Báo Đồng Nai điện tử
En

Hút thuốc lá: Tốn kém và nhiều bệnh tật

07:11, 29/11/2022

Trong khuôn khổ hội thảo về Thực trạng sử dụng thuốc lá và tình hình triển khai các chính sách về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các tỉnh phía Nam do Bộ TT-TT và Bộ Y tế tổ chức vào ngày 25-11 tại TP.HCM, ThS NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay:

Trong khuôn khổ hội thảo về Thực trạng sử dụng thuốc lá và tình hình triển khai các chính sách về phòng, chống tác hại thuốc lá tại các tỉnh phía Nam do Bộ TT-TT và Bộ Y tế tổ chức vào ngày 25-11 tại TP.HCM, ThS NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay:

hS NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)
ThS NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)

- Thuốc lá gây hại cho con người, không chỉ với người hút mà còn cả với những người xung quanh. Chưa kể thuốc lá còn là tác nhân làm nghèo kinh tế gia đình, làm nghèo kinh tế đất nước khi tiền mua thuốc lá và điều trị những bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá cao gấp nhiều lần lợi nhuận từ thuốc lá đem lại.

* Bà nhận định thế nào về tình trạng hút thuốc lá ở Việt Nam hiện nay?

- Một khảo sát của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thực hiện năm 2020 cho thấy, ước tính số người Việt Nam đang hút thuốc lá (từ 15 tuổi trở lên) tại Việt Nam hiện vào khoảng 15,4 triệu; trong đó, nam giới là 14,8 triệu người và nữ giới hơn 603 ngàn người. Tỷ lệ người hút thuốc lá điện tử năm 2020 nói chung cũng tăng 18 lần so với 5 năm trước đó. Đặc biệt, không chỉ tỷ lệ nam giới hút thuốc lá điện tử tăng cao mà nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng lên gấp 10 lần so với 5 năm trước đó.

* Hút thuốc lá tác hại như thế nào đến sức khỏe người hút và người hút thuốc lá thụ động?

- Có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá và hút thuốc lá thụ động. Trong đó, một số bệnh như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Đặc biệt, thống kê từ Bệnh viện K Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi ở người có hút thuốc lá chiếm 96,8% trong tổng số ca ung thư phổi nói chung.

Còn nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, số này sẽ tăng lên 70 ngàn người, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá không được thực hiện hiệu quả.

Theo khảo sát của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thực hiện năm 2020, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhiều nhất là trong các quán bar, quán cà phê (từ 78-86%). Điều đáng nói là số người hút thuốc lá nhiều nhất lại rơi vào đối tượng người nghèo và người nghèo nhất chiếm 24-25,5%, trong khi người giàu và người giàu nhất chỉ là 20,4 và 17,9%.

* Theo bà, những gánh nặng từ thuốc lá mang lại là gì?

- Có nhiều gánh nặng do thuốc lá mang lại, nhưng 2 gánh nặng chính đó là kinh tế và chi phí điều trị các bệnh tật có nguyên nhân từ thuốc lá.

Trước hết là gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá: mỗi năm những người hút thuốc lá ở Việt Nam đã “đốt” khoảng 49 ngàn tỷ đồng cho việc mua và hút thuốc lá, số này gấp đôi lợi nhuận kinh tế do sản xuất, kinh doanh thuốc lá mang lại.

Gánh nặng về chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra chiếm khoảng 1% GDP của Việt Nam, tương đương khoảng 67 ngàn tỷ đồng/năm.

 Thuốc lá đem đến tốn kém và nhiều bệnh tật. Vậy công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam gặp những khó khăn gì, thưa bà?

- Thực tế vẫn còn nhiều người hút thuốc lá, bởi ở Việt Nam thuốc lá rất dễ mua. Người ta có thể mua thuốc lá ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào, thậm chí là trẻ em vẫn mua được thuốc lá.

Đặc biệt, thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp nên giá bán thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tính trên giá bán lẻ, mức thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ chiếm 38,9%, trong khi ở những nước khác như: Thái Lan là 78,8%, Phillipines 71,3% và Singapore là 67,5%...

Một bệnh nhân lao (có hút thuốc lá) đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai
Một bệnh nhân lao (có hút thuốc lá) đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai

Chính vì thế, giá thuốc lá ở Việt Nam rất rẻ, số người hút thuốc không thấy đó là rào cản, từ đó hình thành thói quen hút thuốc lá. Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam cần ở mức từ 60-80% giá bán lẻ thuốc lá.

Ngoài ra, phải nói đến những hạn chế về nhận thức của người dân về tác hại của hút thuốc lá, những lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá; thiếu chính sách khuyến khích các cơ sở y tế triển khai tư vấn và điều trị cai nghiện thuốc lá, cũng như thiếu các loại thuốc thiết yếu trong điều trị nghiện thuốc lá; kinh phí triển khai hoạt động tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá còn rất hạn chế. Vấn đề xử phạt các vi phạm liên quan đến thuốc lá chưa được quan tâm. Hiện có đến 99% các điểm bán lẻ thuốc lá đang vi phạm quy định về trưng bày thuốc lá nhưng không được các cơ quan chức năng xử phạt.

* Các giải pháp hướng đến giảm khói thuốc để bảo vệ sức khỏe người dân là gì, thưa bà?

- Hiện nay, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đang phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc xây dựng các chính sách, các giải pháp và triển khai nhiều hoạt động hướng đến giảm khói thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, cũng là để hạn chế các khoản chi tiêu lớn cho việc mua thuốc lá và chữa những bệnh liên quan đến thuốc lá, xây dựng môi trường trong lành, không có khói thuốc lá.

Bộ Y tế đang cùng với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung vào một số chính sách hướng đến giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như: tăng thuế thuốc lá; cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc và truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá…

Trong đó, chúng tôi tập trung đặc biệt cho công tác truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của bệnh tật đối với bản thân người sử dụng và gây hại cho cả người xung quanh do phải hút thuốc lá thụ động; những tốn kém kinh tế gia đình khi hằng năm phải chi một khoản lớn để mua thuốc lá, để chữa bệnh do tác hại của thuốc lá gây ra trong khi khoản kinh tế này có thể dùng được vào việc khác ích lợi hơn cho bản thân và gia đình.

* Xin cảm ơn bà!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều