Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với những chiêu lừa công nghệ cao dịp Tết

01:01, 07/01/2023

Một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, mất cảnh giác với tội phạm công nghệ cao, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi…

Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, ngày 3-1, một phụ nữ 68 tuổi ở xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất) bị đối tượng lạ lừa chuyển khoản mất 300 triệu đồng. Điều đáng nói, chiêu lừa của đối tượng này rất cũ: giả mạo cán bộ cảnh sát điều tra thông báo rằng người phụ nữ này có liên quan đến một vụ án ma túy; đồng thời, kết bạn Zalo và gửi một quyết định lệnh bắt tạm giam và yêu cầu bà chuyển tiền để chứng minh vô tội.

Qua vụ việc cho thấy, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, mất cảnh giác với tội phạm công nghệ cao, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi…

Hiện có nhiều chiêu trò lừa đảo công nghệ cao, nhưng có 3 chiêu trò thường gặp là: giả danh cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện thông báo người dân liên quan đến vụ án hoặc “phạt nguội” vi phạm giao thông yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản để điều tra, xử lý. Giả danh nhà mạng gọi thông báo số thuê bao của khách hàng trúng thưởng giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà đối tượng cung cấp. Giả mạo tin nhắn, trang web của ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Trong thời điểm gần Tết, các loại tội phạm đều có xu hướng gia tăng hoạt động, trong đó có tội phạm công nghệ cao nên bên cạnh sự ra quân trấn áp các loại tội phạm của ngành Công an, cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này đến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Muốn vậy phải đa dạng hình thức tuyên truyền, từ tuyên truyền miệng lồng ghép trong buổi họp của các hội, đoàn thể, khu phố, tổ dân phố, đến tuyên truyền bằng các tờ rơi, pa-nô, áp-phích. Đặc biệt, đẩy mạnh kênh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của các hội, đoàn thể để thuận lợi cho người dân theo dõi, cập nhật, chia sẻ, lan tỏa tinh thần cảnh giác cao hơn.

Bên cạnh đó. cần nâng cao vai trò của cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, bà con hàng xóm cách phòng ngừa, đối phó khi nhận số điện thoại, tin nhắn, đường link lạ với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.

Đặc biệt, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận điện thoại từ người lạ, nhất là khi đối tượng hù dọa, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, khai báo tài sản; chú ý bảo vệ thông tin cá nhân: ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, mã OTP ngân hàng… Cảnh giác khi có tin nhắn người thân, người quen mượn tiền qua mạng xã hội, đề phòng tài khoản này đã bị người khác chiếm đoạt; cần gọi lại để xác minh có đúng người thân, người quen không trước khi chuyển tiền… Đừng để mất tiền bởi những chiêu trò lừa đảo làm Tết mất vui.

Thu Uyên (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều