Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp

07:09, 20/09/2022

Tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất quy định mới về phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (KCN).

Tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất quy định mới về phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (KCN).

Hiện tại, đa phần người lao động vẫn ở trọ trong những khu nhà trọ ven khu công nghiệp để tiện việc đi làm. Ảnh chụp tại một dãy nhà trọ ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Phú
Hiện tại, đa phần người lao động vẫn ở trọ trong những khu nhà trọ ven khu công nghiệp để tiện việc đi làm. Ảnh chụp tại một dãy nhà trọ ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Phú

Thông tin này được người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm và mong dự thảo sớm hoàn chỉnh để chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân trong KCN sớm đi vào cuộc sống.

* NLĐ sẽ có nhà lưu trú?

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua. Đáng chú ý, trong dự thảo này nêu rõ các quy định phát triển nhà lưu trú công nhân trong KCN (mục 3, chương VI chính sách về nhà ở xã hội). Trong đó quy định rất cụ thể về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân là công nhân, NLĐ, chuyên gia đang làm việc tại các DN trong KCN, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; doanh nghiệp (DN) sản xuất trong KCN.

Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cũng quy định điều kiện thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân; quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân; loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế nhà lưu trú công nhân…

Điều 108 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế nhà lưu trú công nhân: là nhà chung cư phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; căn hộ lưu trú phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, đây là một chính sách về nhà ở rất mới, ưu việt dành riêng cho NLĐ tại các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, chính sách này được quy định thành luật nên bắt buộc các tỉnh, DN, các khu và cụm công nghiệp phải thực hiện và NLĐ tất yếu phải được thụ hưởng. Với quy định này, NLĐ hoàn toàn có thể hy vọng về một nơi ở khang trang ở KCN trong tương lai.

“Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đưa vấn đề phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong KCN vào nhằm thể hiện đầy đủ quyền có chỗ ở của cá nhân là công nhân đang tham gia lao động trong các KCN, cụm công nghiệp có quyền lựa chọn như: nhà trọ, nhà ở xã hội hoặc nhà lưu trú. Để được thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân, theo dự thảo, NLĐ tại các KCN, cụm công nghiệp phải hội đủ điều kiện sau: có nhu cầu về chỗ ở, phải có hợp đồng lao động và xác nhận của DN sản xuất trong KCN” - luật sư Ngô Văn Định cho biết.

Riêng DN muốn phát triển nhà lưu trú cho công nhân để từ đó đáp ứng nhu cầu nhà ở cho NLĐ, theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, DN này phải đáp ứng điều kiện như: phải sản xuất trong KCN; có hợp đồng thuê mặt bằng KCN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KCN; có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng thuộc quy định tại Khoản 1, Điều 103 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc đảm bảo quyền có nơi lưu trú cho NLĐ tại các KCN, cụm công nghiệp được Khoản 1, Điều 106 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi quy định như sau: UBND cấp tỉnh phải quy hoạch, dành quỹ đất diện tích của các KCN trong danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho NLĐ làm việc trong KCN.

* Mong chính sách nhà lưu trú cho công nhân sớm thực hiện

Tỉnh Đồng Nai có hàng chục KCN, cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng trăm ngàn công nhân lao động. Do chưa có chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân trong KCN, cụm công nghiệp nên đa phần, nhất là công nhân lao động có thu nhập thấp và trung bình đều chọn các nhà trọ bình dân do người dân địa phương xây dựng để ở và thuận tiện cho việc đi lại.

Mặc dù Khoản 5, Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định, NLĐ đang làm việc tại các DN trong và ngoài KCN là đối tượng được hỗ trợ chính sách về nhà ở xã hội như: thuê, mua nhưng còn kèm nhiều điều kiện khác (phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình…) nên số NLĐ tiếp cận thuê, mua nhà ở xã hội chưa nhiều.

Xác định giá thuê nhà lưu trú công nhân

Theo dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, giá cho thuê nhà ở lưu trú công nhân được thực hiện theo quy định tại Điều 100 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi về xác định giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng và không tính các ưu đãi quy định tại Điều 98 của dự thảo luật này.

Một số ý kiến của NLĐ cho rằng, mặc dù DN cũng quan tâm và có các chính sách thu hút, giữ chân lao động như: hỗ trợ tiền thuê trọ, tổ chức xe đưa đón, hỗ trợ xăng xe, trợ cấp khó khăn… nhưng với thu nhập hiện tại và các điều kiện tại Luật Nhà ở năm 2014, NLĐ rất khó thuê, mua được nhà ở xã hội.

Bà Lê Thị Thắm (quê tỉnh Trà Vinh, tạm trú tại P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, vợ chồng bà làm công nhân tại một DN may mặc ở KCN Biên Hòa 2 trên 15 năm. Và cũng bằng ấy năm, vợ chồng bà tạm trú tại những khu nhà trọ bình dân. Với khả năng và điều kiện kinh tế hiện tại, để vợ chồng bà được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thì chẳng khác gì “nằm mơ giữa ban ngày”.

“Theo dự thảo Luật Nhà ở, điều kiện thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân khá đơn giản, chỉ cần NLĐ có nhu cầu thuê nhà ở phải có hợp đồng lao động và xác nhận của DN sản xuất trong KCN. Như vậy sẽ tạo cơ hội cho NLĐ có thể dễ dàng đăng ký ở trong các nhà lưu trú công nhân trong KCN vừa thuận lợi việc sinh hoạt và làm việc, đi lại đỡ vất vả” - bà Thắm nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở quy định khá rõ trách nhiệm, vai trò của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh và DN trong việc triển khai nhà lưu trú công nhân và các thiết chế Công đoàn tại KCN; cũng như công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân. Với quy định cụ thể này sẽ giúp các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, DN dễ dàng triển khai khi dự thảo Luật Nhà ở chính thức được thông qua, để các chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân trong KCN sớm đi vào cuộc sống.

    Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích