Hiện nay, nhiều trường học cấm học sinh xăm hình, nhuộm tóc, đánh son, đeo khuyên tai (với nam). Việc này đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Hiện nay, nhiều trường học cấm học sinh xăm hình, nhuộm tóc, đánh son, đeo khuyên tai (với nam). Việc này đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Cần giữ môi trường học đường văn hóa, nghiêm túc, lành mạnh. Trong ảnh: Các học sinh tại Trường THPT Đoàn Kết (H.Tân Phú) trong giờ ra chơi. Ảnh minh họa: Đ.Phú |
* Đa phần phụ huynh ủng hộ
Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này của các trường học vì cho rằng cần giữ môi trường học đường văn hóa, nghiêm túc và lành mạnh. Đồng thời, việc các trường ban hành nội quy cấm học sinh đánh son, xăm mình, đeo khuyên tai (với nam) cũng trong quyền hạn, quy định được cho phép.
Tại Điều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Trường THCS, Trường THPT và Trường phổ thông có nhiều cấp học quy định các hành vi học sinh không được làm như: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng… Thông tư này không đưa các hành vi: nhuộm tóc, đeo khuyên tai, xăm hình… của học sinh vào nhóm các hành vi bị cấm.
Tuy nhiên, tại Công văn 282/BGDĐT-CTHSSV ngày 25-1-2017 của Bộ GD-ĐT về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học gửi các sở GD-ĐT; các đại học, học viện, các trường đại học; cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm thì các trường được phép xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho đơn vị mình. Do đó, các trường cụ thể hóa quy định của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn 282/BGDĐT-CTHSSV như vậy là phù hợp với việc: bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách học sinh; chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận; phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường, ngành Giáo dục; đảm bảo tính dân chủ và nhân văn.
Bà N.T.N. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bày tỏ, bà đồng thuận với việc trường học ban hành quy định đầu năm cho tất cả phụ huynh và học sinh biết hành vi nhuộm tóc (đối với học sinh nữ và nam), đeo khuyên tai (đối với nam), trang điểm làm đẹp như: đánh son, đánh kem phấn, sơn móng tay (đối với học sinh nữ) là không phù hợp với môi trường học đường nên bị cấm. Do đó, các học sinh không được vi phạm, một khi vi phạm sẽ bị kỷ luật theo quy định của ngành Giáo dục như: nhắc nhở; khiển trách trước lớp, trường; cảnh cáo trước lớp, trường…
* Cần quy định rõ ràng hơn về chế tài xử lý
Tuy vậy, hiện cũng có một vài quan điểm không đồng tình với nội quy cấm học sinh nhuộm tóc, đeo khuyên tai (với nam), đánh son hoặc xăm hình… vì cho rằng, quyền làm đẹp là quyền của công dân, học sinh cũng là công dân sao mất quyền này?
Theo Công văn 282/BGDĐT-CTHSSV ngày 25-1-2017 của Bộ GD-ĐT về đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học thì bộ quy tắc ứng xử các trường học xây dựng phải tuân thủ yêu cầu sau: phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Thể hiện được mối quan hệ nhân văn và thân thiện giữa con người với con người (thầy - thầy, thầy - trò, thầy - phụ huynh, trò - trò, trò - phụ huynh) và quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan.... |
Trao đổi về nội dung này, nguyên phó hiệu trưởng của một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa bày tỏ, do điều kiện kinh tế phát triển, lẫn sự quan tâm của gia đình, bản thân nên nhiều học sinh trong độ tuổi THCS, THPT đã biết làm đẹp. Cho nên, quan điểm về việc học sinh làm đẹp giờ phải khác thời xưa. Tuy vậy, dù phụ huynh, học sinh, nhà trường có nhìn nhận thoáng cỡ nào đi nữa thì cũng không được lệch lạc, đánh đồng giữa môi trường học đường với xã hội. Tốt nhất nhà trường nên cụ thể ra từng nhóm vấn đề làm đẹp đối với nam sinh và nữ sinh theo quan điểm của trường mình. Rồi lấy ý kiến phụ huynh, học sinh và thống nhất ban hành. Như vậy, rất dễ xử lý vấn đề học sinh làm đẹp “vượt rào” khi đi học.
Đồng quan điểm này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, vấn đề học sinh làm đẹp, xăm hình, nhuộm tóc, đeo khuyên tai trong học đường dù gặp rào cản từ quy định của trường học nhưng vẫn âm thầm diễn ra trong học sinh và khi xử lý vi phạm không ít trường lúng túng do không ban hành quy định, chế tài rõ ràng. Nhất là một số trường coi các hành vi này như những điều học sinh không được làm tại Điều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định nên căn cứ vào Khoản 2, Điều 38 của thông tư này (nhắc nhở, khiển trách, thông báo với cha mẹ, tạm dừng học có thời hạn…) xử lý là chưa phù hợp.
“Theo tôi, các trường nên quy định rõ hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh biết màu tóc nhuộm ra sao mới phù hợp, nhuộm không phù hợp; sơn móng tay ra sao sẽ phù hợp hoặc không phù hợp; khi hình xăm bị lộ như thế nào so với đồng phục đi học thì mới gọi là vi phạm… Nhất là phải quy định chế tài riêng với dạng vi phạm này để xử lý kỷ luật cho phù hợp, tránh áp dụng chế tài không đúng, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh” - luật sư Ngô Văn Định đề xuất. .
Đoàn Phú