Báo Đồng Nai điện tử
En

Thuốc lá điện tử độc hại như thuốc lá truyền thống

07:12, 13/12/2022

Ngoài thuốc lá điếu truyền thống, trên thị trường đang lưu hành nhiều loại thuốc lá thế hệ mới như: thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN). Những loại thuốc lá này được quảng bá ít gây độc hại, thậm chí không độc hại, nhưng theo ThS - BS NGUYỄN TUẤN LÂM (ảnh), chuyên gia phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam:

Ngoài thuốc lá điếu truyền thống, trên thị trường đang lưu hành nhiều loại thuốc lá thế hệ mới như: thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN). Những loại thuốc lá này được quảng bá ít gây độc hại, thậm chí không độc hại, nhưng theo ThS - BS NGUYỄN TUẤN LÂM (ảnh), chuyên gia phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam:

ThS - BS Nguyễn Tuấn Lâm
ThS - BS Nguyễn Tuấn Lâm

- Thuốc lá thế hệ mới độc hại hơn mọi người nghĩ. Thực tế đã có không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não, suy đa tạng có nguyên nhân từ ngộ độc một chất ma túy mới có trong TLĐT.

Thời gian gần đây, trong giới trẻ rộ lên phong trào hút TLĐT và TLNN, ông có thể chia sẻ rõ hơn về những loại thuốc lá thế hệ mới này?

- Thuốc lá thế hệ mới có nhiều loại, nhưng TLĐT và TLNN là 2 dạng điển hình. Trong đó, TLĐT là sản phẩm cung cấp một loại dung dịch chứa nicotine, chất tạo hương, propylene glycol (chất tạo vị ngọt) và glycerin thực vật (có tác dụng giữ ẩm). Trong đó, nicotine là chất có khả năng gây nghiện cao, tương tự như ma túy. Ngoài ra, trong TLĐT còn có một số chất tạo mùi hấp dẫn, tạo ngọt tuy được coi là an toàn trong thực phẩm, nhưng khi được đun nóng và hóa hơi có thể tạo ra chất gây ung thư.

Bên cạnh TLĐT, những năm gần đây, ngành công nghiệp thuốc lá còn đưa ra thị trường một loại thuốc lá với đặc tính làm nóng thuốc lá ở nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói cho người hút thuốc hít vào qua một hệ thống điện tử, đó là TLNN. Chúng được giới thiệu là sản phẩm ít độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, theo WHO, TLNN cũng tạo ra dạng khói có nhiều chất độc giống như khói thuốc lá điếu và một số chất có khả năng gây ung thư.

Nhiều người cho rằng, thuốc lá thế hệ mới không gây hại cho sức khỏe. Vậy theo ông, các loại thuốc lá này tác động thế nào đến sức khỏe người hút và cả người phơi nhiễm với khói thuốc từ TLĐT và TLNN, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khỏe. Cụ thể, chất nicotine trong các sản phẩm này gây nghiện mạnh khiến người sử dụng phụ thuộc và làm tăng nguy cơ sử dụng các sản phẩm hoặc chất kích thích khác như rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Chất nicotine có trong thuốc lá thế hệ mới gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên và làm tổn thương bào thai (chết lưu, sinh non, dị tật). Ngoài ra, trong khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng.

Nhiều loại TLĐT sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm. Mới đây, cháu bé 5 tuổi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng bị tổn thương thần kinh nặng, co giật, hôn mê, suy hô hấp do uống phải nước dung dịch của TLĐT. Hay trường hợp nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội nhập viện cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương não và suy đa tạng do ngộ độc một chất ma túy có trong TLĐT.

Phơi nhiễm với khói TLĐT và TLNN có độc hại như phơi nhiễm khói thuốc lá điếu không, thưa ông?

- Các nghiên cứu cho thấy khói từ thuốc lá thế hệ mới cũng rất độc hại với người bị phơi nhiễm thụ động từ khói TLĐT và TLNN vì cũng hấp thu lượng nicotine tương đương như khi phơi nhiễm với khói thuốc thông thường. Tất nhiên, nguy cơ bị các bệnh liên quan đến thuốc lá giống như người hút thuốc lá chủ động. Thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, rất nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá như: bệnh lý ung thư (ung thư phổi, thanh quản, vòm, thực quản, dạ dày, đại tràng…); các bệnh lý hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản); các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ...) dù những bệnh nhân này không hút thuốc nhưng họ bị phơi nhiễm từ khói thuốc của người khác hút.

Hút thuốc lá, dù là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới đều có tác động xấu đến sức khỏe của bản thân người hút và người phơi nhiễm khói thuốc lá. Ảnh: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cung cấp
Hút thuốc lá, dù là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới đều có tác động xấu đến sức khỏe của bản thân người hút và người phơi nhiễm khói thuốc lá. Ảnh: Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cung cấp

Theo ông, hiện nay vấn đề cai nghiện thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới, cũng như công tác tư vấn đối với người hút thuốc được triển khai thế nào?

- Về bản chất, thuốc lá thế hệ mới cũng là những sản phẩm chứa nicotine làm người sử dụng trở nên lệ thuộc đối với chất này giống như sử dụng thuốc lá truyền thống. Vì vậy, việc tiếp cận điều trị cai nghiện cho những người sử dụng các sản phẩm này cũng tương tự như cai nghiện thuốc lá truyền thống, cần kết hợp các phương pháp điều trị nhận thức, thay đổi hành vi (các biện pháp tư vấn) và sử dụng các thuốc hỗ trợ cai khi cần.

Hiện nay, cả nước mới chỉ có 4 bệnh viện triển khai hoạt động cai nghiện và tư vấn cai nghiện thuốc lá: Trung tâm Chăm sóc hô hấp thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Khoa Thăm dò phục hồi chức năng - Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương. Tuy nhiên, người dân có mong muốn tư vấn cai nghiện TLĐT và TLNN có thể liên hệ Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai thuốc miễn phí 18006606 (Bệnh viện Bạch Mai).

Thuốc lá nói chung và TLĐT, TLNN nói riêng đều mang lại tác hại xấu cho sức khỏe của chính người hút lẫn người hít phải khói thuốc. Ông có lời khuyên nào cho những người đã, đang và có ý định sử dụng các loại thuốc lá?

- Bình diện chung, để phòng, chống tác hại của thuốc lá, hiện nay WHO cùng Bộ Y tế và  Bộ TT-TT đang phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về các tác hại của thuốc lá và tổ chức nhiều hoạt động hướng đến không khói thuốc lá.

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe và việc muốn bảo vệ sức khỏe của mình hay không thì chính người sử dụng thuốc lá cần phải nhận thức được. Tôi có một khuyến cáo rằng, mọi người nên giảm và tiến đến không hút thuốc lá, dù bất kỳ loại nào, bởi chúng không chỉ độc hại và còn rất tốn kém, cũng như gây phiền toái cho người khác.

* Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu thống kê của WHO công bố tháng 10-2022, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, nữ giới 1,4% và 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, xu hướng sử dụng thuốc lá trong giới trẻ đang gia tăng và tuổi bắt đầu hút thuốc đang ngày càng trẻ hóa, từ 13-15 tuổi. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá ở học sinh nam 4,9% và học sinh nữ 0,2%. Trên 47,7% học sinh nhóm tuổi này thường xuyên hút thuốc lá thụ động tại nhà và trên 66,5% hút thuốc lá thụ động tại nơi công cộng.

Phương Liễu (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều