Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đây là thời điểm người dân tất bật chuẩn bị mọi thứ từ mua sắm đồ Tết; sửa chữa, trang hoàng nhà cửa, đến chuẩn bị kế hoạch du xuân.
Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đây là thời điểm người dân tất bật chuẩn bị mọi thứ từ mua sắm đồ Tết; sửa chữa, trang hoàng nhà cửa, đến chuẩn bị kế hoạch du xuân.
Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) kiểm soát giao thông tuyến quốc lộ 1 qua địa phận TP.Biên Hòa. Ảnh: Đăng Tùng |
Để có một cái Tết an toàn, đảm bảo sức khỏe, vui tươi là một trong những vấn đề nhiều người quan tâm. Báo Đồng Nai ghi nhận một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.
BS CKII PHAN ĐÔNG ĐOÀI, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: Đề phòng tai nạn thương tích ở trẻ
Trong số tai nạn thương tích mà trẻ thường gặp thì tai nạn giao thông (TNGT) chiếm phần lớn. Trung bình mỗi ngày phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận từ 20-30 trường hợp trẻ em bị TNGT, trong đó có 5-10 ca chấn thương nặng phải nhập viện điều trị. Nhiều ca chấn thương rất nặng chủ yếu là chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy chân tay…, tập trung nhiều ở lứa tuổi 13-16. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do các em điều khiển xe máy trên 50 phân khối. Phụ huynh nên cho con đi loại xe phù hợp với độ tuổi, hướng dẫn cách sử dụng an toàn, các quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, người điều khiển ô tô bị phạt từ 6-8 triệu đồng, người điều khiển xe máy bị phạt 2-3 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25ml/lít khí thở (mức nồng độ cồn thấp nhất trong khung xử phạt). Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tạm giữ xe theo quy định. |
Trẻ ở lứa tuổi 6-10 bị tai nạn, đa số khi tham gia giao thông cùng người lớn. Trẻ bị chấn thương nặng do không đảm bảo các yếu tố về an toàn như: ngồi phía trước, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây đai an toàn (với ô tô)… Đối với những trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn thì tai nạn thường gặp là bị kẹt gót, ngón chân khi đi xe 2 bánh, hậu quả tai nạn để lại những di chứng ở bàn chân, phải phẫu thuật nhiều lần rất phức tạp. Để phòng ngừa, phụ huynh cần lưu ý gắn thêm dè chắn, mang giày cho con khi cho trẻ ngồi phía sau xe…
Ngoài ra, những ngày Tết, có không ít trường hợp trẻ bị hóc hạt dưa, hạt bí… do chơi đùa hoặc vô ý nhét vào lỗ mũi. Phụ huynh cần học cách xử trí khi trẻ bị hóc dị vật, nếu đã dùng các biện pháp mà không có kết quả nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Trẻ cần sự quan tâm, sâu sát hơn của người lớn để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
BS CKI DƯƠNG HOÀI VŨ, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất: Không lái xe sau khi sử dụng rượu, bia
Thông thường vào dịp lễ, Tết, số ca nhập viện cấp cứu vì TNGT lại càng tăng. Trong số đó, có không ít vụ liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia tự gây TNGT cho mình và người khác. Rất nhiều ca bị TNGT liên quan đến rượu, bia vào viện trong tình trạng nặng, có những ca bị các chấn thương vùng đầu, sọ não… để lại những di chứng rất nặng nề. Việc không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là điểu khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở đã có nồng độ cồn không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện, mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác.
Tai nạn, những sự cố liên quan đến bia, rượu gây tổn hại về sức khỏe, thậm chí nỗi đau mất mát luôn là điều không ai muốn xảy ra. Nâng ly rượu, ly bia mừng Xuân là muốn trao đến cho nhau những niềm vui, tình cảm chân thành, nhưng muốn niềm vui ấy thực sự vẹn tròn, mỗi chúng ta cần tự giác chấp hành quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra cho bản thân và người khác. Nếu đã uống rượu, bia thì nên gọi taxi hoặc nhờ người khác chở về để đảm bảo an toàn.
Đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh: Không mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép
Theo quy định, người dân bị cấm sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Người dân chỉ được mua, sử dụng pháo hoa do tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định.
Việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép dẫn đến nhiều tác hại như: có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người do pháo và thuốc pháo gây ra. Đốt pháo trái phép gây mất an ninh trật tự ở địa bàn dân cư, nơi công cộng hoặc làm người điều khiển giao thông mất kiểm soát dẫn đến TNGT. Ngoài ra, việc sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ.
Hiện nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cũng cần tự giác nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua, bán, tiêu thụ, đốt pháo trong dịp Tết. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự để mọi người dân cùng vui Tết, đón Xuân bình yên, an toàn.
Bà NGUYỄN NGỌC BÍCH (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành): Tránh “vung tay quá trán” khi mua sắm Tết
Thị trường thực phẩm phục vụ Tết rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh các sản phẩm được tiếp thị rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội thì thị trường thực phẩm, hàng hóa phục vụ Tết cũng rất phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại, được bày biện rất bắt mắt… Nếu không biết lựa chọn hoặc không tỉnh táo người tiêu dùng rất dễ “vung tay quá trán”, kết quả sẽ rước về nhà những món đồ chưa chắc dùng đến.
Để hưởng cái Tết thật vui mà vẫn an toàn, tiết kiệm, các bà nội trợ nên lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, xác định những hoạt động vui chơi, thăm hỏi, liên hoan hay du xuân phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp điều kiện sức khỏe, kinh tế gia đình… Mua sắm những thứ thật cần thiết và chỉ nấu ăn vừa đủ. Các chợ, siêu thị thường mở cửa vào Mùng 2 Tết nên không cần phải mua trữ nhiều thực phẩm.
Khi mua quà biếu cần hết sức thận trọng đối với các giỏ quà gói sẵn rất bắt mắt nhưng có khi là hàng cận hạn sử dụng hoặc không phải là loại ngon mà giá đắt. Tốt nhất là chọn từng mặt hàng theo ý thích, xem hạn sử dụng và yêu cầu gói quà. Mua bánh mứt nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, bao bì nhãn hiệu địa chỉ rõ ràng và chế biến bằng phương pháp an toàn đã được cấp chứng nhận từ cơ quan chức năng…
Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) NGUYỄN ĐÌNH MINH: Hãy là người tiêu dùng thực phẩm thông minh Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Tết đang được triển khai rất gắt gao nhằm bảo đảm thực phẩm mùa Tết được an toàn, vệ sinh, phòng tránh ngộ độc. Hiện tỉnh cũng đã thành lập hàng chục đoàn kiểm tra liên ngành tại 3 cấp có sự phối hợp của các ngành: Y tế - Công thương và NN-PTNT tiến hành kiểm tra chuỗi thực phẩm từ nơi nuôi trồng đến vận chuyển, kinh doanh, lưu hành trên thị trường và đi vào các chợ, siêu thị… Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết, phòng tránh ngộ độc, cần thêm sự chung tay của mỗi người tiêu dùng. Do đó, người dân nên là người tiêu dùng thực phẩm thông minh, biết cách mua, lưu trữ và bảo quản thực phẩm đúng cách. Bắt đầu từ việc chọn thực phẩm tươi ngon, nếu là thịt, cá nên phân chia thành nhiều phần vừa đủ ăn, loại thực phẩm đóng hộp phải có bao bì, hạn sử dụng và xuất xứ rõ ràng; mua một lượng thực phẩm vừa phải, không nên tích trữ thực phẩm đầy tủ lạnh sẽ làm giảm chất lượng, dễ gây nhiễm khuẩn; phân loại thực phẩm bằng cách để riêng giữa thực phẩm sống - chín, thực phẩm ăn liền không qua chế biến để không bị nhiễm khuẩn chéo giữa thực phẩm sống sang thực phẩm chín; sơ chế trước khi bảo quản bằng việc rửa sạch thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, gà, nhặt bỏ các gốc rễ của rau củ, ngắt bỏ lá hư và bao gói cẩn thận. Phương Liễu (ghi) |
Kim Liễu (ghi)