Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng diễn biến phức tạp, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Do đó, việc xử lý tội phạm dưới 18 tuổi vừa mang tính răn đe, giáo dục, vừa giúp các em nhận ra lỗi lầm để sửa chữa, khắc phục luôn được các ngành chức năng quan tâm.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng diễn biến phức tạp, độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Do đó, việc xử lý tội phạm dưới 18 tuổi vừa mang tính răn đe, giáo dục, vừa giúp các em nhận ra lỗi lầm để sửa chữa, khắc phục luôn được các ngành chức năng quan tâm.
Vụ 2 nhóm thanh, thiếu niên hỗn chiến bằng “bom xăng” vào rạng sáng 15-5 trên đường Phạm Văn Thuận (thuộc P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) được người dân ghi lại. Ảnh cắt từ clip |
Tại buổi tọa đàm về “Áp dụng và thi hành luật hình sự, tố tụng hình sự đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật” do Hội Luật gia tỉnh tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề hình phạt trong xử lý mà nên chú trọng công tác giáo dục, hướng thiện là chính.
* Người dưới 18 tuổi phạm tội
Theo Viện KSND tỉnh, từ ngày 1-1-2018 đến ngày 30-6-2022, Viện KSND tỉnh đã giải quyết 602 vụ án (2.092 bị can) có người dưới 18 tuổi tham gia thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, có 87 vụ án (305 bị can) có người từ 14-16 tuổi tham gia thực hiện hành vi phạm tội và 515 vụ án (1.788 bị can) có người từ 16 đến dưới 18 tuổi tham gia thực hiện hành vi phạm tội.
Còn theo thống kê của Công an tỉnh, từ năm 2020 đến quý I-2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 234 vụ vi phạm pháp luật do 457 người dưới 18 tuổi thực hiện. Năm 2021 giảm 55 vụ, 73 người dưới 18 tuổi phạm tội so với năm 2020 và quý I-2022 tăng 4 vụ, 7 người dưới 18 tuổi phạm tội so với quý I-2021.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Công an tỉnh đánh giá, đa phần các vụ vi phạm pháp luật ở người dưới 18 tuổi thường tập trung ở các tội danh: cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, gây rối trật tự công cộng và các tội liên quan tới ma túy… với hành vi, thủ đoạn ngày càng manh động, liều lĩnh. Đặc biệt, nhiều vụ án có người phạm tội dưới 18 tuổi thực hiện hoặc tham gia thể hiện bản chất côn đồ, lối sống đua đòi, thực dụng.
Điển hình như vụ hỗn chiến bằng “bom xăng” xảy ra trên tuyến đường Phạm Văn Thuận (thuộc P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vào tối 15-5. Theo xác minh của cơ quan công an, nhóm tham gia hỗn chiến có độ tuổi từ 16-19. Nguyên nhân mâu thuẫn của các thanh, thiếu niên này là do ghen tuông, thách đố nhau trên mạng xã hội, hẹn nhau “nói chuyện” rồi ẩu đả bằng hung khí, ‘bom xăng”, súng bắn đạn cao su.
Chính vì vậy, tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, việc ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng trẻ hóa tội phạm góp phần bảo vệ thanh, thiếu niên trước những mặt trái của xã hội là trách nhiệm không của riêng cơ quan tố tụng mà đòi hỏi toàn xã hội cùng chung tay, nhất là vai trò của phụ huynh, nhà trường, tổ chức đoàn thể.
* Xử lý nhằm mục đích giáo dục
Người dưới 18 tuổi nhận thức, ý thức chưa hoàn thiện nên trách nhiệm gánh chịu hậu quả với pháp luật sẽ khác với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội. Chẳng hạn, nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội (được quy định tại Khoản 1, Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015); người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015; không xử phạt chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội…
Tại buổi tọa đàm, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử phải xác định độ tuổi của người phạm tội. Tuổi càng ít thì khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội càng hạn chế; ngay đối với người cùng độ tuổi, không phải người nào cũng có khả năng nhận thức như nhau, người ở thành phố nhận thức khác người ở vùng sâu, vùng xa, người có trình độ văn hóa cao nhận thức khác người có trình độ văn hóa thấp…
“Cho nên ngoài chính sách khoan hồng chung, pháp luật về hình sự còn có chính sách khoan hồng riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như: miễn truy cứu, áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội, hưởng án treo, không đặt nặng về hình phạt tù giam…” - luật sư Nguyễn Đức bày tỏ.
Đồng quan điểm, thẩm phán Phan Thị Thu Hương (TAND tỉnh) bày tỏ, người dưới 18 tuổi do chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, nhận thức hành vi, tâm lý chưa ổn định, thích thể hiện bản thân, hiếu thắng, hành động theo cảm tính… nên dễ phát sinh hành động bộc phát, bị kích động, xúi giục. Khi phạm tội, đa phần đều có suy nghĩ hối hận, tâm lý sợ hãi, tổn thương tinh thần. Chính vì vậy, pháp luật về tố tụng hình sự có quy định riêng về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như: tố tụng thân thiện, phải có người giám hộ và luật sư trong các giai đoạn tố tụng…
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU bày tỏ, việc bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội phải phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa hiện có của Việt Nam. Sự phù hợp này thể hiện trên cả 2 phương diện xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. |
Đoàn Phú