Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha không thừa nhận vẫn có quyền hưởng thừa kế

08:02, 16/02/2023

Đạo đức xã hội và pháp luật không thừa nhận việc chối bỏ huyết thống giữa cha mẹ, con cái. Cho nên, dù họ không nhìn nhận nhau lúc còn sống, pháp luật vẫn ghi nhận quyền hưởng thừa kế lẫn nhau khi mất mà không có di chúc.

Đạo đức xã hội và pháp luật không thừa nhận việc chối bỏ huyết thống giữa cha mẹ, con cái. Cho nên, dù họ không nhìn nhận nhau lúc còn sống, pháp luật vẫn ghi nhận quyền hưởng thừa kế lẫn nhau khi mất mà không có di chúc.

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về thủ tục xác nhận cha cho con. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về thủ tục xác nhận cha cho con. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, luật quy định con sinh ra không phụ thuộc tình trạng hôn nhân của cha mẹ, do đó quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, con đối với nhau luôn được pháp luật ghi nhận.

* Khi cha không nhận con, anh chị em không nhận nhau

Trong quá trình về TP.Biên Hòa làm việc tại một công ty, giữa chị N.T.T. (23 tuổi) và anh L.T.K. (27 tuổi), cùng quê tỉnh Đắk Lắk, yêu và sống chung. Quá trình chung sống, chị T. và anh K. xảy ra cãi cọ về chuyện tiền bạc nên chị T. bỏ về quê chơi. Ở quê được gần 2 tháng thì chị T. mới biết mình có thai với anh K. nên điện thoại báo tin. Anh K. cho rằng đứa trẻ đó không phải là máu mủ của mình nên từ chối nối lại tình cảm và không chăm sóc cho tới ngày mẹ tròn con vuông.

Chính vì vậy, chị T. ở quê sinh con một mình. 2 năm sau, chị mang con trở lại TP.Biên Hòa làm việc nhưng không tìm anh K. Đến năm 2020, khi cháu bé được 6 tuổi thì chị nghe tin anh K. bị tai nạn giao thông đột ngột qua đời mà không có di chúc để lại 5 sào đất rẫy cho con. Khu đất này do cha mẹ của anh K. mất và để lại cho người cậu ruột của anh trông coi (do anh là con một). Chị T. muốn xác nhận cha cho con và muốn con được hưởng di sản thừa kế từ anh K. nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Còn bà C.H.Y. (ngụ xã Núi Tượng, H.Tân Phú) cho biết, năm 2016, bà và ông B. (tỉnh Bến Tre) sống chung với nhau như vợ chồng. Ông B. và vợ trước có 2 con chung đã trưởng thành, đang ở quê. Vợ cũ của ông chết vào năm 2010 (khi chết tài sản chung của vợ chồng đã được chia theo quy định pháp luật gồm: cho ông, 2 con và cha mẹ đẻ của vợ). Do đó, ông B. dùng tài sản sau khi được thừa kế về xã Núi Tượng mua đất, lập vườn sinh sống và gặp bà Y.  Cả hai có con chung vào năm 2018 (giấy khai sinh mang tên ông B. và bà Y. là cha mẹ).

Do là người kỹ tính, biết phòng xa nên khi sống chung với nhau, giữa ông và bà Y. có giao kèo tài sản trên là tài sản riêng của ông, tài sản 2 người tạo lập chung trong quá trình sinh sống là 3 sào đất vườn. Năm 2019, ông B. về quê ăn giỗ thì bị mất vì đột quỵ và không để lại di chúc hay trăn trối gì về tài sản của ông và của chung với bà. Do đó, 2 người con riêng của ông B. đã yêu cầu bà trao lại đất mà ông tạo dựng lại cho họ và chia phần diện tích đất chung mà 2 người tạo lập trong thời gian chung sống mà bỏ qua quyền lợi của người em cùng cha khác mẹ (con riêng của ông B. và bà Y.). Bà Y. muốn bảo vệ quyền lợi của mình và con mà không biết phải làm sao.

* Pháp luật sẽ phân chia khi không thỏa thuận được

Luật sư Nguyễn Đức cho biết, với trường hợp của chị T. được giải quyết như sau: Thứ nhất, chị muốn làm thủ tục xác nhận cha đẻ là anh K. cho con chị thì chị cần các giấy tờ chứng minh như: văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước xác nhận quan hệ cha con. Nếu không có các giấy tờ, tài liệu trên thì chị lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, con là đúng sự thật, có ít nhất 2 người làm chứng về mối quan hệ cha con giữa anh K. và cháu bé.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh PHAN VĂN CHÂU bày tỏ, hiện tại vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng các quy định pháp luật nên khi chung sống với ai đó có con riêng (ngoài giá thú) thì họ đinh ninh rằng bản thân họ không nhìn nhận thì pháp luật sẽ không thừa nhận quyền thừa kế của họ. Đó là suy nghĩ sai lầm, nếu đứa trẻ đó và người nuôi dưỡng (mẹ ruột, ông bà ngoại, nội….) có yêu cầu nhận cha thì sẽ được pháp luật ghi nhận, cả khi người cha đã chết. Đồng thời, dù người con bị cha đẻ từ chối nhận, “từ mặt” vẫn được thụ hưởng di sản thừa kế của cha nếu người cha chết mà không có di chúc.

Thứ hai, theo quy định pháp luật về thừa kế, một khi pháp luật đã xác định con của chị là máu mủ của anh K., dù chị và anh có thời gian ngắn sống chung, không có đăng ký kết hôn, anh K. không thừa nhận con thì cháu bé vẫn được hưởng quyền thừa kế từ anh K. khi mất mà không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp.

“Một khi chị đã có đủ tài liệu, chứng cứ hợp pháp chứng minh con của chị là máu mủ của anh K. Đồng thời, vì anh K. là con trai duy nhất, cha mẹ của anh đã chết trước, không có vợ hợp pháp nào khác và chỉ có một người con duy nhất là con của anh chị nên dù chị có gia đình riêng thì di sản của anh mặc dù đã được giao cho cậu ruột quản lý, trông coi vẫn thuộc phần thụ hưởng của cháu bé” - luật sư Nguyễn Đức hướng dẫn.

Còn đối với trường hợp của bà Y., theo luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư Đồng Nai), do cháu bé được ông B. nhìn nhận và có giấy tờ (giấy khai sinh) chứng minh là con chung của 2 người nên phần tài sản chung của ông bà được chia như sau: Bà Y. được một phần trong tài sản chung, phần còn lại chia đều cho bà, con bà và 2 người con riêng của ông B. (do cha mẹ ruột ông B., hàng thừa kế thứ nhất đã qua đời). Riêng phần tài sản riêng của ông B. là khu vườn ông đã tạo dựng trước khi gặp bà thì chia làm 3 phần bằng nhau cho con chung của bà với ông B., 2 con riêng của
ông B.

“Nếu bà Y. và 2 con riêng của ông B. không thỏa thuận được cách thức chia như trên thì một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án nơi có đất, tài sản của ông B. để lại khi chết mà không có di chúc để phân chia” - luật sư Lưu Hồng Khanh hướng dẫn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều