Báo Đồng Nai điện tử
En

Các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần quy định chi tiết hơn

08:03, 16/03/2023

Thường trực HĐND tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến đại biểu HĐND tỉnh đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên địa bàn tỉnh. Nội dung về chính sách thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thu hút sự quan tâm, góp ý của nhiều đại biểu.

Thường trực HĐND tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến đại biểu HĐND tỉnh đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên địa bàn tỉnh. Nội dung về chính sách thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã thu hút sự quan tâm, góp ý của nhiều đại biểu.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (cụm tổ số 2) tại H.Thống Nhất. Ảnh: Bá Trực
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (cụm tổ số 2) tại H.Thống Nhất. Ảnh: Bá Trực

* Chi tiết các trường hợp Nhà nước thu hồi đất

Theo các đại biểu HĐND tỉnh, để bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần cụ thể hơn các nội dung tại Điều 78 của dự thảo quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Theo đại biểu Nguyễn Kim Phước, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, đơn vị soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí, điều kiện đối với các trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án tái định cư, dự án nhà ở xã hội, dự án đô thị và dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở mà có tính chất thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thu hồi đất phải bố trí tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất, việc bốc thăm nhận đất tái định cư phải được thực hiện sau khi có hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, có hạ tầng xã hội đầy đủ để phục vụ cho nhu cầu sinh sống của người dân có đất bị thu hồi. 

“Nên nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo Luật một số nội dung như: đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp có diện tích lớn, nếu địa phương có quỹ đất nông nghiệp thì thực hiện hoán đổi để người dân sản xuất nông nghiệp (theo yêu cầu của người có đất bị thu hồi) hoặc cấp tái định cư theo tỷ lệ thu hồi đất nông nghiệp. Thu hồi đất ở nên hoán trả đất ở khu tái định cư tương đương với diện tích bị thu hồi. Thu hồi đất nông nghiệp mà có nhà ở (xây dựng không phép) xây dựng trước ngày 1-7-2014, cần có quy định cấp chỗ ở và không nộp tiền sử dụng đất ở” - đại biểu Nguyễn Kim Phước đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Kim Phước còn đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể dự án nào thuộc trường hợp “tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư” tại Khoản 1, Điều 78 để đảm bảo triển khai thực hiện.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Mạnh Thắng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, cũng đề nghị, Khoản 1, Điều 78 cần nói rõ về dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư là dự án Nhà nước thực hiện đầu tư trên diện tích thu hồi hay tạo quỹ đất sạch để đấu giá hoặc đấu thầu dự án.

Nội dung các khái niệm quy định tại Điều 78 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng được nhiều đại biểu quan tâm đề nghị nên giải thích rõ. Đại biểu Cao Văn Quang, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị đưa nội dung giải thích thuật ngữ “Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng” vào Điều 3 dự thảo luật để tiện tra cứu.

Đại biểu Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh góp ý, Điểm d, Khoản 2, Điều 78 quy định, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong đó có “Dự án xây dựng cơ sở tôn giáo”. Hiện nay, đang có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng tôn giáo để tổ chức hoạt động kinh doanh, với quy định trên của luật sẽ tạo kẽ hở, dễ bị lợi dụng nếu không làm rõ mục đích sử dụng. Đề nghị luật có định nghĩa để xác định cụ thể việc thu hồi đất phục vụ cho tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo, phần nào là tôn giáo thì giao đất không thu tiền, còn phần nào kinh doanh thì phải nộp tiền cho Nhà nước…

* Cụ thể hóa các tiêu chí về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Triệu Thị Huỳnh Hoa, Phó chánh án TAND tỉnh bày tỏ sự thống nhất với dự thảo.

Để đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi, theo đại biểu Triệu Thị Huỳnh Hoa, cần quy định cụ thể tiêu chí để cấp tái định cư, quy định cụ thể phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế... Cụ thể hóa quy định tiêu chí đảm bảo thu nhập và điều kiện sống để đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, chỉ ra các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ”.

Liên quan đến vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng, nội dung quy định trong dự thảo khá hợp lý, sát thực tiễn. Tuy nhiên, cần thể chế hóa quy định tại Khoản 2, Điều 89 của dự thảo, cần bổ sung quy định về bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất bị giải tỏa nhà ở (xây dựng trên đất không phải là đất ở) và không còn chỗ ở nào khác. Tại Điều 85 cần bổ sung về thời hạn lập kế hoạch, lập thủ tục thu hồi đất, lập, kiểm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh tình trạng để kéo dài thời gian dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, đời sống của người dân có đất bị thu hồi…

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Vân, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, đề nghị rà soát một số nội dung tại Điều 94. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 94: Khi đủ điều kiện để bồi thường thì bồi thường “bằng đất ở hoặc nhà ở hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi” chưa đầy đủ về diện tích, và việc thu hồi đất có mục đích sử dụng là đất ở thì Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp có được không, cần bổ sung rõ. Bên cạnh đó, bà Vân đề nghị nên nghiên cứu tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

“Việc triển khai thực tế còn thiếu nội dung “xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường đất”. Do đó, dự thảo cần xem xét, bổ sung nội dung này khi thông báo thu hồi đất, đo đạc địa chính khu đất và tiến hành thực hiện trước thời điểm họp dân kiểm đếm. Thực tế cho thấy, khi tiến hành kiểm đếm thì đa số người dân luôn hỏi về chính sách bồi thường và luôn quan tâm đến giá bồi thường đất” - đại biểu Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT góp ý.

Một số đại biểu HĐND tỉnh đề nghị bổ sung tại Điểm a, Khoản 2, Điều 94 đối với trường hợp không xác định được địa chỉ của người có đất thu hồi thì thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; hoặc có thể gửi qua Zalo, email của người có đất bị thu hồi…

Kim Liễu

Tin xem nhiều