Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung được Quốc hội bàn nhiều là vấn đề tăng lương cơ bản từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho công chức, viên chức (CCVC). Nội dung này được đông đảo cán bộ, CCVC quan tâm.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung được Quốc hội bàn nhiều là vấn đề tăng lương cơ bản từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho công chức, viên chức (CCVC). Nội dung này được đông đảo cán bộ, CCVC quan tâm.
Công việc nhiều, áp lực cao nhưng thu nhập của nhân viên y tế các cơ sở y tế công lập rất thấp, khiến nhiều người xin nghỉ việc. Trong ảnh: Bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang khám cấp cứu một bệnh nhân. Ảnh: P.Liễu |
Nhiều ý kiến đề nghị nên tăng lương từ ngày 1-1-2023 thay vì phải đợi đến ngày 1-7-2023, vì đã gần 4 năm qua lương cơ bản không tăng khiến đời sống CCVC gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều người bỏ việc.
* Càng chậm tăng lương, càng bỏ việc nhiều
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 25-10, chỉ trong 18 tháng (tính từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-6-2022), cả nước đã có gần 40 ngàn cán bộ, CCVC nghỉ việc, thôi việc, tập trung nhiều nhất ở 2 lĩnh vực giáo dục và y tế.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1-7-2019, từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Và từ đó đến nay, trượt giá cũng đã tăng khá cao, trong khi mức lương - vốn chỉ tăng 6% - chựng lại không tăng nữa. Nghĩa là gần 4 năm nay, tiền lương thực tế của CCVC bị giảm sút trong khi thời giá đã tăng rất nhiều khiến CCVC phải sống rất chật vật.
Theo nhận định của Bộ trưởng Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 25-10-2022, gần 4 năm không tăng lương cơ sở đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của đội ngũ cán bộ, CCVC. Vì vậy, càng chậm tăng lương, nguy cơ số cán bộ, CCVC bỏ việc càng lớn. |
Trước thông tin từ các cuộc họp Quốc hội về đề xuất tăng lương từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng và tăng chi trả cho một số đối tượng như: người hưởng lương hưu; trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo; đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp và người có công và các chính sách khác gắn với lương cơ sở…, nhiều cán bộ, CCVC và những người nghỉ hưu tỏ ra phấn khởi.
Bà Trần Thị Thành, một giáo viên về hưu (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi rất vui khi Chính phủ đề xuất Quốc hội việc tăng lương cơ sở và mức tăng lần này là khá cao (20,8%) so với trước chỉ 6%. Tôi cũng mong Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt, bắt đầu ngay từ ngày 1-1-2023 thay vì chờ tới tận ngày 1-7-2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng...”.
* Tăng lương sẽ hạn chế tình trạng CCVC bỏ việc
Làn sóng cán bộ, CCVC bỏ việc đang có xu hướng gia tăng. Chia sẻ trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022 của tỉnh diễn ra ngày 5-8, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-6-2022, toàn tỉnh đã có hơn 2,3 ngàn cán bộ, CCVC nghỉ việc. Trong đó, ngành Giáo dục có hơn 1,2 ngàn giáo viên nghỉ việc; y tế có gần 1 ngàn nhân viên nghỉ việc và khoảng 130 công chức cấp huyện, xã nghỉ việc. Nguyên nhân cốt lõi chủ yếu là áp lực công việc nặng nề, lương không đủ sống.
Riêng đối với ngành Y tế, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Lê Quang Trung cho biết, từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-9-2022, có hơn 1 ngàn nhân viên y tế xin nghỉ việc. Trong đó chỉ riêng 9 tháng của năm 2022, tổng số cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc lên tới 540 người, trong đó có 155 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên các bộ phận khác. Nguyên nhân vẫn là công việc cường độ cao, áp lực kéo dài và thu nhập thấp, không bảo đảm đời sống cho bản thân và gia đình.
Công việc nhiều, áp lực cao nhưng thu nhập của nhân viên y tế các cơ sở y tế công lập rất thấp, khiến nhiều người xin nghỉ việc. Trong ảnh: Nhân viên y tế một bệnh viện công lập ở TP.Biên Hòa trong giờ làm việc. Ảnh: Việt Anh |
Chị Phạm Thị Hương Sen, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, áp lực công việc của nhân viên y tế nói chung và những người làm công tác xét nghiệm nói riêng rất cao. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhân viên y tế quá vất vả nhưng thu nhập quá thấp, không đủ trang trải những nhu cầu thiết yếu hằng ngày, nói chi đến tiết kiệm.
“Bản thân tôi ngoài giờ làm việc phải làm thêm bánh bao bỏ mối để có thêm thu nhập nuôi con học hành. Nay nghe thông tin chuẩn bị được tăng lương, thực tế mức tăng không phải quá nhiều, nhưng trong tình hình khó khăn, được đồng nào hay đồng ấy và hy vọng được tăng ngay từ ngày 1-1-2023 để chúng tôi phấn khởi làm việc khi bước sang năm mới” - chị Sen cho biết.
Còn chị Phan Thị Hằng, công chức ngành Văn hóa của một phường ở TP.Biên Hòa đã gặp rất nhiều khó khăn khi vợ chồng cùng là công chức nhà nước. Nhiều năm qua, tổng thu nhập vợ chồng chị Hằng chỉ trên dưới 10 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải khi phải thuê nhà, nuôi 2 con nhỏ và còn trách nhiệm với cha mẹ già ở quê. Gần 4 năm không được tăng lương, thiếu thốn đủ bề, tháng 6-2022, chị Hằng đã nghỉ việc tìm việc mới có thu nhập tốt hơn.
“Từ khi xoay sang nghề kinh doanh thực phẩm online, tuy vất vả nhưng cuộc sống đỡ hơn trước rất nhiều” - chị Hằng chia sẻ.
Trước làn sóng nghỉ việc, thôi việc của giới cán bộ, CCVC, đặc biệt là giáo viên, nhân viên y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh. Đó là những ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục, sức khỏe và tính mạng người dân. Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét tăng lương cơ sở cho cán bộ CCVC từ ngày 1-1-2023. Trong thời gian chờ đợi, các cơ quan, ban, ngành cần xem xét, hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ CCVC có hoàn cảnh kinh tế khó khăn thuộc thẩm quyền cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý để họ có điều kiện gắn bó với công việc như tinh thần của Văn bản số 10594 của UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố nỗ lực khắc phục tình trạng cán bộ CCVC nghỉ việc, thôi việc.
Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa VÕ VĂN MINH: Tăng lương là niềm vui của nhiều giáo viên
Hiện toàn thành phố có gần 7 ngàn cán bộ, viên chức ngành Giáo dục đang tham gia quản lý, giảng dạy tại các trường học trên địa bàn. Đây là lực lượng viên chức đông nhất của một ngành, lĩnh vực thuộc UBND thành phố hưởng lương Nhà nước. Công việc đặc thù của giáo viên là tập trung giảng dạy nên không còn thời gian làm thêm để tăng thu nhập. Với một giáo viên mới đi dạy, lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi lương giáo viên có thâm niên trên 10 năm cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng là quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Do đó, việc đề xuất tăng lương là niềm vui đối với đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục.
Bà PHẠM THỊ NAM, giáo viên Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa): Lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống
Tôi và các đồng nghiệp cảm thấy rất vui mừng khi biết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đưa vấn đề tăng mức lương cơ bản ra thảo luận xem xét nâng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Bởi hiện nay, mức lương giáo viên rất thấp, chỉ 3-5 triệu đồng/tháng nên rất khó trang trải cuộc sống gia đình. Nếu được nâng lương cơ sở theo đề xuất thì sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho giáo viên, tạo động lực để giáo viên an tâm công tác giảng dạy.
Anh NGUYỄN THÀNH HƯNG, công chức UBND P.Trảng Dài (UBND TP.Biên Hòa): Cần có biện pháp kiểm soát giá cả khi tăng lương
Công tác đã gần 17 năm nhưng đến nay lương tháng của tôi cũng chỉ khoảng 6 triệu đồng. Khi biết thông tin Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét tăng lương cơ bản lần này tôi rất phấn khởi. Với hệ số lương hiện nay thì đời sống của công chức rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Tôi rất mong Quốc hội xem xét tăng mức lương tối thiểu càng sớm càng tốt để cán bộ, CCVC đủ trang trải cuộc sống, an tâm công tác. Nếu kỳ họp Quốc hội lần này thông qua nghị quyết về việc tăng mức lương cơ bản lên 1,8 triệu đồng thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có biện pháp kiểm soát giá cả để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa nâng cao đời sống của những đối tượng được tăng lương.
Khắc Thiết (ghi)
Phương Liễu