Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì để con không bị bắt nạt, bạo lực học đường?

10:02, 12/02/2023

Mới đây, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhiều bạn học túm tóc, đấm, tát liên tiếp. Sự việc được cơ quan chức năng xác định xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) vào ngày 10-2. Nguyên nhân vụ việc được xác định chỉ vì mâu thuẫn từ việc chửi nhau qua lại.

Mới đây, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhiều bạn học túm tóc, đấm, tát liên tiếp. Sự việc được cơ quan chức năng xác định xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) vào ngày 10-2. Nguyên nhân vụ việc được xác định chỉ vì mâu thuẫn từ việc chửi nhau qua lại.

Trước đó, trên MXH xuất hiện 1 clip nữ sinh lớp 8 túm tóc, tát, đá, đánh vào đầu một nữ sinh khác trong nhà vệ sinh. Điều đáng nói sau khi đánh bạn, nữ sinh này còn tự đăng video đánh bạn lên Facebook. Theo thông tin từ các cơ quan truyền thông, sự việc xảy ra vào ngày 8-2, trong nhà vệ sinh trên lầu 2 Trường THCS Nguyễn Thị Thập (TP.HCM).

Tương tự, tại Đồng Nai cũng từng xảy ra một số vụ bạo lực, bắt nạt học đường. Vào ngày 28-6-2022, trên MXH xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh nhóm học sinh đánh nhau tại xã Bàu Cạn (H.Long Thành). Theo đó, học sinh bị đánh trong đoạn clip là em P., học sinh lớp 8 của Trường THCS Tân Thành (H.Long Thành). Lý do em P. bị một số học sinh đánh do nhắn tin qua lại trên MXH dẫn đến xích mích.

Qua các vụ việc trên cho thấy, nguyên nhân các vụ mâu thuẫn rất đơn giản chỉ vì câu nói hoặc nhắn tin trên MXH gây xích mích. Địa điểm bắt nạt thường là khu vực vắng vẻ, chủ yếu là nhà vệ sinh các trường học. Ngoài ra, nhiều em học sinh còn không nắm vững các quy định pháp luật, thậm chí còn đăng cả clip đánh bạn lên MXH.

Theo tôi hoàn toàn có thể ngăn ngừa tình trạng này. Trước hết, ở sự quan tâm, giáo dục của gia đình, giúp con trẻ nhận biết và tránh xa các hành vi bắt nạt, bạo lực học đường. Cần gần gũi con để các em sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề, trong đó có những vấn đề mâu thuẫn, xích mích với bạn bè có nguy cơ dẫn đến bắt nạt, bạo lực học đường để sớm phối hợp cùng giáo viên, nhà trường can thiệp kịp thời. Về phía nhà trường cần tăng cường tuyên truyền pháp luật liên quan đến các hành vi cố ý gây thương tích, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác; giáo viên chủ nhiệm cần theo sát, giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong học sinh từ sớm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra; có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm các học sinh có hành vi bạo lực học đường. Đồng thời ban hành hướng dẫn các biện pháp khi gặp tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường để kịp thời ngăn ngừa các vụ việc xảy ra. Đặc biệt, cần có biện pháp kiểm tra, giám sát khu vực nhà vệ sinh các trường học (cử giáo viên thường xuyên kiểm tra các nhà vệ sinh trong giờ học). Đây là nơi nhiều học sinh chọn để hút thuốc lá điện tử, đánh nhau…

Để xảy ra các vụ bắt nạt, bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến các em học sinh (cả người bắt nạt, đánh bạn và nạn nhân). Do đó cần những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn từ ngành Giáo dục nhằm ngăn ngừa xảy ra các vụ việc nêu trên.

Bảo Ngọc (H.Long Thành)

Tin xem nhiều