Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc kích thích ăn ngon, tăng cân không có sự chỉ định của bác sĩ là rất nguy hiểm.
Nhiều bà mẹ đã rất khổ sở, lo lắng khi con biếng ăn. Dù dùng nhiều cách, mua nhiều loại thực phẩm ngon lành nhưng trẻ vẫn thấp bé, nhẹ cân. Do đó, không ít người đã phải dùng thuốc giúp trẻ ăn ngon, tăng cân để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Nhiều sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng giúp trẻ tăng cân được các bà mẹ chia sẻ trên các diễn đàn trên mạng xã hội. Nguồn: Internet |
Theo chuyên gia dinh dưỡng, việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc kích thích ăn ngon, tăng cân không có sự chỉ định của bác sĩ là rất nguy hiểm.
* Khổ vì con biếng ăn
Không ít gia đình, mỗi khi tới bữa ăn thì cả ông bà, cha mẹ đều mệt mỏi, căng thẳng vì trẻ biếng ăn. Có gia đình phải dành hẳn một cái iPad hoặc điện thoại để trẻ xem thì mới ăn; có nhà lại phải mở kênh quảng cáo trên tivi suốt cả bữa mới dụ được trẻ há miệng… Không ít người mẹ đã chọn giải pháp giúp con ăn ngon, chóng lớn như chị T.T.M.N. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là một ví dụ.
Con trai của chị N. đã 4 tuổi nhưng mỗi bữa ăn chị vẫn phải đưa con ra đường, lê la hết nhà này sang nhà kia cả giờ mới hết nửa chén cơm. Chị N. rất mệt mỏi mỗi khi cho con ăn. Con trai đã 49 tháng nhưng cân nặng chỉ được 9kg và chiều cao chỉ đạt 85cm (theo chuẩn phải cân nặng tầm từ 14-15kg, chiều cao phải đạt từ 100-102cm). Dù chị đã làm hết cách nọ đến cách kia, nay nấu món này mai đổi món nọ nhưng bé vẫn ăn rất ít, sữa cũng không uống nhiều. Bởi thế, bé không chỉ thấp còi mà còn hay bệnh vặt vì… suy dinh dưỡng.
Tìm giải pháp cho con ăn nhiều, tăng cân, chị Ngọc vào một diễn đàn dành cho mẹ bé tìm hiểu và được hội các bà mẹ bỉm sữa giới thiệu, truyền tai nhau rất nhiều loại thuốc dành cho trẻ biếng ăn được chế biến dưới nhiều dạng, từ siro đến cốm hạt, từ viên nang đến bột nhuyễn, từ ống dạng nước đến viên sủi. Ai cũng nói, con họ đã từng dùng qua và đang ăn ngon miệng, tăng cân rất tốt.
Cũng như nhiều bà mẹ đang lo lắng vì con thấp còi, thấy các bà mẹ chụp ảnh con trước và sau khi uống một trong số những loại thuốc này, chị N. đã chọn loại chế biến từ thảo dược là P.K. với quảng cáo có tác dụng: giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng sức đề kháng, bổ sung lysine, kẽm, taurine, DHA và nhiều loại vitamin khác giúp tăng cường sức khỏe, đặc biệt ở trẻ biếng ăn, gầy yếu.
Chị N. mừng rỡ cho biết, sau vài ngày uống thuốc, con chị đã biết đòi ăn và chỉ trong ít phút đã ăn hết hơn nửa chén cơm, lượng sữa uống cũng tăng lên, cân nặng cải thiện khá tốt khi mỗi tháng lên được hơn 1kg. Con chị đã uống được hơn 1 tháng, nhưng chị cho biết sẽ cho con dùng dài hạn để cân nặng tăng bật lên.
* Thuốc kích thích ăn ngon, tăng cân: Hại nhiều hơn lợi
BS Lê Thị Đẹp, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, mỗi trẻ là một thực thể với cơ địa khác nhau. Vì thế, không có một loại thuốc, toa thuốc hay chế độ dinh dưỡng nào chung dành cho tất cả trẻ biếng ăn, nhẹ cân. Những người mẹ có con biếng ăn không nên “áp” con mình theo những chỉ dẫn, tư vấn của người khác, nhất là những thông tin trên mạng xã hội. Việc tự ý cho trẻ dùng những loại thuốc kích thích ăn nhiều, tăng cân nhanh ở trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ là rất nguy hiểm.
Theo BS Đẹp, hiện trên thị trường, đặc biệt là trên mạng, bán nhiều loại được quảng cáo là thuốc bổ giúp trẻ ăn ngon, tăng cân cũng như tăng sức đề kháng, bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất, giúp trẻ thông minh… Tuy nhiên, không ít loại có chứa những thành phần có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Phổ biến hiện nay, nhiều loại thuốc bổ kích thích trẻ ăn ngon miệng có chứa thành phần cyproheptadin.
“Thực ra, cyproheptadin là chất chống dị ứng nhưng có thêm tác dụng kích thích cảm giác đói, sự thèm ăn nên nhiều nhà sản xuất đã dùng để gián tiếp điều trị chứng chán ăn ở trẻ. Tuy nhiên, tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadin chỉ xuất hiện tạm thời trong thời gian dùng thuốc, khi ngưng thuốc trẻ sẽ biếng ăn trở lại và bị sụt cân. Thành phần cyproheptadin này nếu dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi có thể gây cơn co giật. Do tính chất có hại nhiều hơn ích lợi nên nhiều quốc gia trên thế giới đã không còn dùng cyproheptadin để điều trị chứng biếng ăn cho trẻ em nữa” - BS Đẹp cho biết.
Cũng theo BS Đẹp, một số loại thuốc kích thích ăn ngon, trẻ uống vào sẽ thấy trẻ ăn ngon miệng ngay, tăng cân thấy rõ nhưng rất nguy hiểm nếu có thành phần corticoid. Tác dụng phụ của thành phần corticoid là gây giữ muối, giữ nước trong cơ thể làm tăng cân, gây phù. Khi dùng thuốc này kéo dài, có cảm giác trẻ béo ra, tăng cân nhưng là tăng cân giả. Đây là loại dùng theo chỉ định của bác sĩ, nếu dùng liên tục quá 15 ngày bị dừng đột ngột, có thể gây suy tuyến thượng thận cấp tính, một biến chứng hết sức nguy hiểm với các biểu hiện như trụy tim mạch, rối loạn nước và điện giải... Ngoài tác dụng phụ gây béo phì, thuốc có thành phần corticoid còn gây một số tác dụng phụ nguy hiểm khác như: làm loãng xương, tăng huyết áp, gây tắc mạch, có thể gây loét dạ dày - tá tràng, làm giảm sự đề kháng của cơ thể…
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ như: thay đổi cảm xúc, lo lắng, cô đơn hoặc trẻ bị một vài bệnh lý nào đó liên quan đến tiêu hóa… Trong những trường hợp này, các bà mẹ cần đưa trẻ đi khám và sự chăm sóc, tư vấn bởi những bác sĩ chuyên khoa. Khi bác sĩ tìm ra nguyên nhân biếng ăn ở trẻ, sẽ có những tư vấn cụ thể hoặc quy trình điều trị cho từng trẻ khác nhau” - BS Đẹp khuyến cáo.
“Một số loại thuốc có chứa hoạt chất nandrolon phenylpropionat, được chỉ định điều trị chứng gầy ốm, sụt cân, mất sức sau khi mắc bệnh nặng, giúp cải thiện cân nặng ở người lớn, nếu dùng cho trẻ sẽ gây dậy thì sớm, không tốt cho sự phát triển của trẻ” - BS LÊ THỊ ĐẸP cho hay. |
Phương Liễu