Hiện nay, việc tổ chức đám cưới nhỏ gọn, tiết kiệm nhưng thân mật và ấm cúng đang là lựa chọn của nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ. Đây cũng là xu thế phù hợp với thực tiễn cuộc sống, khi dịch bệnh Covid-19 đang tăng trở lại.
Hiện nay, việc tổ chức đám cưới nhỏ gọn, tiết kiệm nhưng thân mật và ấm cúng đang là lựa chọn của nhiều gia đình, nhiều bạn trẻ. Đây cũng là xu thế phù hợp với thực tiễn cuộc sống, khi dịch bệnh Covid-19 đang tăng trở lại.
Nhiều cặp đôi tổ chức đám cưới bằng một bữa tiệc nhỏ thân mật, ấm cúng với người thân, bạn bè tại một địa điểm ngoài trời. Ảnh: P.Liễu |
* Tiết kiệm và bớt áp lực
Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch bệnh, tháng 8-2022, đám cưới của chị Nguyễn Quỳnh Thu Yên (ngụ tại P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) mới chính thức được tổ chức. Là một người trẻ, làm việc trong môi trường có nhiều người nước ngoài tại Q.3 (TP.HCM) nên chị cũng quen lối sống hiện đại, năng động và thực tế. Vì thế, lên kế hoạch đám cưới cho mình, chị cũng muốn tổ chức gọn nhẹ, thân mật.
Chị Thu Yên cho hay, khi bàn chuyện cưới xin với cha mẹ, chị chỉ muốn mời tổng cộng tầm 100-150 khách bao gồm: họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp nhưng bị cha mẹ phản đối, bởi họ hàng đông, mời người này không mời người kia thì ngại trách móc. Hơn nữa, nhà chỉ có mỗi chị là con gái, điều kiện gia đình cũng tương đối nên cha mẹ chị muốn tổ chức đám cưới cho con gái phải thật hoành tráng… Song, chị Yên đã thuyết phục gia đình nên rút kinh nghiệm từ đám cưới anh trai 3 năm trước, khách mời thật đông nhưng lại đi quá ít do bị trùng đám, cỗ bàn ế ẩm, tiền tiệc vẫn phải thanh toán nhưng đồ ăn thừa mứa..., vừa lãng phí lại mệt mỏi.
Chị Yên chia sẻ: “Muốn tổ chức đám cưới gọn nên ngoài những họ hàng ruột thịt, tôi chỉ mời một số bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Trang phục tôi cũng chỉ thuê 1 bộ áo dài và 2 váy cưới, bữa tiệc đặt vừa đủ ăn. Do phạm vi nhỏ gọn nên trong tiệc cưới, vợ chồng tôi mới có thời gian chào hỏi, trò chuyện với khách đến dự tiệc. Sau đám cưới, vợ chồng tôi đỡ phải lo lắng về tiền bạc, lại để dành nguồn lực thực hiện những ước mơ của mình”.
Tại Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 25-11-2005) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng đã nêu rõ: Việc cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ; trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; không ăn uống kéo dài nhiều ngày và phải có giấy chứng nhận kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. |
Trước đây, một đám cưới truyền thống phải có nhiều lễ nghi (đám nói, đám hỏi, đám cưới), thì nay nhiều gia đình, bạn trẻ đã kết hợp lại và chỉ thực hiện những nghi thức cần thiết, không câu nệ nghi lễ rườm rà, tốn kém.
Còn 2 tháng nữa là đến đám cưới của con trai, bà Nguyễn Thị Phương (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, vì hoàn cảnh hai bên gia đình đều khó khăn nên thống nhất đám cưới con tổ chức gọn nhẹ; sính lễ, quà cưới lo được đến đâu thì trao đổi thẳng thắn với nhau để đôi bên khỏi áp lực, mà đôi trẻ cũng không lo gánh nợ sau cưới.
Ông Nguyễn Minh Trí (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đang chuẩn bị đám cưới của con trai, ông cũng chỉ mời những người bạn thân quý. Ông nói: “Đặt mình vào hoàn cảnh người được mời, không đi thì ngại mà đi thì tốn kém, trong khi mối quan hệ không quá thân thiết. Cũng thế, trước đây lễ nghi, sính lễ phải đủ nên rất tốn kém…, giờ thì hai họ tập trung lại làm một tiệc cưới cho thuận tiện. Vấn đề chính là các con của tôi sống với nhau hạnh phúc”.
Qua trao đổi với nhiều bạn trẻ, phần lớn cho rằng, họ tự tay lo đám cưới cho mình nên thích thực tế, trên tinh thần tiết kiệm nhưng vẫn ấm áp, vui vẻ. Một trong những lý do thuyết phục nhất của nhiều bạn trẻ là họ không muốn chi tiêu quá nhiều tiền cho các mục không thực sự cần thiết trong đám cưới của mình, mà muốn dành tiền đi du lịch trăng mật hay chuẩn bị cho những dự định trong tương lai như: mua sắm tiện nghi, mua nhà, sinh con…
* Phù hợp với thực tế và truyền thống
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, những năm qua, việc cưới hỏi trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực theo hướng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm như: không mời khách tràn lan, không tổ chức ăn uống nhiều ngày; giữ được nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục trong trang phục cũng như quá trình lễ cưới diễn ra. Thậm chí có những đám cưới tập thể giúp các bạn trẻ có được ngày vui mà không tốn kém nhiều.
Theo bà Mộng Bình, làm được điều này là nhờ có sự đồng thuận và nhận thức sâu sắc của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đến các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, ngành cũng đánh giá cao các hình thức tuyên truyền sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần làm lành mạnh hóa việc cưới hỏi theo hướng văn minh, tiết kiệm, an toàn của Đoàn Thanh niên cũng như một số đoàn thể khác.
“Trong thời gian tới, ngành VH-TTDL sẽ tiếp tục tuyên truyền về vấn đề cưới hỏi văn minh, văn hóa, tiết kiệm với nội dung và hình thức phong phú để làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, tạo sự đồng thuận về việc thực hiện quy ước văn hóa cưới hỏi, gắn với thực tiễn cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, đồng thời bảo đảm an toàn cho hai họ, khách mời và cộng đồng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp” - bà Mộng Bình cho biết.
Phương Liễu