Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm sắp có hiệu lực

07:11, 04/11/2022

Từ ngày 1-1-2023 Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) năm 2022 chính thức có hiệu lực, trong đó có rất nhiều điểm mới so với Luật KDBH năm 2000.

Từ ngày 1-1-2023 Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) năm 2022 chính thức có hiệu lực, trong đó có rất nhiều điểm mới so với Luật KDBH năm 2000.

Nhân viên của một công ty bảo hiểm nhân thọ tư vấn hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng. Ảnh minh họa: C.T.V
Nhân viên của một công ty bảo hiểm nhân thọ tư vấn hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng. Ảnh minh họa: C.T.V

Đáng chú ý, Luật KDBH năm 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2015 và dễ áp dụng trên thực tế hơn.

* Bắt buộc phải giao kết bằng hợp đồng

Điều 18 Luật KDBH năm 2022 quy định hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại Điều 16 Luật KDBH năm 2022 bắt buộc các bên giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc như: nguyên tắc trung thực tuyệt đối; nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm; nguyên tắc thế quyền; nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên.

Bên cạnh đó, Điều 17 Luật KDBH năm 2022 còn quy định thêm, hợp đồng bảo hiểm mà 2 bên giao kết phải có những nội dung chủ yếu sau: số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm; phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm; phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm; phương thức giải quyết tranh chấp...

Theo luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh), luật quy định như vậy nhằm mục đích bảo vệ khách hàng (người mua bảo hiểm) và thuận lợi trong giải quyết tranh chấp giữa các bên. Nhất là việc phòng tránh các đơn vị cung cấp, môi giới bảo hiểm cho khách hàng đưa ra những quy định không rõ ràng, hiểu không đúng về hợp đồng, các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng bất lợi cho khách hàng để chối bỏ trách nhiệm gây ảnh hưởng tới khách hàng.

“Một trong những quy định mới đáng chú ý của Luật KDBH năm 2022 là tại Điều 24 có quy định trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm” - luật sư Cao Sơn Hà bày tỏ.

* Tăng quyền hạn của Bộ Tài chính

Tại Điều 151 Luật KDBH năm 2022 quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động KDBH. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động KDBH và có các nhiệm vụ, quyền hạn như: ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động KDBH, xây dựng chiến lược, đề án và chính sách phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam; giám sát, thanh tra các hoạt động bảo hiểm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính về hoạt động KDBH…

Chính vì vậy, tại Điều 152 Luật KDBH năm 2022 trao quyền cho Bộ Tài chính trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành khác và tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động KDBH. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai liên kết, hợp tác giữa hoạt động KDBH và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Nhà nước thực hiện.

Đồng thời, Luật KDBH năm 2022 cũng quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm, quyền hạn cung cấp thông tin trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về hoạt động KDBH theo yêu cầu các cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý, người kiểm soát, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm giải thích và cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra hoạt động KDBH cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu đó hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan nội dung thanh tra, kiểm tra…

“Đây là những vấn đề và nội dung rất mới mà Luật KDBH năm 2022 lần này sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình KDBH hiện nay và hội nhập mà Luật KDBH năm 2000 chưa có quy định hoặc quy định chưa rõ” - luật sư Cao Sơn Hà bộc bạch.

Khoản 4, Điều 9 Luật KDBH năm 2022 nghiêm cấm các hành vi gian lận trong hoạt động KDBH như: thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm…

Đoàn Phú

Tin xem nhiều