Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng lương, tăng mức hưởng bảo hiểm xã hội

07:07, 06/07/2022

Từ ngày 1-7-2022, lương tối thiểu đã được tăng và đây là cơ sở dẫn đến nhiều chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi.

Từ ngày 1-7-2022, lương tối thiểu đã được tăng và đây là cơ sở dẫn đến nhiều chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi.

Công nhân Công ty TNHH New Việt Nam làm việc tại nhà máy. Ảnh: Phương Liễu
Công nhân Công ty TNHH New Việt Nam làm việc tại nhà máy. Ảnh: Phương Liễu

Theo nhiều người lao động (NLĐ), lương tăng là mừng nhưng cũng rất lo, bởi lương tăng sẽ kéo theo mức đóng các loại BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), giá cả thị trường tăng lên.

* Tăng lương tối thiểu vùng, tăng mức đóng BHXH bắt buộc

Ngày 12-6, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (gọi tắt là Nghị định 38), chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180-260 ngàn đồng/tháng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Sau 1 năm được giảm trừ mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn - bệnh nghề nghiệp (theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19), từ ngày 1-7-2022, người sử dụng lao động sẽ tiếp tục đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp - bệnh nghề nghiệp cho NLĐ theo quy định hiện hành.

Cụ thể, Nghị định 38 quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng như sau: vùng I tăng từ 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng/tháng; vùng II tăng từ 3,92 triệu đồng lên 4,16 triệu đồng/tháng; vùng III tăng từ 3,43 triệu đồng lên 3,64 triệu đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3,07 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ là 22,5 ngàn đồng/giờ (vùng I), 20 ngàn đồng/giờ (vùng II), 17,5 ngàn đồng (vùng III) và 15,6 ngàn đồng/giờ (vùng IV). Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động và địa điểm nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở đứng chân.

Theo thông tin từ BHXH tỉnh, tăng lương tối thiểu vùng sẽ tăng mức đóng BHXH bắt buộc tối thiểu. Căn cứ theo Khoản 2, Điều 6 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam về ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với NLĐ làm công việc, hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Riêng đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề), mức đóng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

* Tăng mức hưởng chế độ BHXH

Vấn đề tăng lương đang được nhiều NLĐ quan tâm. Mục đích của việc tăng lương hằng năm là nhằm giúp NLĐ ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với công việc. Song, nhiều NLĐ cũng lo lắng khi tăng lương sẽ kéo theo mức đóng BHXH tăng lên, thậm chí còn tăng hơn cả mức tăng của lương. Chưa kể tình trạng giá cả thị trường rục rịch tăng khi lương tăng.

Chị Nguyễn Ngọc Anh Ca (quê tỉnh Nghệ An, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, 2 năm qua không được tăng lương, năm nay mới tăng được 260 ngàn đồng/tháng. Trong thời buổi giá cả tăng cao, nhất là giá xăng tăng quá cao thì vài trăm ngàn đồng cũng giúp NLĐ được phần nào hay phần ấy. Chị Anh Ca mong muốn dịch bệnh Covid-19 chấm dứt, kinh tế phát triển, giá cả thị trường ổn định và năm nào cũng được tăng lương để đời sống NLĐ mỗi ngày một cải thiện hơn.

Bình ổn giá cả thị trường, thêm những chính sách hỗ trợ đời sống NLĐ thì cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành.

Trước những lo lắng của NLĐ về việc tăng lương dẫn đến tăng mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp gây thiệt thòi cho NLĐ, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, mức lương tối thiểu vùng là mức tiền lương thấp nhất làm căn cứ tính đóng BHXH. Mức lương này tăng lên thì mức đóng BHXH cũng sẽ tăng lên. Và một khi đóng BHXH cao lên thì mức hưởng liên quan đến các chế độ BHXH của NLĐ nhận được cũng sẽ cao theo. Như vậy, NLĐ không hề thiệt thòi, nếu không nói là có lợi.

Theo phân tích của ông Phạm Minh Thành, khi tăng lương tối thiểu vùng, đúng là mức đóng BHXH của NLĐ sẽ cao hơn, nhưng mức hưởng một số chế độ bảo hiểm và cả lương hưu sau này cũng tăng theo. Cụ thể, mức đóng BHXH từ ngày 1-7-2022 đến ngày 30-9-2022 tổng cộng là 31%, nhưng NLĐ chỉ phải đóng 10,5%, còn chủ sử dụng lao động đóng 20,5%. Như vậy, NLĐ chỉ phải đóng tăng một phần, nhưng các chế độ BHXH thì được hưởng ở mức 31%. Chưa kể, lương hưu NLĐ nhận được sau này cũng sẽ cao hơn theo nguyên tắc đóng cao - hưởng nhiều. Do vậy, tính đến cuối cùng thì NLĐ vẫn có lợi.

Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, trao đổi với các phóng viên về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG cho biết, lương tăng khiến NLĐ rất phấn khởi. Ngoài việc tăng lương cũng cần có những chính sách xã hội khác hỗ trợ để thu nhập của NLĐ đảm bảo được cuộc sống, đảm bảo tái tạo sức lao động, đảm bảo tích cực cống hiến. Chính phủ cũng cần có những biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối nền kinh tế và đảm bảo mức lương phù hợp với NLĐ.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích