýt thì được cán bộ nông dân ở ấp khuyến cáo: “Trước khi chuyển đổi cây trồng phải làm thủ tục xin phép chính quyền. Chỉ khi nào chính quyền cho phép chuyển đổi mới được làm, còn tự ý làm ông sẽ bị phạt”.

Do không hiểu biết nhiều về pháp luật nên ông Bảy Hiền bức xúc cho rằng, cán bộ nông dân có ý hù dọa ông, không muốn nông dân linh động làm giàu. Bởi vì, đất của ông có giấy chứng nhận QSDĐ, ông chuyển đổi cây trồng bằng vốn gia đình, chứ có xin chính quyền duyệt vay vốn đâu mà phải xin phép, báo cáo chi cho phiền phức.

“Việc nắm rõ mục đích sử dụng đất còn giúp người dân biết đất mình đang sử dụng thuộc dạng có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài hay có thời hạn nhất định. Ngoài ra, mục đích sử dụng còn ảnh hưởng trực tiếp đến thuế sử dụng đất, chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” - luật gia VÒNG KHIỀNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho biết.

Bức xúc của ông Bảy Hiền được luật sư Nguyễn Xuân Thanh giải thích, khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho cá nhân, nghĩa là pháp luật công nhận QSDĐ của họ. Trong giấy chứng nhận QSDĐ đó luôn thể hiện rõ mục đích sử dụng đất như: đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất làm nhà ở… Nếu giấy chứng nhận QSDĐ của ông ghi mục đích sử dụng là chuyên trồng lúa nước thì việc chuyển đổi đó phải tuân thủ Điều 57 Luật Đất đai năm 2013, Điều 56 Luật Trồng trọt năm 2018.

Theo đó, việc chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu; hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi; bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

“Vậy trường hợp tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây có múi sẽ bị xử phạt ra sao?” - ông Bảy Hiền đặt câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh cho biết, Khoản 1, Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định, hành vi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm đối với cá nhân (tập thể thì gấp 2 lần cá nhân) bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha; 5-10 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5 đến dưới 1ha; 10-20 triệu đồng nếu diện tích 1 đến dưới 3ha; 20-50 triệu đồng nếu diện tích từ 3ha trở lên. Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.

* Vì sao cần phải biết rõ mục đích sử dụng đất?

Vấn đề này, theo luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), mục đích sử dụng đất có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp cơ quan nhà nước quản lý đất đai mà còn giúp người dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình. Một trong những nguyên tắc sử dụng đất là phải sử dụng đúng mục đích nên người dân cần phải căn cứ vào loại đất, tức mục đích sử dụng, để sử dụng theo đúng quy định, nếu sử dụng sai mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Đồng thời, mục đích sử dụng đất còn giúp người dân biết nghĩa vụ khi chuyển mục đích sử dụng đất. Từ đó, người dân biết khi nào phải xin phép, khi nào không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chẳng hạn, trường hợp muốn chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép chỉ xảy ra đối với việc chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.

Những trường hợp khi chuyển mục đích sử dụng không phải xin phép như: chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác (gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm); chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm; chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm…

 Đoàn Phú

Tin xem nhiều