Lo lắng, sốt ruột và đổ xô đưa con đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm các loại vaccine: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… đang là một thực tế xảy ra tại Đồng Nai. Hơn 4 tháng qua, nhiều trạm y tế trên địa bàn đã phải tạm dừng tiêm các loại vaccine nói trên trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì… hết vaccine.
Lo lắng, sốt ruột và đổ xô đưa con đến các điểm tiêm dịch vụ để tiêm các loại vaccine: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… đang là một thực tế xảy ra tại Đồng Nai. Hơn 4 tháng qua, nhiều trạm y tế trên địa bàn đã phải tạm dừng tiêm các loại vaccine nói trên trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì… hết vaccine.
Một phụ huynh cho con đến Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ để tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: P.Liễu |
Tại chuyên trang tiêu điểm Thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 26-9-2022 đã phản ánh rất đúng thực tế nêu trên. Nhiều ý kiến bạn đọc (BĐ) mong muốn sớm có vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia để nhiều trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa được tiêm ngừa đúng quy định, ngăn ngừa những dịch bệnh nguy hiểm.
* Ngao ngán chờ vaccine
Thời gian chờ đợi vaccine quá lâu, nhiều phụ huynh lo lắng nên đã đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ để bảo vệ con trước nguy cơ bệnh tật khi con đã tới tuổi phải tiêm vaccine.
Chị Đào Tuyết Lan (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) có con 9 tháng tuổi, trong độ tuổi phải tiêm vaccine sởi nhưng đã 3 lần đến trạm y tế phường hỏi đều được trả lời vaccine chưa về và không biết bao giờ vaccine mới về.
Lo lắng, chị đã đưa con đến Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai (TP.Biên Hòa) để tiêm vaccine sởi. Điều đáng nói là nếu chỉ có một mình con chị đăng ký tiêm liều đơn thì chị phải mua trọn lọ với giá 315 ngàn đồng/lọ (lọ vaccine này có thể tiêm cho 5 trẻ). “Cũng may mắn hôm đó nhiều người đưa con đi tiêm phòng bệnh sởi nên mỗi mũi tiêm chỉ có giá 180 ngàn đồng, đỡ được nửa tiền” - chị Lan nói.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lo lắng: “Tôi rất lo khi trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 4 ca bệnh sởi và 1 ca uốn ván. Tôi mong Bộ Y tế sớm cấp các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho các cháu đầy đủ, đúng tuổi, phòng khi dịch bệnh tái phát, trẻ em sẽ được vaccine bảo vệ”. |
Còn vợ chồng chị Vương Ý Nhi (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) đưa con trai 11 tháng tuổi đi tiêm vaccine phòng các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm màng não mủ của Bỉ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Chị Ý Nhi cho biết: “Trạm y tế không có vaccine và tôi cũng không thể đợi thêm nên tôi chủ động cho con đến bệnh viện để tiêm dịch vụ. Dù tốn tiền nhưng con tôi sẽ an toàn nếu có dịch bệnh xảy ra”.
Song không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ, nhiều người đành chờ vaccine miễn phí của chương trình. Anh Trần Thiên Tân (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, đã nhiều lần anh chở con đến trạm y tế phường tiêm vaccine sởi nhưng đều được thông báo hết vaccine. Giá tiêm vaccine dịch vụ thì nhiều tiền, gia đình khó khăn nên đành chờ vaccine theo chương trình mở rộng.
“Đọc Báo Đồng Nai thấy thông tin dự kiến tháng 10-2022 sẽ có vaccine, nhưng không biết chắc có hay không. Tính mạng và sức khỏe của trẻ em là quan trọng, các ngành chức năng cần sớm tìm giải pháp để có đủ nguồn vaccine tiêm cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng” - anh Tân đề xuất.
* Đừng để “lỗ hổng” vaccine ngày một rộng
Về những nguy cơ mà trẻ có thể mắc phải khi không được tiêm vaccine đầy đủ, kịp thời, BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào năm 2021, thực hiện phong tỏa, cách ly y tế để phòng chống lây nhiễm Covid-19, nhiều phụ huynh không đưa trẻ đi tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều khiến đề kháng của các trẻ giảm đi, bây giờ lại tiếp tục bị gián đoạn - nghĩa là tạo ra một “lỗ hổng” miễn dịch lớn thì nguy cơ dịch bệnh sẽ quay lại là khó tránh khỏi.
BS Khanh cảnh báo về bài học đau xót trong mùa dịch sởi 2 năm 2014 và 2018, chỉ vì một vài ca biến chứng sau khi tiêm vaccine sởi mà người ta đã quay lưng với vaccine này và hệ lụy là có gần 160 trẻ trong cả nước không tiêm vaccine sởi phải tử vong. Cho nên việc gián đoạn tiêm, chậm tiêm những vaccine cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng, dịch bệnh sẽ quay lại và khi trẻ mắc, đó cũng sẽ là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Đối với những bệnh nhiễm, phải đạt ít nhất từ 85-95% trẻ được tiêm chủng mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng đối với dịch bệnh đó.
Trong khi chờ đợi vaccine được phân bổ về, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, Sở đang tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm phân bổ vaccine về cho Đồng Nai để tiêm cho trẻ; đồng thời, đưa ra một số giải pháp tạm thời. Đó là chỉ đạo trung tâm y tế các huyện và thành phố yêu cầu các trạm y tế quản lý các trẻ đủ tuổi tiêm những vaccine trên để khi có vaccine về sẽ tổ chức tiêm ngay cho trẻ. Trong một số trường hợp, nếu phụ huynh quá lo lắng cho con và có nhu cầu, có điều kiện có thể tạm đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng trên địa bàn để tiêm vaccine dịch vụ.
BS Lê Quang Trung cho biết, Bộ Y tế vừa có phản hồi khoảng tháng 10, vaccine sởi; bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) và bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm màng não mủ do Hib (DPT -VGB - Hib) sẽ được phân phối về. Tuy nhiên, trong thời gian này, để bảo vệ trẻ khỏi một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao, phụ huynh nên giữ vệ sinh cho trẻ bằng việc giữ sạch môi trường sống và sinh hoạt của trẻ, hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người. Khi đến nơi đông người phải đeo khẩu trang và nhất là thường xuyên rửa tay cho trẻ để tránh một số bệnh truyền nhiễm. Khi vaccine về, các đơn vị sẽ tiến hành tổ chức tiêm cho trẻ nhanh nhất có thể.
Phương Liễu