Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ em.
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ em. Chỉ vì ích kỷ, ghen tuông, mệt mỏi trong cuộc sống hoặc bực tức vì trẻ không nghe lời mà không ít người lớn đã trút xuống đầu trẻ những trận đòn chí tử, những hình phạt đau đớn, để lại cho trẻ những tổn thương lớn về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có trẻ đã bị tước đi sự sống.
Một cô giáo Trường mầm non Tuổi Ngọc (P.An Bình, TP.Biên Hòa) tát trẻ 31 cái được camera ghi lại. Ảnh cắt từ clip camera của trường |
Bạo hành trẻ em là một vấn nạn cần được giải quyết càng sớm càng tốt, bởi các em chưa phát triển đầy đủ, chưa đủ sức và đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình. Do đó, việc bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của người thân, gia đình và toàn xã hội.
* Người lớn xin bớt vô tâm, vô cảm…
Vụ cháu bé 8 tuổi ở TP.HCM bị người tình của cha hành hạ, đánh đập đến chết chưa kịp lắng xuống thì mới đây dư luận lại bàng hoàng về vụ một bé gái 3 tháng tuổi (ở tỉnh Lâm Đồng) bị người tình của mẹ hành hạ gãy cả 2 tay, 2 chân. Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, bé N.N.T.C. nhập viện trong tình trạng tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, suy gan. Hay một cô giáo ở Trường mầm non Tuổi Ngọc (P.An Bình, TP.Biên Hòa) ngày 17-5 có hành vi dùng tay đánh vào má và trán của bé N.M.H. (3 tuổi) 31 cái.
Bạn đọc (BĐ) Hoàng Ngọc Thảo (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) nói trong bức xúc: “Đọc những thông tin về trẻ bị bạo hành trên báo chí mà tôi bức xúc trước cách hành xử quá độc ác với trẻ nhỏ. Các em phần lớn còn rất nhỏ, không có khả năng tự vệ. Tôi cho rằng, người lớn hãy bớt vô tâm, vô cảm với trẻ nhỏ, để các em được sống trong môi trường an toàn và được yêu thương”.
Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH NGUYỄN THỊ KIỀU OANH, giải pháp chính là sự đồng hành của cả xã hội trong công tác phổ biến, tuyên truyền thông tin về phòng, chống bạo hành trẻ em trong gia đình, trường học, nhằm thay đổi nhận thức cho cha mẹ, thầy cô và những người giáo dục trẻ. Xử lý nghiêm đối với những trường hợp xâm hại, bạo hành trẻ em và cả những người che giấu hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. |
Tương tự, BĐ Nguyễn Thị Phương Lan (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa, là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu) cho biết, là người có 36 năm theo nghề dạy trẻ mầm non, bà hiểu được cảm giác của giáo viên khi các cháu nhỏ quậy phá, bướng bỉnh, không chịu ăn… Những lúc như thế, đánh trẻ không phải là giải pháp, tát trẻ mấy chục cái để buộc cháu phải ăn lại càng phản tác dụng. Tình huống này, giáo viên nên lôi cuốn các cháu vào một câu chuyện, vào một trò chơi nhẹ tại bàn ăn, vui vẻ các cháu sẽ ăn.
“Làm nghề dạy trẻ mầm non, cần cái tâm và tình yêu thương con trẻ. Nếu không yêu con trẻ, xin đừng làm nghề này” - BĐ Lan cho hay.
Nhiều ý kiến BĐ cũng bày tỏ sự lo lắng khi thời gian gần đây, những vụ việc trẻ bị bạo hành một cách dã man diễn ra liên tục, trong đó có nhiều trẻ mới chỉ vài tháng tuổi, lớn hơn cũng chỉ ở bậc tiểu học, chưa đủ sức kháng cự và tự bảo vệ mình. Điều đáng nói là không ít vụ bạo hành trẻ diễn ra ngay trong ngôi nhà các em đang sống, trong ngôi trường các em đang học - những nơi được cho là an toàn nhất với trẻ.
Không ít BĐ tỏ ra bức xúc với sự vô tâm, vô cảm của những người hàng xóm sống xung quanh nhà của trẻ bị bạo hành.
Chị Nguyễn Trúc Quỳnh (ngụ P.Tân Mai, TP. Biên Hòa) cho biết: “Đừng nói là hàng xóm không biết trẻ bị bạo hành, bởi khi trẻ bị đánh, trẻ thường khóc rất to. Nếu không vô cảm, hàng xóm có thể sang can ngăn, khuyên bảo, thậm chí báo cho cơ quan chức năng để được can thiệp sớm. Đừng nghĩ là chuyện người ta, mình không nên can thiệp, mà phải nghĩ đó là cháu bé đang bị bạo hành cần can thiệp. Đừng để các cháu bị đánh đến mang thương tật, đánh đến chết mới sang thăm thì quá muộn”.
* Cần một chế tài nặng hơn
Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2016, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ con trẻ trước hết là của cha mẹ, ông bà. Ngoài ra, còn có tới 17 cơ quan liên quan có vai trò và trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng tình trạng bạo hành trẻ em không vì thế mà giảm bớt, hàng ngày vẫn xảy ra với tính chất nghiêm trọng hơn. Thậm chí, mỗi khi có vụ xảy ra cũng không thấy cơ quan nào phải chịu trách nhiệm… Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, đã đến lúc phải “gọi đích danh”, cụ thể là ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cho những vụ việc trẻ bị bạo hành, xâm hại, kể cả những người đã che giấu hành vi tội phạm này.
Ông Trần Thanh Nguyên (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, nếu chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở quan tâm thì sẽ ngăn chặn được tình trạng trẻ bị bạo hành. Bởi nếu vừa phát hiện hoặc được báo có trẻ bị đánh đập, cơ quan chức năng đến xử lý ngay thì chắc chắn sẽ không xảy ra những trường hợp trẻ bị bạo hành dã man trong thời gian dài.
“Mới đây, đọc báo tôi được biết, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo, nếu chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn để xảy ra tình trạng trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là bạo hành trong các trường học, thì người đứng đầu các quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Tôi cho rằng, Đồng Nai nên học tập, bởi biện pháp này sẽ khiến những cơ quan quản lý nhà nước phải xuống cơ sở nhiều hơn, gần dân hơn, lắng nghe phản ánh của dân nhiều hơn” - BĐ Nguyên đề xuất.
Ngoài ra, không ít ý kiến BĐ cũng cho rằng, bên cạnh Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, ngành chức năng cần công bố thêm đường dây nóng tiếp nhận báo tin về trẻ bị bạo hành, xâm hại tại các phường, xã để can thiệp kịp thời những vụ việc trẻ bị bạo hành, xâm hại ngay từ cơ sở.
Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa), ThS tâm lý học lâm sàng NGUYỄN CÔNG BÌNH cho biết, trẻ bị xâm hại, bạo hành sẽ để lại nhiều hệ lụy. Bạo hành không chỉ làm tổn thương thể chất các em mà còn tác động sâu sắc và nặng nề đến tinh thần, dẫn đến những sang chấn tâm lý. Bạo hành cũng khiến trẻ thiếu tự tin trong cuộc sống hoặc sau này luôn có xu hướng sử dụng bạo lực giải quyết vấn đề. |
Phương Liễu