Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh tranh chấp về lao động và bảo hiểm xã hội

07:08, 17/08/2022

Trong quan hệ lao động khó tránh khỏi tranh chấp quyền lợi giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ). Khi phát sinh tranh chấp, NLĐ được xác định là đối tượng yếu thế hơn nên rất cần được pháp luật bảo vệ. Nhất là các phát sinh tranh chấp về cho thôi việc trái luật, chậm nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) với NLĐ.

Trong quan hệ lao động khó tránh khỏi tranh chấp quyền lợi giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ). Khi phát sinh tranh chấp, NLĐ được xác định là đối tượng yếu thế hơn nên rất cần được pháp luật bảo vệ. Nhất là các phát sinh tranh chấp về cho thôi việc trái luật, chậm nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) với NLĐ.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: Đoàn Phú
Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: Đoàn Phú

* Bị sa thải vì không chấp nhận làm việc khác

Chị Phạm Thị Nha (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, chị đang làm việc bình thường tại Công ty P. (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) thì đột nhiên công ty điều chuyển chị sang làm công việc khác không phù hợp. Chị không đồng ý thì công ty lấy lý do chị nhiều lần vi phạm kỷ luật, nghỉ việc không xin phép nên xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải. Chị Nha đã liên hệ các cơ quan chức năng để được hỗ trợ đòi quyền lợi cho mình.

Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia TP.Biên Hòa) cho biết, việc công ty điều chuyển chị Nha sang công việc khác do chị nhiều lần vi phạm quy định của công ty là thiếu cơ sở. Bởi pháp luật lao động không có quy định NLĐ vi phạm thì công ty điều chuyển. Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc điều chuyển công việc như sau, nếu công ty gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì NSDLĐ có quyền tạm thời điều chuyển NLĐ sang làm công việc khác trái nghề, thời hạn không quá 60 ngày trong 1 năm. Hơn nữa, trước khi điều chuyển NLĐ phải báo trước 3 ngày theo quy định, báo rõ thời gian điều chuyển, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và giới tính của NLĐ. Nhưng ở đây, công ty đã không thực hiện đúng quy định.

Cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, nếu hiểu quyết định sa thải (buộc thôi việc) là quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là chưa chính xác. Vì giữa đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với sa thải là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau và nó được quy định rất cụ thể trong Bộ luật Lao động năm 2019.

Chẳng hạn, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định công ty được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu NLĐ vi phạm vào các trường hợp quy định tại Điều 36 của bộ luật này. Còn đối với trường hợp NLĐ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải thì vi phạm của họ phải thuộc trường hợp quy định tại Điều 125 của bộ luật này.

“Do đó, để biết việc công ty sa thải chị Nha đúng hay sai, chị cần cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu có liên quan như: hợp đồng lao động, quyết định kỷ luật lao động, sa thải… để Hội Luật gia TP.Biên Hòa có hướng hỗ trợ, nhằm bảo vệ quyền lợi cho chị” - luật gia Phạm Đình Đức hướng dẫn.

* Trốn, chậm đóng BHXH bắt buộc là vi phạm pháp luật

Theo quy định, NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị có giao kết hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên thì doanh nghiệp và NLĐ bắt buộc phải đóng BHXH. Tức là cả doanh nghiệp và NLĐ đều phải tham gia theo tỷ lệ trích đóng dựa trên tiền lương trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp doanh nghiệp trừ tiền BHXH vào lương hằng tháng của NLĐ nhưng vẫn chậm nộp cho cơ quan BHXH dẫn tới NLĐ bị mất quyền lợi khi nghỉ việc.

Chẳng hạn như trường hợp của ông Nguyễn Đức Lợi (quê tỉnh Đồng Tháp) được Công ty H.V. (đóng tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) ký hợp đồng lao động 12 tháng. Làm việc được 10 tháng thì ông xin nghỉ việc. Khi nghỉ việc, ông Lợi mới biết công ty chỉ đóng BHXH cho ông được 6 tháng, các tháng còn lại công ty vẫn khấu trừ tiền BHXH vào lương của ông mà không đóng cho cơ quan BHXH. Do đó, ông Lợi tìm tới Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) nhờ tư vấn, hỗ trợ pháp lý để đòi quyền lợi.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh giải thích, hành vi trốn và chậm đóng BHXH bắt buộc bị Luật BHXH năm 2014 nghiêm cấm. Pháp luật về lao động, BHXH bắt buộc NSDLĐ phải có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ theo đúng quy định. Một khi NSDLĐ có hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, tại Khoản 5, Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định rõ, phạt tiền từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc; đóng BHXH không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ.

“Do đó, việc NSDLĐ chậm nộp, chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. Vì vậy, NLĐ có quyền phản ánh sự việc tới các cơ quan quản lý về lao động can thiệp hoặc nhờ tổ chức Công đoàn nơi mình làm việc để được bảo vệ quyền lợi” - luật sư Vũ Ngọc Hà hướng dẫn.

NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và NSDLĐ có trách nhiệm đóng BHXH. Trong trường hợp NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc nhưng không đóng BHXH là vi phạm Điều 17, Luật BHXH năm 2014.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều