Dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra nhiều cảnh báo nhưng hoạt động gom mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động nhằm trục lợi bất chính vẫn diễn ra trong thời gian qua với các hình thức tinh vi thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội…
Dù cơ quan chức năng liên tục đưa ra nhiều cảnh báo nhưng hoạt động gom mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động (NLĐ) nhằm trục lợi bất chính vẫn diễn ra trong thời gian qua với các hình thức tinh vi thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội…
Người dân liên hệ làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: MAI MINH |
Việc mua bán, cầm cố sổ BHXH có thể giúp NLĐ giải quyết khó khăn tài chính trước mắt nhưng lại khiến họ mất đi nhiều lợi ích, tồn tại nhiều rủi ro, gián tiếp gây ra những vấn đề tiêu cực và giảm chất lượng cuộc sống về lâu dài. Ngoài ra, hành vi mua bán sổ BHXH là vi phạm pháp luật.
* Công khai mua bán, cầm cố sổ BHXH
Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam cho hay, gần đây đơn vị tiếp tục nhận được thông tin phản ánh về một số trường hợp NLĐ và các hội, nhóm quảng cáo mua, cầm cố sổ BHXH trên một số website, tài khoản Facebook. Đơn vị này cũng đã có công văn (kèm danh sách các đường link dẫn đến các trang/nhóm Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của NLĐ để trục lợi) gửi đến và đề nghị Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên.
Tình trạng cầm cố, mua bán sổ BHXH diễn ra khá phổ biến, chỉ cần gõ cụm từ "mua bán sổ BHXH" trên Facebook, lập tức hàng trăm fanpage, tài khoản Facebook liên quan đến hoạt động mua bán sổ BHXH hiện ra như: Thu mua sổ BHXH, Mua sổ BHXH, Mua sổ BHXH Toàn Cầu, Thu mua sổ BHXH giá cao, Mua và bán sổ BHXH, Thu gom sổ BHXH, Mua bán cầm cố sổ BHXH… Việc mua bán, cầm cố sổ BHXH diễn ra khá dễ dàng.
“Việc mua bán, trao đổi, thế chấp sổ BHXH khi có tranh chấp về pháp luật, NLĐ sẽ chịu thiệt. Chính vì vậy, NLĐ tuyệt đối không thế chấp hay bán lại sổ BHXH của mình cho các đối tượng thu mua để phòng, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra. Phải coi sổ BHXH là một loại tài sản đặc biệt gắn liền với nhân thân, quyền lợi không thể tách rời của bản thân” - Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MINH THÀNH lưu ý. |
Cùng với các trang mạng xã hội rao dịch vụ thu mua sổ BHXH, hiện nay có trường hợp đối tượng làm dịch vụ cầm cố, thế chấp hoặc thu mua, thu gom sổ BHXH hoạt động tại các khu công nghiệp có đông công nhân. Thực tế có không ít công nhân đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố vay tiền. Trong tháng 4-2023, Công an H.Nhơn Trạch đã tạm giữ hình sự một đối tượng ngụ ở TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng. Cơ quan công an cũng đã thu giữ nhiều thẻ ATM, sổ BHXH mà đối tượng này giữ của các "con nợ" là công nhân.
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho rằng, sổ BHXH không phải là tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Khoản 2, Điều 97 Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ cấp lại sổ BHXH trong trường hợp NLĐ bị hỏng, mất sổ BHXH, không có quy định đối với trường hợp cầm cố sổ BHXH. Do đó, trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ.
* Thiệt đủ đường
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng NLĐ giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng NLĐ và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; đặc biệt, khi đủ điều kiện thì NLĐ sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già. Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.
Ông Phạm Minh Thành cho biết thêm, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của NLĐ sẽ chú trọng kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống với thông tin trên sổ BHXH và đơn đề nghị, đảm bảo các thông tin của người hưởng thống nhất; kiểm tra tính pháp lý của giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền; kiểm tra, đối chiếu đảm bảo đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần, trong đó có các giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần theo đúng quy định hiện hành; đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho NLĐ hoặc người được ủy quyền hợp pháp…
Việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH sẽ "thiệt đủ đường" cho bên tham gia cầm cố. Trong đó, hệ lụy lớn nhất là quyền lợi của người tham gia BHXH bị mất như: hưởng số tiền ít hơn so với số tiền thực tế được hưởng BHXH một lần của mình; không được hưởng lương hưu khi về già; không được cấp thẻ BHYT miễn phí khi về hưu... Do vậy, khi tiến hành chốt sổ hay thực hiện bất cứ thủ tục nào liên quan đến sổ BHXH của mình, NLĐ cần cân nhắc kỹ lưỡng. Tuyệt đối không thế chấp hay bán lại sổ BHXH của mình.
Kim Liễu