Trước lời đề nghị mật ngọt, thù lao hậu hĩnh, không ít người chấp nhận làm chủ doanh nghiệp (DN) cho người khác mà không có thực quyền quản lý, điều hành công việc sản xuất, kinh doanh.
Trước lời đề nghị mật ngọt, thù lao hậu hĩnh, không ít người chấp nhận làm chủ doanh nghiệp (DN) cho người khác mà không có thực quyền quản lý, điều hành công việc sản xuất, kinh doanh.
Trọng tài viên Phạm Đình Đức, Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (phải) tư vấn pháp luật cho người dân tại P.Quyết Thắng (TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: Đoàn Phú |
Trọng tài viên Phạm Đình Đức, Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (Tracent), cho biết các trường hợp chấp nhận làm ông chủ trên “giấy tờ”, cũng đồng nghĩa là ông chủ “bù nhìn” nhưng về mặt pháp lý lại là ông chủ thật sự nên phải chịu mọi trách nhiệm liên quan tới việc quản lý, điều hành DN.
* Chớ vội mừng…
Ông P.T. (ngụ H.Định Quán) làm nghề chạy xe ôm, không hiểu biết gì về kinh doanh nông sản. Tuy vậy, vừa rồi ông được một người ở TP.HCM (khách đi xe ôm) ngỏ lời nhờ đứng tên để người này thành lập DN chuyên thu mua nông sản trên địa bàn huyện để giúp nông dân trong vùng bán được nông sản với giá cao. Người này đề nghị ông chỉ việc đứng tên để làm thủ tục thành lập DN, còn các vấn đề khác như: vốn, mặt bằng, thủ tục, giao dịch kinh doanh thì có người khác đảm nhiệm… Đổi lại, ông P.T. được trả công 10 triệu đồng/tháng.
Vui vì tự dưng được mời đứng tên làm ông chủ mà không cần phải bỏ vốn, không mất công quản lý nên ông P.T. đi khoe với nhiều người. Người thì chúc mừng ông gặp được “quý nhân” giúp đỡ, người thì khuyến cáo ông coi chừng bị lừa. Chính vì vậy, ông P.T. cũng chột dạ, hoài nghi nên ra Điểm Tư vấn pháp luật cộng đồng H.Tân Phú (Hội Luật gia tỉnh) nhờ tư vấn.
Luật gia Lê Ánh Hồng (phụ trách Điểm Tư vấn pháp luật cộng đồng H.Tân Phú) phân tích, việc nhờ người khác đứng tên hộ để đăng ký kinh doanh là hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN nên trong Khoản 4, Điều 16, Luật DN năm 2020 có quy định nghiêm cấm thực hiện. Do đó, khi kiểm tra thủ tục đăng ký mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép phát hiện được hồ sơ kê khai không trung thực thì sẽ bị từ chối.
“Trong trường hợp lo được giấy tờ cho ông đứng tên đăng ký kinh doanh thì mọi phát sinh từ công việc kinh doanh, hoạt động của DN ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, ông phải tỉnh táo và từ chối lời đề nghị hấp dẫn này để tránh những rủi ro có thể xảy ra” - luật gia Lê Ánh Hồng bày tỏ.
* Rủi ro từ 2 phía
Trọng tài viên Phạm Đình Đức cho biết thêm, cá nhân có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam theo quy định của Luật DN năm 2020; trừ trường hợp: cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức 2010; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018…
Cũng có thể vì lý do không được phép đứng ra thành lập DN theo quy định của pháp luật mà có người nhờ người khác đứng tên để lập DN, còn mình đứng sau quản lý, điều hành là điều khó tránh khỏi. Rủi ro khi nhờ người khác đứng tên thành lập DN không chỉ xảy ra đối với người được nhờ đứng tên mà cho cả người bỏ vốn ra nhờ người khác đứng tên thành lập DN.
Trọng tài viên Phạm Đình Đức phân tích, về phía người được nhờ đứng tên thì dù là “bù nhìn” nhưng trách nhiệm mà họ gánh chịu đối với hoạt động kinh doanh của DN là thật. Chẳng hạn về rủi ro đối với các khoản nợ của DN thì người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên quan đến thẩm quyền của mình. Trong trường hợp kinh doanh thua lỗ hay có hành vi trốn thuế, lừa đảo, kinh doanh trái phép, người đứng tên với tư cách là người đại diện theo pháp luật của DN sẽ phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật.
Còn người nhờ người khác đứng tên DN rủi ro cũng không kém khi họ không có tư cách pháp lý đúng nghĩa để trực tiếp đứng ra giao dịch với khách hàng, giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan tới DN; dễ bị mất vốn; trách nhiệm liên đới khi người được nhờ có hành vi gian dối, qua mặt mình làm điều bất lợi cho DN, vi phạm pháp luật…
“Tuy nhiên, rủi ro đối với người nhờ người khác đứng tên đều được họ lường trước, có chủ động, ý đồ nên dễ dàng đẩy hết trách nhiệm cho người đứng tên. Còn người được nhờ đứng tên thì luôn thụ động, bị sai khiến hoặc chẳng biết người đứng sau mình đã làm gì. Do đó, khi được ai đề nghị đứng tên để thành lập DN với thù lao hậu hĩnh thì tốt nhất nên từ chối để tránh những rủi ro pháp lý mà mình không lường hết được” - trọng tài viên Phạm Đình Đức khuyến cáo.
Trọng tài viên PHẠM ĐÌNH ĐỨC, Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (Tracent), lưu ý, dù không hiểu về kinh doanh nhưng người được người khác nhờ đứng tên để thành lập DN cần phải biết, theo quy định, người đại diện theo pháp luật của DN phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại của DN và các vấn đề liên quan tới pháp luật. |
Đoàn Phú