Những ngày cuối năm, vấn đề quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa) rất được dư luận quan tâm. Trong dịp Tết Quý Mão 2023, nhiều người thắc mắc về việc được phép sử dụng loại pháo hoa nào và sử dụng trong trường hợp nào để không vi phạm pháp luật.
Những ngày cuối năm, vấn đề quản lý, sử dụng pháo (pháo nổ, pháo hoa) rất được dư luận quan tâm. Trong dịp Tết Quý Mão 2023, nhiều người thắc mắc về việc được phép sử dụng loại pháo hoa nào và sử dụng trong trường hợp nào để không vi phạm pháp luật.
2 đối tượng tàng trữ pháo trái phép bị Công an H.Định Quán tạm giữ. Ảnh: Huyền Anh |
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27 -11-2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt Nghị định 137) có hiệu lực từ ngày 11-1-2021 nhưng mỗi dịp Tết đến vẫn có người vi phạm quy định về việc đốt pháo.
* Chỉ được sử dụng pháo hoa
Theo Nghị định 137, pháo có 2 loại là pháo nổ và pháo hoa. Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Trong khi đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Luật sư Nguyễn Đức phân tích, theo Điều 17 Nghị định 137, việc cá nhân sử dụng pháo hoa được xem là hợp pháp thì phải hội đủ 3 điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (tức người đủ 18 tuổi trở lên, không bị khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi, không bị hạn chế hoặc không mất năng lực hành vi dân sự). Chỉ được sử dụng trong các trường hợp: lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Mua pháo hoa tại nơi bán phải thuộc các tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng được cấp phép sản xuất, kinh doanh.
“Điều này đồng nghĩa với việc người dân không được sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ trong bất cứ trường hợp nào. Người dưới 18 tuổi, trẻ em, người bị bệnh tâm thần không được sử dụng pháo hoa. Người dân cũng không được sử dụng tất cả các loại pháo không đúng mục đích, không rõ nguồn gốc, nhập lậu” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
* Chế tài hành chính, hình sự
Điều 5 Nghị định 137 nghiêm cấm hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại nghị định này.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng công an toàn tỉnh phát hiện 115 vụ, 121 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng pháo (trong đó có 9 vụ, 14 đối tượng mua bán trái phép; 79 vụ, 79 đối tượng sử dụng trái phép; 24 vụ, 25 đối tượng tàng trữ trái phép; 3 vụ, 3 đối tượng vận chuyển trái phép. Công an tỉnh đã khởi tố 13 vụ, 19 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép. |
Nghị định 137 cũng nghiêm cấm tất cả các hành vi như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo. Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ. Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường. Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo. Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức…
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, do những hành vi trên bị cấm nên người dân cần phải nhận thức đúng, đầy đủ, cụ thể để tránh vi phạm. Một khi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ, hành vi, hậu quả sẽ bị chế tài hành chính hay hình sự.
Cụ thể, tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) quy định: phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau: làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo; che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại pháo; giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 và Khoản 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.
Về trách nhiệm hình sự, cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, tại Khoản 1, Điều 190 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều: 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của bộ luật này thì bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm: sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg. Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1, Điều 190 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 190 hoặc tại một trong các điều: 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Đoàn Phú