Trong quá trình vay mượn tiền, khi một trong các bên không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng vay mượn nợ hoặc theo thỏa thuận miệng thì nhờ pháp luật can thiệp, chứ không được tự ý cưỡng đoạt tài sản của người vay nợ, nhờ "xã hội đen" đòi nợ thuê...
Trong quá trình vay mượn tiền, khi một trong các bên không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng vay mượn nợ hoặc theo thỏa thuận miệng thì nhờ pháp luật can thiệp, chứ không được tự ý cưỡng đoạt tài sản của người vay nợ, nhờ “xã hội đen” đòi nợ thuê...
Luật sư Ngô Văn Định tư vấn cho người dân về các giải pháp đòi nợ được pháp luật cho phép. Ảnh: Đ.Phú |
* Nghiêm cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Mặc dù hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê bị Luật Đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) đưa vào quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điểm h, Khoản 1, Điều 6), nhưng hoạt động này vẫn được núp bóng hoặc hoạt động trá hình dưới hình thức cá nhân, công ty đòi nợ thuê.
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an TP.Hà Nội và các đơn vị chức năng triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động đòi nợ thuê cho ngân hàng, công ty tài chính. Thủ đoạn của tổ chức đòi nợ thuê này là gọi điện thoại cho khách hàng hoặc gây sức ép thông qua người thân, đồng nghiệp bằng cách sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân quen dù họ không liên quan khoản vay. Bên cạnh đó, nhóm đòi nợ còn cắt ghép hình ảnh khách hàng, người thân khách hàng vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật. Sau đó, tạo lập, dùng các tài khoản ảo đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách hàng phải trả tiền.
Theo luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh, kiểu đòi nợ như vậy là vi phạm pháp luật và bên đòi nợ sẽ bị xử lý thích đáng theo pháp luật hiện hành. Do đó, khi đứng trước các khoản nợ khó đòi, dù bức xúc đi chăng nữa, bên cho vay cũng phải hành xử cho đúng pháp luật. Tức là gặp bên vay để vận động họ có giải pháp trả nợ hoặc khởi kiện vụ việc ra tòa án.
“Trong quá trình khởi kiện đòi nợ, người cho vay được quyền ủy quyền cho người khác thay mình giải quyết vấn đề trong suốt quá trình tố tụng. Đây là phương thức đòi lại số tiền đã cho vay một cách hợp pháp một khi các bên không tự thỏa thuận được. Quá trình này tuy có chút rắc rối và có thể kéo dài nhưng được pháp luật bảo hộ” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, để đòi được số tiền gốc và lãi khi cho vay bằng phương thức khởi kiện vụ việc ra tòa án thì bên cho vay phải có chứng cứ, tài liệu về việc vay mượn để cung cấp cho tòa án. Khi tòa án ra bản án buộc bên vay phải trả gốc, lãi cho bên cho vay và chờ khi bản án có hiệu lực một thời gian theo luật định thì bên cho vay còn phải thực hiện bước tiếp theo là yêu cầu cơ quan thi hành án buộc bên vay phải thi hành bản án đó.
* Cách xử lý khi cho vay không xác định ngày trả
Vốn là chỗ thân quen nên khi ông T.V.M. (ngụ xã Long Hưng, TP.Biên Hòa) hỏi vay số tiền 250 triệu đồng, lãi suất 20%/năm, ông C.T.Y. (ngụ P.An Hòa, TP.Biên Hòa) cho mượn ngay mà quên ghi rõ thời hạn trả lãi và nợ gốc trong giấy vay mượn tiền. Chính vì vậy, khi cần tiền sửa nhà, ông Y. yêu cầu ông M. trả nợ thì ông M. phân trần, do hai bên không quy định thời gian trả nên ông Y. phải ráng chờ 1 năm, khi nào ông bán được đất sẽ trả.
Hay như trường hợp bà H.B.L. (ngụ xã Phú Điền, H.Tân Phú) cho bà N.T.H. (ngụ cùng địa phương) mượn 50 triệu đồng (không lãi). Chỉ vì câu nói khi cho vay, chỗ chị em với nhau, khi nào bà L. có tiền thì trả, không thì cứ để đó nên khi biết tin bà L. vỡ nợ, bà H. tới đòi thì được trả lời rằng chưa có tiền nên chưa trả, khiến bà H. không khỏi lo lắng.
Trao đổi về tình huống trên, luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, do các khoản cho vay mượn của các ông, bà được xác định là khoản vay không kỳ hạn nên căn cứ vào Điều 469 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết. Nghĩa là ông Y. muốn đòi nợ ông M. và bà H. muốn đòi nợ bà L. thì phải báo trước cho người vay một thời gian hợp lý. Sau khi hết thời gian báo trước thì bên cho vay mới được đòi tiền. Bởi vì, điều luật quy định, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Riêng với hợp đồng vay không kỳ hạn thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
Việc đòi lại số tiền đã cho vay mượn nếu bên vay mượn không thiện chí trả, chây ì dễ làm cho bên cho vay bức xúc. Do đó, vấn đề ông Y. và bà H. quan tâm là làm sao để vừa thu hồi nợ hiệu quả, vừa đảm bảo đúng pháp luật, không để mình phải gánh chịu những hậu quả pháp lý đáng tiếc.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, mặc dù bên vay phải có nghĩa vụ trả nợ nhưng không vì số tiền họ đang nợ mà bên cho vay được quyền xâm phạm tới nhân phẩm, danh dự, tính mạng, sức khỏe của họ. Bên cho vay phải bình tĩnh, khôn khéo xử lý tình huống như: nhờ pháp luật can thiệp hoặc hai bên gặp nhau thương thảo cách thức trả nợ, chứ không được nhờ “xã hội đen” đòi nợ giùm mình hoặc tự ý lấy tài sản của người vay nợ sẽ dễ phạm tội cưỡng đoạt tài sản của người khác.
“Pháp luật chỉ cho phép chủ nợ ủy quyền cho cá nhân khác thay mình thực hiện việc đòi nợ trong quá trình giải quyết việc vay mượn nợ tại các tổ hòa giải, trọng tài, tòa án. Điều này khác với hình thức nhờ hoặc ủy quyền cho người khác tới nhà người vay nợ nhắc nợ, đòi nợ” - luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh lưu ý. |
Đoàn Phú